Giàu calo
Trong mỗi 100g cá mòi chứa khoảng 250 calo. Trong đó, khoảng 125 calo được cung cấp từ chất béo, một nửa còn lại được cung cấp từ protein.
Dồi dào protein
Trong mỗi 100g cá mòi chứa khoảng 30g protein, có nghĩa là bạn có thể tiêu thụ loại cá này để thay thế thịt. Để cung cấp đủ lượng protein mỗi ngày cho cơ thể, bạn chỉ cần tiêu thụ 200g cá mòi/ngày.
Phong phú chất béo
Hàm lượng chất béo chứa trong mỗi 100g cá mòi khoảng 10g (có 2g là chất béo bão hòa và không có chất béo trans), cung cấp khoảng 20% lượng chất béo cần hàng ngày cho cơ thể.
Axít béo omega-3 và omega-6
Cá mòi có chứa axít béo omega-3 và omega-6, là các chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Đặc biệt, axít béo omega-3 được chứng minh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer, tăng đường huyết, ung thư thận (theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Journal of the American Medical Association-Mỹ).
Vitamin và các dưỡng chất khác
Cá mòi cũng chứa nhiều vitamin D, có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hấp thu canxi vào cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe xương. Bên cạnh đó, vitamin D còn rất có ích cho sức khỏe hệ miễn dịch.
Một số lọai vitamin và dưỡng chất khác chứa trong cá mòi bao gồm: vitamin B6, vitamin B12 (chỉ cần tiêu thụ 50g cá mòi sẽ cung cấp đủ lượng vitamin B12 cần hàng ngày cho cơ thể), vitamin E, vitamin K, thiamin, riboflavin, niacin, axit panthotenic, folate, choline, canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm.
Ngoài ra, cá mòi còn dồi dào cholesterol có ích (mỗi 100g cá mòi có chứa khoảng 70% lượng cholesterol cần hàng ngày cho cơ thể).
Cá mòi và thủy ngân
Nhiều chuyên gia khuyến cáo mọi người nên hạn chế tiêu thụ một số loại cá biển như cá thu, cá kiếm, cá kình… vì chúng có thể chứa thủy ngân. Tuy nhiên, lượng thủy ngân trong cá mòi không đáng kể khi so với các loại cá khác.
Lưu ý: Để bảo đảm nguồn vitamin và dưỡng chất không bị mất đi, bạn chỉ nên tiêu thụ cá mòi ở dạng đóng hộp hay chế biến bằng cách nướng hoặc chiên.