Trước khi vào tù, Trần Thị Vân Anh, sinh năm 1987, ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ) là sinh viên lớp Sư phạm Nhạc khóa K8, Trường VN-NT tỉnh Phú Thọ. Cô gái trẻ khi đó sớm bộc lộ tài ca hát từ rất nhỏ. Lớn lên, với giọng hát trong veo thánh thót, Vân Anh được coi như một con chim sơn ca của miền trung du nơi cô đang sinh sống.
Thế nhưng, khi lên 19 tuổi không thi đỗ vào đại học, bi kịch cuộc đời của cô bắt đầu xảy ra khi Vân Anh quyết định xây dựng tổ ấm với một chàng trai Hà Nội. Quen cảnh sống ở nơi quê hương bình yên, khi “theo chàng về dinh” gia nhập cuộc sống thị thành, cô gái trẻ sớm vấp phải rất nhiều khó khăn. Một năm sau khi kết hôn, mái ấm gia đình của cô gái trẻ chưa có nhiều trải nghiệm sụp đổ trước mắt với bao ước mơ trước đó. Mảnh đất chốn phồn hoa đã không níu giữ bước chân thiếu nữ. Vân Anh quyết định khăn gói về lại quê với một con đường mới. Đó là thực hiện giấc mơ dang dở, trở thành một ca sĩ.
Nung nấu ý chí này, Vân Anh lao vào ôn thi miệt mài để đổi thay số phận mong cho bố mẹ “nở mày nở mặt”. Vì dù sao cuộc hôn nhân đổ vỡ quá sớm khiến bố mẹ cô “muối mặt” với làng trên sớm dưới. Với sự quyết tâm và sẵn tố chất trong người, Vân Anh dễ dàng thi đỗ vào Khoa sư phạm âm nhạc trường VH-NT tỉnh Phú Thọ với số điểm thuộc tốp đầu của trường.
Quãng đời sinh viên có lẽ là thời gian tươi đẹp nhất của cô gái sơn cước. Vân Anh nhanh chóng được bạn bè thầy cô tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Bằng năng khiếu trời phú và chăm chỉ rèn luyện, Vân Anh nhận được nhiều lời mời đi biểu diễn ở nhiều nơi. Đầu tháng 6/2008, Vân Anh là một trong những học sinh xuất sắc được trường cử đi dự hội diễn tiếng hát hay toàn quốc tổ chức tại Tuần Châu (Quảng Ninh).
Tương lai tưởng như đã mở ra một cánh cửa đầy hào quang nếu cô không quen với Nguyễn Toàn Thắng, 27 tuổi, trú tại thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc).
Thắng vốn không có việc làm ổn định nhưng lại ăn chơi đua đòi nên trở thành một con nghiện. Để có tiền hút chích, Thắng dùng chiêu thức rủ rê những sinh viên quen biết để dụ dỗ dùng ma túy. Vân Anh là một “con mồi” mà Thắng đã để mắt từ lâu.
Lợi dụng quen biết, một buổi trưa đầu tháng 8/2008, Thắng rủ Vân Anh sang một quán Karaoke Lập Thạch (Vĩnh Phúc) chơi. Tại đây Thắng đã rủ rê Vân Anh cắn thử thuốc lắc. Những viên thuốc nhỏ nhiều màu sắc đã khơi gợi trí tò mò của cô nữ sinh trường văn hóa trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là cô chính thức tốt nghiệp. Cảm giác lần đầu tiên cắn thuốc lạ lùng, khoan khoái lan tỏa hết cơ thể đã khép dần cánh cửa tương lai tươi sáng đã mở sẵn cho cô sinh viên. Từ ngày được Thắng cho sử dụng thuốc miễn phí, Vân Anh bắt đầu sa ngã dần.
Vài ngày sau đó, Vân Anh chủ động gặp Nông Thị Hoàn (sinh năm 1985) sinh viên trường Trung học VH-NT tỉnh Phú Thọ và Phạm Quang Cường (trú ở phố Thành Công, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì), cũng là một người đang hoạt động trong lĩnh vực VH-NT của tỉnh tại phòng trọ của Hoàn.
Bằng chiêu thức mà Thắng đã sử dụng, Vân Anh kể cho Hoàn và Cường nghe về lần cắn thử thuốc lắc. Cô khen thứ thuốc đó có thể làm cho con người thoải mái, quên hết buồn đau và rủ Hoàn, Cường chơi thử.
Được sự đồng thuận của bạn, Vân Anh liền nhấc máy điện thoại cho Nguyễn Thị Linh (cũng là một đối tượng bị bắt trong đường dây) hỏi mua ba viên thuốc lắc với giá 150 ngàn/viên sau đó cả ba hòa với bia cùng uống và nghe nhạc tại phòng trọ. Toàn bộ số tiền này, Vân Anh tự bỏ.
Ba ngày sau cả ba lại rủ nhau đi hát ở một quán Karaoke, Vân Anh lại tiếp tục điện cho Linh đem đến 3 viên thuốc lắc. Sau khi nhận của Cường 450 ngàn, cả ba tiếp tục rủ nhau đem về phòng trọ của Hoàn sử dụng tiếp.
Đến sáng hôm sau, Vân Anh lại tiếp tục điện cho Linh cầm đến bán cho cô thêm 2 viên nữa với giá 180 ngàn/viên, cả ba lại tiếp tục sử dụng cho đến trưa. Sau đó, Cường, Vân Anh và Hoàn còn hai lần điện cho Thắng, Linh để mua thuốc và sử dụng cùng nhau với số lượng càng về sau càng lớn.
Khoảng đầu tháng 5 khi đang ngồi trên giảng đường, Vân Anh bị các trinh sát phòng PC 17 thực hiện lệnh bắt khẩn cấp trước sự ngỡ ngàng của bạn bè và thầy cô trong trường.
Tiếng chim sơn ca miền Trung du cũng tắt đi tiếng hát từ đó trước sự tiếc nuối của thầy cô, gia đình.
“Bóng hồng” dính vòng lao lý là tuyến bài dài kỳ chuyên viết về những "chân dài" lầm lỡ và con đường hoàn lương. Mỗi kỳ là một nhân vật thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội họ là những người có nhan sắc nhưng sa chân phạm tội. Mời độc giả đón đọc trên Xahoi.com.vn vào 10h30 sáng thứ 2 hàng tuần. |