Bóng đá Việt Nam: Bay cao bằng sức trẻ nội lực

Thất bại của ĐTQG tại AFF Suzuki Cup 2012 khiến chúng ta thất vọng. Nhưng chẳng có nhiều thời gian để đắm chìm trong đau buồn, bởi vì SEA Games 27 đã cận kề.

Rõ ràng, đây vẫn là mục tiêu vừa sức nhất cho tham vọng vô địch của Việt Nam. Nhưng để làm được điều đó, bóng đá Việt Nam phải tái thiết xây dựng và xuất phát điểm bắt buộc phải từ hệ thống bóng đá trẻ - gốc rễ phát triển vững chắc và bài bản nhất.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÀO TẠO TRẺ

Đầu năm 2013, bóng đá Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ khi đồng ý cấp cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) 8 tỉ đồng để phục vụ chiến lược tạo nguồn cầu thủ trẻ cho bóng đá. Bước đi đầu tiên của chiến lược này là thành lập 2 đội dự tuyển trẻ nam và nữ, gồm các cầu thủ thuộc lứa U19, để huấn luyện dài hạn.

Trong năm 2013, VFF cũng thực hiện chương trình đào tạo trẻ do FIFA hỗ trợ tài chính. Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng cho biết: "VFF sẽ trình đề án lên Chính phủ. Nếu nhận được sự ủng hộ, đề án sẽ được trình lên FIFA. Công đoạn này phải được thực hiện trong năm 2013 để đến tháng 9/2014, các khóa đào tạo sẽ chính thức được khai giảng".

Những động thái đầu tiên trong năm 2013 đó cho thấy, những nhà làm bóng đá Việt Nam đã nhận thấy sự cấp thiết của công tác đào tạo trẻ, nguồn cung cấp liên tục những lứa cầu thủ kế cận phục vụ sự phát triển bài bản, có chiều sâu, có nền tảng của bóng đá nước nhà.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này lại đến từ nguyên nhân khách quan. Bối cảnh kinh tế suy thoái đã khiến nhiều ông bầu gặp khó khăn trong chuyện tài chính, dẫn tới hiện tượng thoái lui khỏi bóng đá, khiến bức tranh chung khá ảm đạm.

Để cắt giảm chi tiêu, một số đội đã giảm chi phí đào tạo trẻ. Trong năm 2012, Hà Nội T&T đã hoàn thành việc chuyển toàn bộ hệ thống trẻ cho Trung tâm đào tạo bóng đá trực thuộc Sở VH-TT-DL Hà Nội. Tương tự là số phận của đội trẻ Đà Nẵng bị gửi trả về Sở VH-TT-DL Đà Nẵng.

Hay như trung tâm đào tạo trẻ SLNA, nơi đang có 175 VĐV từ U11 đến U21. Tuy nhiên, nếu tình hình tài chính trong năm 2013 không được cải thiện thì rất có thể, SLNA sẽ phải sáp nhập, sàng lọc lực lượng trẻ xuống còn 2/3.

May mắn là những trường hợp thu hẹp công tác đào tạo trẻ này hoàn toàn do vấn đề tài chính chứ không phải do thay đổi quan điểm về cách làm bóng đá. Cũng trong bối cảnh lao đao, phải tạm ngưng tham gia V.League, nhưng CLB Bóng đá Hà Nội vẫn giữ đội trẻ. Họ xác định rằng, còn giữ được đội trẻ thì còn cơ hội trở lại bóng đá đỉnh cao.

XÂY DỰNG SỨC MẠNH NỘI LỰC

Bên cạnh học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, điểm sáng đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam lúc này là Trung tâm bóng đá Viettel với đại bản doanh tại Hà Nội và 12 trung tâm vệ tinh trên toàn quốc. Chi phí cho đào tạo trẻ trong 1 năm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhờ sự hậu thuẫn từ lãnh đạo, các nhà tuyển trạch của lò Thể Công  cũ đã tỏa đi khắp nước để chiêu mộ hàng trăm tài năng trẻ sau khi đã kiểm tra cả chục ngàn em nhỏ. Chưa hết, trung tâm còn tổ chức những giải đấu riêng dành cho lứa U10, U12 để qua đó tuyển chọn tài năng cho tương lai không xa.

Có thừa điều kiện để tiếp nhận một CLB chuyên nghiệp, nhưng lãnh đạo Viettel vẫn kiên định thực hiện chiến lược trồng người của mình. Rằng, "Viettel chỉ trở lại bóng đá đỉnh cao nếu đào tạo được những cầu thủ vừa giỏi về chuyên môn, vừa tốt về đạo đức. Hơn nữa, Viettel chỉ dùng những cầu thủ do mình đào tạo ra".

Bên cạnh trung tâm bóng đá Viettel, học viện HAGL - Arsenal JMG vẫn còn khá nhiều lò đào tạo trẻ truyền thống vẫn đang hoạt động. Có thể kể đến lò Sông Lam, lò Nam Định, lò Đồng Tháp, những nơi cung cấp đều đặn những thế hệ cầu thủ kế cận. Có thể vì một lúc nào đó, do tâm lý nóng vội, chúng ta không nhìn thấy hiệu quả của mô hình lò đào tạo. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng, cộng với những sản phẩm tốt đã minh chứng cho tính đúng đắn và cần thiết của các lò đào tạo này.

SỰ THAY ĐỔI NHẬN THỨC ĐÁNG MỪNG

Cách đây không lâu, lãnh đạo Becamex Bình Dương đã ra tối hậu thư với những người chịu trách nhiệm về đào tạo trẻ ở CLB này. Theo đó, mỗi một năm, tuyến trẻ của B.BD phải cung cấp ít nhất 4 tài năng trẻ cho tuyến trên. Làm được điều này, B.BD sẽ cắt giảm việc mua bán cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng và hướng tới việc dùng cầu thủ bản địa.

Điều này sẽ buộc hệ thống đào tạo trẻ B.BD phải thay đổi cách làm nhằm cho ra lò những sản phẩm đạt chất lượng chứ không "làm cho có" như trước đây. Còn ông bầu nổi tiếng là bạo chi là Hoàng Mạnh Trường (Vissai Ninh Bình) cũng kêu gọi: "Hãy chấm dứt tư duy làm bóng đá kiểu ăn xổi như trước đây. Các đội bóng không nên tung tiền mua ngôi sao mà dành kinh phí cho đào tạo trẻ. Đó mới là nền tảng của đội bóng".

Thực tế, bầu Trường đã có sự thay đổi đáng kể về tư duy làm bóng đá. Ông sẵn sàng để các ngôi sao ra đi và kiên quyết dùng những nhân tố trẻ. Từ một vùng trắng bóng đá trẻ, đến nay, V.NB đã có những đội trẻ đầu tiên. Đáng chú ý, những người thực hiện chiến lược trồng người cho bầu Trường đều xuất phát từ lò đạo tạo trẻ Nam Định.

Khi những ông bầu thay đổi nhận thức về cách làm bóng đá từ gốc, đặt mục tiêu mỗi năm hệ thống đào tạo trẻ phải cung cấp được 4 cầu thủ chất lượng thì đó quả là những tín hiệu đáng mừng. Nếu CLB phát huy được sức mạnh nội lực, họ sẽ là người thụ hưởng thành quả đầu tiên, và sau đó là cả nền bóng đá Việt Nam. Nếu làm tốt được điều đó, chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ cất cánh bằng sức trẻ mùa Xuân.