Một nghịch lí rất dễ nhận thấy là không có đội bóng nào ở VN, dù là hạng Nhất hay V-League, có khả năng kiếm nổi 10 tỷ đồng trong một mùa giải chứ chưa nói tới chuyện tự nuôi sống mình, nhưng để nuôi một đội bóng hạng Nhất hoặc V-League mỗi năm thì phải tính bằng chục tỷ hoặc trăm tỷ.
Mà các cụ vẫn nói: “Miệng ăn núi lở”, tiền bạc đầu tư cho bóng đá chỉ thấy “vào” mà không thấy “ra” như thế thì hoạ có là núi bạc cũng có lúc phải hết chứ chẳng nói là người thường. Các ông bầu khi đến với bóng đá luôn giải thích rằng chỉ xuất phát từ tình yêu và sự đam mê với trái bóng tròn, nhưng trên thực tế thì chưa hẳn đã như vậy, bởi không có ông bầu nào đầu tư vào bóng đá mà lại không nhắm tới một lợi ích nào đấy, chẳng hạn như xin được cấp đất hay nhận được ưu đãi về chính sách đầu tư…
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thời cực thịnh của bóng đá chuyên nghiệp (kiểu VN) cũng là lúc cơn sốt bất động sản ở VN lên đến đỉnh điểm, và lúc ấy liên kết với các đội bóng nước ngoài để mở học viện ở VN là mốt thời thượng với đa số những CLB ở V-League, nhưng thử hỏi từ bấy đến nay, ngoại trừ học viện HA.GL Arsenal JMG của HA.GL, có mấy học viện bóng đá đã đi vào hoạt động thực sự, hoặc thậm chí là có cơ ngơi đàng hoàng?!
Có thể đa số các ông bầu khi đầu tư cho bóng đá ít nhiều đều có hứng thú và đam mê thực sự, nhưng nếu bảo bóng đá với họ chỉ là một thú chơi đắt giá thì chưa hẳn đã chính xác, bởi một doanh nhân chân chính thì luôn phải biết trân trọng từng xu mà mình làm ra, và điều đó có nghĩa là hiếm khi họ vung tay quá trán với những đồng tiền mà mình phải đổ mồ hôi sôi máu mắt mới kiếm được.
Bầu Kiên là một dẫn chứng tiêu biểu, khi dù được xem là một trong những người giàu nhất VN, nhưng chưa bao giờ người ta thấy các đội bóng dưới quyền bầu Kiên được bơm tiền cật lực để làm liều “doping” kích thích tinh thần chiến đấu của các cầu thủ, điều rất thường xuyên diễn ra ở đội bóng cùng thành phố là HN.T&T. Bầu Kiên thì chưa bao giờ giải thích lí do khiến ông không dùng “doping tiền” với các cầu thủ của mình, nhưng các ông bầu cùng chí hướng với bầu Kiên trong bộ máy lãnh đạo VPF như bầu Đức, bầu Thắng hay bầu Tiến Anh đều từng hơn một lần nói rằng họ không muốn ném tiền qua cửa số vì những giá trị ảo của bóng đá VN.
Cách đây không lâu, một chuyên gia bóng đá kỳ cựu khi trao đổi với PV từng bày tỏ sự lo ngại về viễn cảnh u ám của nền bóng đá nước nhà nếu một ngày nào đó các ông bầu lần lượt rút lui vì các lí do khác nhau, và có vẻ như nỗi lo của vị chuyên gia này đã trở thành hiện thực sớm hơn rất nhiều so với dự kiến. Hàng chục năm qua, bất động sản đã khiến rất nhiều người trở thành tỷ phú, thậm chí tỷ tỷ phú, nhưng giờ đây khi bất động sản đang bị đóng băng trên cả nước, còn chứng khoán và vàng cũng không phải là kênh đầu tư hái ra tiền, thì việc các doanh nhân hoặc doanh nghiệp bắt đầu muốn rút chân khỏi lĩnh vực bóng đá là điều có thể hiểu được.
Lí do đơn giản là bởi bóng đá tiêu tốn tiền bạc với tốc độ quá khủng khiếp, mà lợi nhuận thực tế thu được từ bóng đá gần như chỉ có giá trị tượng trưng, và nhất là trong hoàn cảnh bất động sản không còn là ngành nghề kinh doanh hái ra tiền thì bóng đá cũng không còn là kênh đầu tư quá mức hấp dẫn như trước.
Nói một cách khác, các ông bầu đến với bóng đá như thế nào thì ra đi cũng theo cách như vậy, và khi sợi dây gắn kết giữa họ với bóng đá chỉ là yếu tố tình cảm rất mong manh và trừu tượng thì không ai có thể nói trước bất cứ điều gì. Bóng đá với họ đơn thuần chỉ là một lĩnh vực kinh doanh, và khi không còn nhìn thấy lợi nhuận thì họ sẵn sàng rút lui.
Thử nhìn trường hợp của HA.GL và ĐT.LA thì rõ, cách đây chục năm, khi mới bước chân vào làm bóng đá chuyên nghiệp, 2 đội bóng này được đầu tư rất “khủng”, nhưng sau khi lên đỉnh với 2 chức VĐQG liên tiếp thì họ cứ trượt dần trượt dần vì không được hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính nữa. Bởi thế, họ không những không giữ được vị thế như thủa nào mà thậm chí còn rơi xuống tận giải hạng Nhất như ĐT.LA.
Theo tiết lộ của bầu Kiên trong cuộc họp báo của VPF diễn ra tháng trước thì đã có 3 ông bầu muốn rút khỏi bóng đá VN, nhưng sau khi mùa bóng năm nay kết thúc, nếu con số này tăng lên gấp 2 lần thì cũng chẳng làm ai cảm thấy bất ngờ, bởi đơn giản đấy là điều phải đến đã đến mà thôi, khi bóng đá VN tuy khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp nhưng về bản chất vẫn không có nhiều thay đổi so với thời còn bị xem là nghiệp dư, và sức sống của bóng đá chuyên nghiệp VN chủ yếu do nhờ ông bầu mà có, nên khi họ rút lui thì chúng ta buộc phải trở lại với hiện thực khắc nghiệt.