Cơn dư chấn nợ thuế 300 tỷ của hai công ty hai khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn (thuộc tập đoàn Besra Việt Nam) chưa kịp lắng xuống, thì thông tin 60 tấn hóa chất cực độc cyanua mà hai đại gia này nhập từ Trung Quốc về (tháng 8/2011) lại gây ra nỗi lo cho người dân sống ở vùng đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam).
Bởi, đó là số hóa chất kém chất lượng, không sử dụng được, đành phải cất trong kho hơn 3 năm nay.
Ông Phạm Bá Huyên, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường thuộc Sở Công Thương Quảng Nam, người trực tiếp phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra số hóa chất, cho hay, để giám sát và quản lý 60 tấn hóa chất cực độc cyanua, Sở Công Thương đã phối hợp Cảnh sát môi trường công an Quảng Nam và các bên liên quan giám sát chặt chẽ, buộc 2 công ty nhập về phải tiêu hủy.
Tuy nhiên, việc tiêu hủy cũng không hề đơn giản khiến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đau đầu tìm hướng xử lý.
Hiện 40 tấn chất độc cyanua dạng bột đang được để trong kho tại nhà máy vàng Phước Sơn và 20 tấn cất tại kho nhà máy vàng Bồng Miêu. Qua kiểm tra, việc cất trữ không được đảm bảo an toàn theo qui định.
Một góc kho chứa hóa chất tại nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu, Quảng Nam
Hai công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã đề xuất xử lý số hóa chất tại bãi thải của 2 nhà máy. Tuy nhiên, yêu cầu này không được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam chấp nhận. Theo ông Huyên, khối lượng chất độc cyanua kém chất lượng quá lớn và chưa xác định rõ mức độ độc hại. Chưa kể, 2 nhà máy lại không có chức năng xử lý hóa chất độc hại.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã tăng cường giám sát chặt chẽ số hóa chất cyanua đồng thời lệnh cho hai công ty phải sớm trình phương án xử lý.
Theo một chuyên gia về hóa chất, việc xử lý các loại hóa chất độc hại, đặc biệt như cyanua, không hề đơn giản. Cách đây 10 năm, chi phí để xử lý 1 tấn chất độc cyanua đã lên tới 500 triệu đồng và phải tuân theo quy trình chặt chẽ.
Như vậy, số tiền để xử lý 60 tấn cyanua ít nhất cũng phải là 30 tỷ đồng.