Bóc mẽ 'thần rắn có mào' ngụ ở cổ miếu

Xã Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) từ lâu nổi tiếng khắp vùng vì ngôi miếu Cô được một số người mê tín cho rằng là nơi trú ngụ của “thần rắn” có mào.

“Thần rắn có mào biết báo oán hại người”

Ngôi miếu nằm ở khu 5 xóm Đền, giữa cánh đồng lúa bạt ngàn, bao bọc xung quanh là những cây cổ thụ cũng được trồng ngay khi xây dựng miếu. Theo người dân trong vùng, cụm cổ thụ quanh miếu gồm cây gạo và cây si nhưng kể từ sau khi hai cây này bị chặt bỏ, những chuyện kì lạ liên tiếp xảy ra.

Ngôi miếu cổ nhỏ bé nằm nép mình dưới tán cổ thụ được người dân đồn là nơi trú ngụ của rắn thần. Từ đời này qua đời khác, người ta truyền tai nhau “bất cứ ai có hành động mạo phạm đến “ngài” và miếu cổ đều không tránh được khỏi tai họa, sẽ bị báo oán, trừng phạt”. Nhiều người trong làng khẳng định đã nhìn thấy “ngài” quấn quanh bát hương trong miếu, thân rất to và dài. Đầu “thần rắn” còn có mào rất to màu đỏ chót, thậm chí phát sáng trong bóng đêm.

Những câu chuyện ma mị về ngôi miếu thiêng khiến mọi người cảm thấy kinh hãi mỗi khi nhắc đến. Các cao niên trong làng kể lại, ngày xưa có người bạo gan trèo lên cây si cổ thụ cạnh miếu lấy mộc nhĩ về ăn. Đang trèo được nửa chừng, bất ngờ bị ngã, cú ngã không nặng mấy bởi người đó mới trèo ở chạc cây thấp, vậy mà về nhà, ốm liệt giường mấy hôm không khỏi. Người thân phải mang lễ ra miếu thắp hương, người đó mới khỏi bệnh.

“Hội làng hàng năm vẫn thường được tổ chức ở ngôi miếu này. Cách đây khá lâu, trong một lần hội làng, vì không có chỗ chứa củi đun nấu phục vụ lễ hội nên người dân không để củi ở khu vực miếu mà mang về nhà cất giữ. Ngay tối hôm đó, ai nấy đều mơ thấy “ngài” về đòi đồ đạc. Sợ hãi, dù đang nửa đêm, tất cả đều lọ mọ vác củi ra ngoài miếu trả lại đúng vị trí cũ. “Ngài” không cho giữ hay lấy bất kỳ đồ đạc nào trong khuôn viên miếu, đền nên báo mộng đòi lại như thế”, một cao niên trong làng cho biết.

Như để chứng minh những lời đồn kia là có thực, người ta còn kể thêm chuyện về một chàng trai xấu số, “dám” “mục sở thị” rắn thần mà phải chết. Người thanh niên này vẫn thường ra miếu chơi. Một hôm, đang chăn trâu gần khu vực miếu, người này nhìn thấy thần rắn có mào đang nằm cuộn tròn trên cây si, bèn đứng lại xem. Buổi tối hôm đó, đang khỏe mạnh bình thường, trai làng bỗng lăn đùng ra ốm, nằm liệt giường liệt chiếu nhiều ngày mà không rõ bệnh gì. “Lúc đó, cậu ấy thường xuyên lảm nhảm những câu chuyện kì lạ, đòi phải ra miếu làm lễ cúng bái “thần rắn” nhưng người nhà không tin. Chạy chữa khắp các bệnh viện mà bệnh tình không thuyên giảm, chẳng bao lâu sau thì mất. Hiện nay, gia đình cậu ta cũng bỏ xứ đi không thấy quay về”, một người dân kể lại.

Những câu chuyện kì bí liên quan đến ngôi miếu thiêng vẫn chưa hết. Một cao niên trong làng nhớ lại việc chặt cây gạo cổ thụ trong khuôn viên miếu cách đây nhiều năm. “Do khu miếu quá rậm rạp, chính quyền địa phương muốn chặt bỏ bớt cây cối để người dân qua lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên khi họp bàn, không ai dám “hạ rìu”, sợ mạo phạm đến thánh thần, ngài sẽ quở trách. Tìm mãi mới có hai người đàn ông làng bên xung phong nhận trách nhiệm chặt cây. Chẳng lâu sau, hai người đó đều gặp chuyện. Một người đang khỏe mạnh không hiểu ốm đau thế nào mà bị liệt cả hai chân. Người còn lại bỗng dưng lăn ra ốm, hơn tháng sau thì chết”, vị cao niên thì thào kể với giọng liêu trai.

Trải qua hàng chục năm cùng vô vàn những câu chuyện kì lạ, những cái chết bất thường xảy ra, người dân quanh vùng càng thêm tin sợ vào sự linh thiêng của thần rắn có mào và ngôi miếu cổ.

Phía sau lời đồn thổi

Đào Xá nổi tiếng khắp vùng vì có cụm đình – đền – miếu được xây dựng từ trước thế kỷ thứ XVI gắn liền lịch sử hình thành và phát triển của làng. Nói về ngôi miếu cổ, ông Nguyễn Tiến Mai (80 tuổi), từng trông coi đền - miếu Đào Xá trong nhiều năm cho biết: “Khi làng Đào Xá vừa thành lập, người dân trong vùng cùng đóng góp công sức xây dựng đền lấy địa điểm thờ cúng cộng đồng cho dân làng. Đền Đào Xá xây dựng để tưởng nhớ hai vị công chúa dưới thời Hùng Vương thứ 17, đã có công lập làng, giúp người dân canh tác, sinh sống ổn định. Tương truyền, hai vị công chúa ham mê du ngoạn, không chịu lấy chồng, nhà vua tức giận bèn đưa hai nàng về hậu cung quản thúc. Tuy nhiên, hai nàng vẫn lẻn ra ngoài thăm thú non sông. Đến vùng Đào Xá, thấy phong cảnh hữu tình nên bỏ tiền của kêu gọi nhân dân, lập ấp rồi sống luôn ở vùng này”.

Cụ Mai cho biết thêm, trong ba di tích của xã, miếu thờ thần rắn được xây dựng sau, tưởng nhớ đến sự “hiển linh” của hai công chúa. Người xưa truyền lại từng nhiều lần nhìn thấy bóng hai vị công chúa dạo chơi quanh khu vực đền. “Tin rằng, hai công chúa hiển linh để bảo vệ, phù trợ cho cuộc sống của dân làng, mọi người quyết định đóng góp, xây dựng ngôi miếu nhỏ tại nơi nhìn thấy bóng hai công chúa xuất hiện. Cũng vì thế, ngôi miếu còn được gọi là miếu thờ “bóng hai cô””, cụ Mai chia sẻ.

Về những lời đồn đại liêu trai xung quanh ngôi miếu thiêng, ông Nguyễn Văn Toản, quản miếu cho biết: “Tôi làm quản miếu ở đây cũng được mấy năm nhưng chưa bao giờ được tận mắt trông thấy con rắn có mào đỏ như lời đồn. Theo tôi, đó chỉ là lời đồn đoán chứ không hề có chuyện rắn mào mà lại to như cột nhà”.

Trưởng khu 5 xã Đào Xá cũng nhận định “Ngày xưa được nghe các cụ trong làng kể khu vực quanh miếu nhiều rắn lắm, đặc biệt là xuất hiện rắn có mào. Tôi sống ở đây mấy chục năm, ngày trước hay ra khu vực quanh miếu chăn trâu mà chưa lần nào bắt gặp rắn có mào”. Theo vị trưởng khu, ngày trước khu vực miếu là vùng đầm lầy, cây cối rất rậm rạp nên rắn trú ngụ nhiều, còn chuyện rắn có mào có thể chỉ là chuyện thêm thắt, đồn thổi của người dân.

Nhắc đến chuyện rắn thần báo oán, vị trưởng khu khẳng định đó là chuyện vô căn cứ. “Việc rắn có mào có thật hay không còn chưa thể xác minh chứ chuyện rắn thần báo oán thì theo tôi là không hề có. Chuyện người thanh niên nhìn thấy rắn sau đó mất mạng, tôi đã điều tra hộ tịch nhưng chưa thấy gia đình nào có hoàn cảnh như vậy”.

Cụ Dương Văn Tĩnh (85 tuổi) cũng cho biết: “Người dân trong làng luôn lễ bái thành kính trước miếu Cô. Cụm miếu - đền - đình Đào Xá đúng là rất linh thiêng nhưng từ trước tới giờ, tôi chỉ nghe mọi người nói về việc cầu cúng, mong gia đình êm ấm, thuận hòa. Đó là tín ngưỡng dân gian nên mọi người vẫn muốn gìn giữ như một nét văn hóa ở làng. Việc rắn thần báo oán có lẽ chỉ là đồn thổi, người dân muốn tăng thêm những tình tiết liêu trai, để dọa nát những kẻ xấu muốn dòm ngó, xâm phạm ngôi miếu”.