TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chính thức xác nhận trường hợp nhiễm virus Hantaan do chuột cắn tại TP.HCM. Bệnh nhân nam, 55 tuổi, cư trú tại 99AT Trần Văn Đang, tổ 52, khu phố 4, phường 9, quận 3. Ngày 8 hoặc 9/9/2012 bệnh nhân bị chuột cắn, đến ngày 12/10/2012 bệnh nhân có triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục nhưng không ho, không đau họng và không tức ngực. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 17/10/2012 với tình trạng tỉnh táo, có ít tử ban.
Kết quả xét nghiệm huyết thanh học tại đây cho thấy bệnh nhân dương tính với virus Hantaan. Bệnh nhân xuất viện ngày 25/10/2012 với tình trạng sức khỏe hồi phục tốt. Điều tra dịch tễ cho thấy khu vực bệnh nhân sinh sống có rất nhiều chuột (trung bình 9 con/hộ gia đình).
Ông Bình cho biết, đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người do loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) bị nhiễm vi rút cắn hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa virus. Virus Hantaan có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng chính như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu.
Ngoài ra, virus Hantaan còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng chính như sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp. Bệnh không lây từ người bệnh sang người lành. Một số ít trường hợp có hiểu hiện lâm sàng nặng với hội chứng phổi hoặc hội chứng suy thận cấp có thể tử vong.
Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng 63 tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp giám sát và phòng, chống nhiễm virus Hantaan; Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật giám sát và phòng, chống nhiễm virus Hantaan trên địa bàn phụ trách.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm virus Hantaan sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng. Sử dụng ủng cao su khi đi đến những nơi có chuột sinh sống, ngủ màn để tránh bị chuột cắn.
2. Khi tiếp xúc với chuột, bẫy chuột hoặc khi vệ sinh khu vực có chuột phải đeo khẩu trang, mang găng tay cao su và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.
3. Dùng hóa chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh nơi có chuột.
4. Giữ vệ sinh, gọn gàng nơi ở, nơi làm việc để làm giảm sự phát triển của chuột.
5. Xác chuột phải đốt hoặc bỏ vào túi nilon 2 lớp và chôn ở độ sâu tối thiểu 50cm.
6. Thức ăn phải được đậy kín, không cho chuột tiếp xúc với thức ăn của người và gia súc.
7. Nếu có hiện tượng sốt liên quan đến chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột/chất thải của chuột cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.