Bộ sưu tập 'giấy bạc Cụ Hồ' độc, hiếm ở TP.HCM

Với 2000 tờ tiền giấy Cụ Hồ, mỗi tờ có giá 400 – 500 USD, ông Thành được coi là người đang sở hữu một bộ sưu tập giá trị.

Bộ sưu tập tiền giấy của ông Huỳnh Tấn Thành (51 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) được cho là độc đáo, hiếm gặp ở Việt Nam.

Độc đáo giấy bạc Cụ Hồ  

Hơn 10 năm về trước, ông Thành chỉ sưu tầm tiền Việt Nam qua các thời kì. Năm 2000, đọc cuốn hồi ký “Nam bộ thành đồng Tổ Quốc đi trước về sau”, thấy nhắc đến loại tiền giấy Cụ Hồ (giấy bạc Cụ Hồ, giấy bạc tài chính), ông tò mò bởi đây là tiền thân của giấy bạc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng chưa được giới thiệu nhiều. Điểm độc đáo nữa, giấy bạc Cụ Hồ chỉ phát hành trong khoảng thời gian 9 năm, từ năm 1945 - 1954 nên càng quý hiếm. 

Ông chuyển hẳn sang sưu tầm giấy bạc tài chính. Giấy bạc tài chính do Bộ Tài chính Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tiền giấy đầu tiên của Việt Nam. 

Giấy bạc tài chính, (giấy bạc Cụ Hồ) phát hành tại 3 miền, ngoài điểm chung là mặt trước in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì có những đặc điểm riêng, có thể phân biệt bằng mắt thường. 

Ở miền Nam, mặt sau tờ tiền vẽ phong cảnh đậm chất Nam bộ như hình chiếc khăn rằn. Giấy bạc ở miền Nam còn có thêm phiếu tiếp tế. 

Trong khi đó giấy bạc phát hành ở miền Bắc (giấy bạc Trung ương) lại có điểm riêng là hình in chìm, mặt sau in cảnh chiến sĩ bồng súng hay cảnh tăng gia sản xuất. Còn ở Trung bộ, giấy bạc tài chính có tên gọi tín phiếu. Về giá trị, tất cả giá trị ngang nhau. 

Trong giới sưu tầm tiền, hiện mỗi tờ giấy bạc Cụ Hồ có giá dao động từ 400 - 500 USD. Những tờ tiền hiếm, trị giá tới vài ngàn đô la Mỹ. Hiện bộ sưu tập tiền của ông Thành gần như đầy đủ các loại tiền đủ mệnh giá, số lượng trên 2000 tờ. 

Kể lại hành trình mang về bộ sưu tập đồ sộ như vậy, ông cho hay tìm kiếm khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất nằm ở những đầu mối buôn bán đồ cổ, đồ xưa ở Sài Gòn. 

Ông Thành từng đáp máy bay sang Thái Lan tìm mua tiền giấy Cụ Hồ. Bí quyết khác, đó là tận dụng mối quan hệ bạn bè sống và làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ tìm kiếm.

Chơi tiền như một cách học lịch sử 

Theo ông Thành, muốn trở thành tay chơi tiền, trước tiên phải am hiểu kiến thức lịch sử để khỏi bị lừa gạt. Đơn giản như nắm rõ loại tiền mệnh giá nào phát hành vào thời gian nào; thời gian nào bị ngưng in ấn, thu hồi lại; mỗi vùng chỉ phát hành loại tiền nào?. Ví dụ như phiếu tiếp tế chỉ có ở miền Nam. Nếu ai đó rao bán phiếu tiếp tế ghi địa phương lưu hành miền Bắc hoặc miền Trung tức tiền giả. Hoặc chi tiết bóng chìm trên tờ tiền chỉ có ở giấy bạc Trung ương, gồm ngôi sao 5 cánh nằm gọn trong vòng tròn.

 Một số tờ giấy bạc Cụ Hồ trong bộ sưu tập của ông Thành 

Sưu tầm tiền, cũng là cách học lịch sử. Mỗi loại giấy bạc đều diễn tả đặc điểm của các thời kỳ kháng chiến, thể hiện lòng yêu nước. Tính truyên truyền, cổ động của tiền giấy Cụ Hồ cũng thể hiện rõ thông qua những hình ảnh chiến sĩ bồng súng, nông dân tăng gia sản xuất, những dòng khẩu hiệu “Người Việt Nam chỉ dùng tiền Việt Nam”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”. 

Qua mỗi tờ tiền, người xem phần nào hiểu thêm bối cảnh lịch sử bấy giờ. “Việc tìm hiểu mỗi tờ tiền giúp chúng ta hình dung rõ về đời sống xã hội lúc đó. Ví dụ tờ tiền được sản xuất vào năm nào, do ai thiết kế, sản xuất ở đâu, nhằm các mục đích gì”, ông Thành nói. 

Điểm nổi bật khác khiến giấy bạc Cụ Hồ có giá, đó là dù phát hành trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng vẫn có độ tinh xảo cao, khuôn mẫu hoàn chỉnh. Trên tờ tiền không chỉ có tiếng Việt mà còn có Hán Văn, chữ Lào. Điều này cho thấy tờ giấy bạc được lưu hành quốc tế.