Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về tên lửa của CHDCND Triều Tiên - Ảnh: AFP
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội ngày 13/4, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định CHDCND Triều Tiên nhiều khả năng sẽ có hành động khiêu khích quân sự nhằm vào miền Nam sau vụ phóng tên lửa tầm xa bất thành sáng cùng ngày.
Quan chức trên nói: "Rất nhiều khả năng sẽ có thêm một vụ phóng tên lửa tầm xa nữa hoặc một vụ thử hạt nhân, cũng như một hành động khiêu khích quân sự nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ". Tuy nhiên quan chức này cho biết chưa có dấu hiệu cụ thể về các hành động quân sự của Bình Nhưỡng.
Christian Lardier, chuyên gia công nghệ vũ trụ người Pháp đã theo báo chí tới quan sát vụ phóng của CHDCND Triều Tiên, nói: “Với CHDCND Triều Tiên, đây là một chương trình 20 năm và họ đã có ba lần phóng không thành công. Nhưng họ sẽ không từ bỏ. Họ sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân thất bại, sửa chữa và thử lại lần nữa trong hai, ba năm tới”.
Bình Nhưỡng đã xác nhận vụ phóng tên lửa ngày 13/4 thất bại trong việc đưa một vệ tinh lên quỹ đạo và các nhà khoa học nước này đang tìm hiểu nguyên nhân. “Thất bại là chuyện bình thường trong phóng thử tên lửa”, Lardier nói, so sánh tên lửa Unha-3 của CHDCND Triều Tiên với việc phát triển tên lửa Bulava của Nga. “Công nghệ tên lửa rất phức tạp. Chẳng hạn, nếu so CHDCND Triều Tiên với Nga, có một chương trình tên lửa Bulava, đã có 12-13 vụ phóng thử, một nửa trong số đó thất bại”.
Lardier cho rằng những tên lửa nhiều tầng này không đưa được vệ tinh lên quỹ đạo là do phần chính phóng tên lửa và hệ thống dẫn đường. “Vụ phóng hôm nay có lẽ gặp trục trặc ngay từ giai đoạn một. Có thể có hai lý do, phần phóng hoặc hệ thống dẫn đường”, Lardier nói. “Nếu phần phóng hỏng hóc, tên lửa sẽ nổ tung. Nếu hệ thống dẫn đường hỏng, đường đi dự kiến bị lệch và cơ chế tự hủy sẽ được kích hoạt”.