Vào thời phong kiến Trung Quốc, có những câu chuyện ly kỳ về cuộc đời của những kỹ nữ, họ vừa có tài vừa có sắc, nhưng cuộc đời lại vô cùng bi kịch…
1. Lý Hương Quân - Kỹ nữ chung tình
Là kỹ nữ trứ danh trong Hương Lâu trên sông Tần Hoài, mới 16 tuổi nhưng nàng đã "nổi như cồn" nhờ nhan sắc tuyệt trần của mình. Dù được vô số các quan lại giàu có theo đuổi, Lý Hương Quân lại hết lòng yêu Hầu Phương Vực - một thư sinh nghèo.
Theo lệ, khách muốn kỹ nữ nào phục vụ riêng mình thì phải đóng một số tiền lớn. Nhưng khoản tiền này không phải là thứ mà chàng thư sinh có thể lo được. May mắn thay, Hầu thư sinh đã được một người giúp đỡ để trả số tiền ấy.
Một thời gian sau, chàng vô tình biết rằng, người cho tiền mình thực chất là Nguyễn Đại Việt - một tên quan vô lại bị thất sủng đang tìm cách lấy lòng kẻ sĩ. Hầu Phương Vực tìm mọi cách trả lại tiền và Hương Quân cũng phải bán hết nữ trang, vay mượn để giúp chàng.
Bị trả lại tiền khiến cho Nguyễn Đại Việt vô cùng tức tối, tên này liền ra tay trả thù, Hầu Phương Vực phải ra đi lánh nạn ở nơi xa. Kể từ đó, dù hàng trăm công hầu, quan, tướng ngày ngày đem tiền bạc đến cầu hôn nhưng Hương Quân một mực đóng cửa chờ tình lang.
Để trả thù, Nguyễn Đại Việt xúi một vị đại quan lấy Hương Quân về làm thiếp. Thấy quân lính đến, biết không cưỡng lại được, nàng đành nhảy lầu tự tử. Thấy giai nhân nằm trên mặt đất, đầu đầy máu, vị quan sợ hãi không dám rước nàng về làm vợ nữa. Không từ bỏ mối thù, Nguyễn Đại Việt chờ Hương Quân lành vết thương rồi đem nàng dâng vào cung cho hoàng đế.
Đến khi quân Thanh đánh vào, nàng mới chạy thoát khỏi cung điện, may được thầy dạy nhạc ngày xưa che chở. Cảm động trước sự chung tình của cô gái đang chết dần vì bệnh tật vẫn một lòng nhớ tình lang, người thầy cất công đi tìm Hầu Phương Vực. Nhưng khi dẫn được Hầu lang đến nơi thì người con gái tài sắc đã trút hơi thở cuối, chỉ để lại cho chàng một búi tóc đặt trên chiếc quạt - kỷ vật ngày xưa giữa hai người.
2. Trần Viên Viên - kỹ nữ bất hạnh
Cuộc đời của kỹ nữ Trần Viên Viên (1624-1681) đúng là một bi kịch nhan sắc. Cha nàng vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do hoàn cảnh bần hàn nên đã bỏ đi xa, để lại cô con gái duy nhất cho người em vợ nuôi. Khi trưởng thành, người chú độc ác đã bán Viên Viên vào một kỹ viện nổi tiếng ở Giang Tô.
Khi ấy, vua Minh là Sùng Trinh đang sủng ái Điền quý phi và không lo việc triều chính. Chu hoàng hậu rất bực tức, bà bỏ tiền mua Viên Viên, để đưa vào cung phục vụ nhà vua, mong rằng qua đó có thể giúp Sùng Trinh tập trung vào việc bảo vệ giang sơn nhà Minh. Thế nhưng khi kề cận được Viên Viên, vua Sùng Trinh cứ ở mãi trong cung không muốn ra thiết triều.
Sau này để tránh điều tiếng quá ham mê tửu sắc, hoàng đế Sùng Trinh đã đưa Viên Viên đến sống tại phủ của cận thần Chu quốc trượng. Trong một bữa tiệc tại phủ, Chu quốc trượng đã mời Viên Viên ra múa hát, nhan sắc cùng tài năng của nàng đã lọt vào mắt xanh của Ngô Tam Quế - viên đại tướng được trao nhiệm vụ bảo vệ nhà Minh trước sự xâm lăng của quân Thanh.
Để trao thưởng cho công lao giữ gìn biên cương của viên tướng họ Ngô, mặc dù vẫn ưu ái Viên Viên nhưng hoàng đế Sùng Trinh đã đem nàng tặng cho Ngô Tam Quế.
Tuy nhiên, cuộc đời Viên Viên lại nổi sóng. Sau những thắng lợi liên tiếp, quân khởi nghĩa nông dân nông dân Lý Tự Thành đã chiếm Bắc Kinh vào ngày 26/5/1644. Viên Viên đã bị lực lượng quân nổi dậy bắt đi và dâng lên làm chiến lợi phẩm cho Lý Tự Thành (tự xưng là Sấm vương).
Khi nhận tin ái thiếp của mình đã bị Lý Tự Thành chiếm đoạt, Ngô Tam Quế đã nổi giận lôi đình. Thay vì trở về kinh thành ứng cứu cho nhà Minh, Ngô Tam Quế đã đến xin hợp quân với Mãn Thanh. Liên quân này vô cùng mạnh mẽ và chỉ trong một thời gian ngắn đã dẹp loạn được lực lượng của Lý Tự Thành.
Hình ảnh miêu tả Trần Viên Viên.
Tuy nhiên chính lúc này, lịch sử Trung Hoa đã qua trang mới, nhà Thanh với lực lượng chính là dân tộc thiểu số Mãn Châu đã chính thức làm chủ được Trung Quốc.
Ngô Tam Quế được nhà Thanh phong làm Bình Tây vương, trấn thủ Vân Nam. Lúc này sợ mất mặt vì chức danh cao quý lại đi lấy một kỹ nữ làm vợ, Ngô Tam Quế đã đưa Viên Viên đến tu tại một ngôi chùa vắng. Cuối cùng, nàng tu hành ẩn dật và mất đi lặng lẽ.
3. Lý Sư Sư - kỹ nữ tài sắc
Theo sử sách ghi chép lại, Lý Sư Sư sống vào cuối thời Bắc Tống. Theo giai thoại thì Lý Sư Sư là người Biện Kinh, cha là một thợ nhuộm tên là Vương Dần. Mẹ mất ngay khi mới sinh, cha nàng chỉ dùng sữa đậu nành để nuôi lớn.
Lý Sư Sư phải chịu cảnh lưu lạc từ nhỏ.
Đến 4 tuổi thì cha cũng qua đời, vì vậy Lý Sư Sư lưu lạc từ nhỏ, được một gia đình họ Lý nhận nuôi nên mới cải danh là Lý Sư Sư. Vì có một nhan sắc tuyệt trần nên một bà chủ kỹ viện đã mua lại nàng rồi dạy cho nàng đủ cầm, kỳ, thi, họa. Ít lâu sau, với nhan sắc và tài năng hơn người, nàng nhanh chóng nổi tiếng khắp kinh thành.
Lý Sư Sư nổi tiếng tới độ, cả Tống Huy Tông, Hoàng đế thứ 8 nhà Tống cũng phải biết đến và say mê. Nghe tiếng Lý Sư Sư tài sắc song toàn từ lâu, trong lòng Tống Huy Tông cũng mong ngóng đến ngày được tận mắt chiêm ngưỡng người đẹp. Nhưng khi đó, Tống Huy Tông vẫn còn ngại ngùng danh phận của một thiên tử Đại Tống nên khi đến tìm Lý Sư Sư, ông buộc lòng phải nói dối mình là một thương nhân.
Trải qua biết bao công đoạn cùng với sự háo hức, chờ đợi, cuối cùng Tống Huy Tông cũng được gặp nàng. Tuy nhiên, đáp lại những mong mỏi ấy, ông lại chỉ nhận được sự lạnh nhạt và kiêu ngạo của Lý Sư Sư. Tuy nhiên khi tận mắt chứng kiến nhan sắc cũng như tài đàn hát, sự thông minh, khéo léo của nàng, hoàng đế này không những không chán ghét, mà ngược lại càng muốn chinh phục hơn. Càng ngày Tống Huy Tông càng si mê Lý Sư Sư.
Để bày tỏ tình yêu của mình, Tống Huy Tông tặng cho Lý Sư Sư rất nhiều vàng bạc châu báu. Sau đó, hoàng đế còn âm thầm phong cho nàng kỹ nữ lừng danh này làm quý phi nhưng không đưa vào cung mà vẫn để sống ở lầu xanh.
Không dừng lại ở đó, vua sai người đào một đường hầm từ nội cung đến lầu xanh của Lý Sư Sư rồi ngụy trang bằng các căn phòng nối tiếp nhau để tiện đường gặp gỡ người đẹp.
Tuy nhiên, sự phóng túng của Tống Huy Tông đã trở thành điềm báo trước cho sự diệt vong của triều Bắc Tống. Chỉ vài năm sau đó, nhà Kim đã mang quân tấn công nhà Tống, khiếp sợ trước áp lực của quân Kim, Tống Huy Tông từ ngôi, truyền vị lại cho Thái tử Triệu Hoàn, rồi ít lâu sau, cả hai cha con cũng đều bị quân Kim bắt và đày lên vùng biên ải phía Bắc.
Cũng từ đây, cuộc đời nhung lụa của kỹ nữ lừng danh đã chấm dứt. Nàng mất chỗ dựa, bị phế làm thứ dân, bị đuổi khỏi lầu xanh và nhà cửa, gia sản đều bị tịch biên.