"Cô ấy xinh, nhưng là trai!"
Đem vấn đề người bệnh có bệnh lý phải phẫu thuật chuyển giới hỏi PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn thì được cho biết, ở đây chỉ điều trị những trường hợp bệnh lý để trả về giới tính thật của người ta. Căn cứ vào các xét nghiệm, nếu có tính trội nữ, sẽ cắt bỏ dương vật và tinh hoàn. Nếu có tính trội nam, sẽ phẫu thuật cắt tử cung. Những trường hợp nhiễm sắc thể bình thường, là nữ hoặc nam chuẩn nhưng lệch lạc về tâm lý giới tính thì không phẫu thuật chuyển giới.
Thế nhưng, có một bệnh lý gọi là lưỡng giới giả. Khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị lưỡng giới giả: Là đàn ông nhưng "kiểu hình" bên ngoài là phụ nữ. Những trường hợp này bị dị dạng dương vật, khiến dương vật trông như âm hộ của phụ nữ nhưng lại không có âm đạo (âm đạo nông). Có tinh hoàn nhưng ẩn sâu bên trong. Kết quả xét nghiệm cho thấy họ là nam.
Ở độ tuổi đã trưởng thành, những người này không muốn trở về giới tính thực mà muốn được là phụ nữ một cách trọn vẹn, muốn có được một tấm chồng. PGS.TS Trần Thiết Sơn đã giúp cho ước mơ đó của họ trở thành hiện thực nhưng việc muốn sinh con là điều không thể bởi những người này không có tử cung, buồng trứng.
Hình ảnh của những bệnh nhân nữ trong tập hồ sơ mà PGS.TS Trần Thiết Sơn lưu trữ hầu hết đều rất xinh đẹp, "rất đàn bà". Chúng tôi không khỏi trầm trồ trước các cô gái tóc xoăn gợi cảm có, tóc thẳng thướt tha cũng có, đặc biệt họ đều có khuôn ngực đầy đặn, tròn căng, vòng eo thon nhỏ. Thế mà thật đáng tiếc, PGS.TS Trần Thiết Sơn chép miệng, họ đều là "các đấng nam nhi" cả đấy!
Đàn ông muốn lấy... chồng
Chỉ vào một cô gái, PGS.TS Trần Thiết Sơn cho biết, cô tên là Nguyễn Thị H. SN 1990, quê ở Thanh Hóa, vào viện năm 2009. Cô choáng váng vì biết mình thực là nam và đã cầu cứu phẫu thuật để mình được hoàn toàn là phụ nữ. Bởi lẽ cô không thể thay đổi môi trường sống, nhân thân và hơn nữa cô muốn có một tấm chồng. PGS.TS Trần Thiết Sơn đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và tạo hình âm đạo cho cô gái được thỏa nguyện.
PGS.TS Trần Thiết Sơn cho biết, bệnh nhân bị lưỡng giới, có dị dạng ở bộ phận sinh dục thường có tâm lý cực đoan, sống khép kín, ngại giao tiếp, không có bạn khác giới, luôn lo sợ không có gia đình riêng. Họ cần có bác sĩ tâm lý.
Nếu bệnh nhân coi chuyện nhầm lẫn, khiếm khuyết của tạo hóa như chuyện bình thường và chung sống với nó thì sẽ chẳng có vấn đề gì. Nhưng tất cả những bệnh nhân có kiểu hình bên ngoài là nữ mà thực chất là nam đều muốn quay lại làm phụ nữ. Tất cả họ đều muốn cắt bỏ tinh hoàn, làm phận gái cho đúng với giấy tờ khai sinh, đúng với tâm lý bản thân và những người xung quanh đã nhìn nhận họ.
Do không có âm đạo, để tạo hình âm đạo, có thể phải phẫu thuật nhiều lần. Bác sĩ sẽ lấy da, niêm mạc miệng hoặc vạt da xung quanh đùi để tạo hình. Có khi thực hiện xong, vạt dày quá, bác sĩ lại phải nong rộng ra. Hoặc có trường hợp bị hoại tử cũng phải tiến hành phẫu thuật lại. Sau khi được tạo hình âm đạo, bệnh nhân có thể sinh hoạt tình dục bình thường, trở về cuộc sống đời thường của mình, sẽ không ai biết bí mật của họ, trừ khi họ tự tiết lộ.
PGS.TS Trần Thiết Sơn cho biết thêm, một trong số các bệnh nhân của anh có người đến 35 tuổi mới biết mình là nam, sau khi được phẫu thuật thuận theo giới tính giả là nữ, cô ấy đã có cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ khác, tiếp tục phát triển sự nghiệp, lấy chồng. Chỉ có điều hai vợ chồng họ không thể sinh con.