Ngày 19/2/2013, tại tuyến đường dẫn lên núi Cấm (An Hảo-Tịnh Biên-An Giang) xảy ra tại nạn nghiêm trọng làm toàn bộ 8 hành khách và tài xế lái xe lữ hành của Cty CP Phát triển du lịch An Giang bị thương nặng. Như vậy đây là năm thứ 2 liên tiếp, núi Cấm xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Trước đó, vào ngày 5/5/2012 cũng trên tuyến đường này xảy ra vụ tai nạn làm 8 người thương vong. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, nhưng với không ít người dân, 2 vụ tai nạn này dường như tái hiện một lời nguyền 30 năm trước…
Chuyến du xuân tang tóc
Đang nghỉ trưa, bỗng điện thoại reo liên hồi, bạn đọc báo Công lý và Xã hội điện báo: “Xảy ra tai nạn nghiêm trọng trên núi Cấm”. Tôi khăn gói lên đường ngay. Mùng 10 Tết, (19/2) hơi Xuân như vẫn còn phảng phất trên những cánh mai vàng nở muộn ven hai bên đường xứ núi, vậy mà tại khu du lịch núi Cấm, nơi được xem như Đà Lạt của ĐBSCL như chìm trong tang thương. Vào khoảng 12h45, tại tuyến đường dẫn lên núi Cấm xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 9 người bị thương nặng. Theo tường thuật từ nhiều người dân trực tiếp chứng kiện vụ tai nạn. Vào thời điểm nói trên, xe chuyên chở khách lữ hành của Cty CP Phát triển du lịch An Giang mang biển kiểm soát 67L-7643 do tài xế Lê Hoài Hận (sinh năm 1981, ngụ ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên-An Giang) chở khách từ đỉnh núi xuống, khi đến khu vực dốc Cây Sung, cách Lâm viên núi Cấm ( ấp Thiên Tuế, xã An Hảo) đúng 5km, thì lao xuống vực sâu. Sự việc xảy ra nhanh chóng đến người gần đó cũng không kịp phản ứng.
Rất may mắn, khi rơi xuống vực sâu, chiếc xe đã mắc vào gốc mít cổ thụ nên không rơi xuống đáy vực.
Chị Hà Thị Thu Thảo, chủ quán nước giải khát cách hiện trường xảy ra tại nạn khoảng 100m, cho biết: “Đang ngồi trong quán, bỗng nghe nhiều tiếng va chạm lớn đến nhức cả tai, linh tính mách bảo có điều không hay nên chạy ra xem thử thì nghe tiếng khóc lóc, kêu cứu từ dưới vực vẳng lên”. Theo lời chị Thảo, lúc đến hiện trường thì thấy người dân tiếp cứu đưa các nạn nhân lên mặ đường, trong đó có nhiều nạn nhân mình dính đầy máu. Theo ghi nhận ban đầu, nhiều khả năng xe được tài xế cho đổ dốc với tốc độ cao, đến đoạn đường cua ghấp khúc kèm dốc đứng, thì gặp phải xe từ dưới đột ngột đi lên khiến tài xế mất bình tĩnh tay lái và thắng gấp… là nguyên nhân chính khiến chiếc quay nhiều vòng liên tục trước khi “bay” qua vách bảo vệ cao khoảng 05m, rơi xuống vực theo hướng quay đầu ngược lên đỉnh núi. Rất may khi rơi xuống độ sâu khoảng 20m so mặt đường, chiếc xe được gốc mít cổ thụ cản lại nên không tiếp tục lao tiếp xuống vực. Nhờ vậy mà không có người tử vong. Tài xế và 8 thành viên từ Đắc-Lắc xuống đây du Xuân bị thương nặng phải nhập viện trong tình trạng khẩn cấp. Theo danh sách của bộ phận chức năng cung cấp, 9 người bị nạn gồm: Lê Đức Thiện (4 tuổi), Lê Anh Quốc (14 tuổi), Lê Phước Long (31 tuổi), Lâm Thị Bích Ngọc ( 30 tuổi), Lâm Tùng Sơn (33 tuổi) Lê Minh Tân (39 tuổi), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (40 tuổi), Văn Đức Thường (44 tuổi) và tài xế Lê Hoài Hận (29 tuổi). Ngay sau khi xảy ra tai nạn, tài xế Lê Hoài Hận và 4 người lớn được cấp cứu tại Bệnh xá Sư đoàn BB 330, các nạn nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn. Tuy nhiên đến 16 giờ chiều, do bệnh trở nặng nên nhiều bệnh nhân đã được chuyển viện lên tuyến trên. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Hình ảnh tảng đá tại hiện trường tai nạn ngày 5/5/2012 được đồn thổi là hình ảnh chiếc đầu ác thần: nửa người-nửa thú.
Sự trùng hợp đến khó giải thích
Theo thông tin mới nhất từ gia đình các nạn nhân, hiện sức khỏe các nạn nhân đã bình phục và đã có 7/9 người đã xuất viện. Như vậy so với vụ tai nạn xảy ra cùng tuyến đường này vào ngày 05/5/2012 thì vụ tai nạn ngày 19/2 có phần nhẹ nhàng cả về sự thiệt hại lẫn mất mát. Theo hồ sơ lưu trữ của chúng tôi, sáng ngày 5/5/2012, Trương Hoàng Tâm (30 tuổi, ngụ ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) điều khiển xe lữ hành mang biển số 67M – 1065 chở 8 du khách từ đỉnh núi xuống, khi xe đến đoạn đường cách Lâm viên núi Cấm đúng 4km, thì bất ngờ một tảng đá khổng lồ từ trên đỉnh núi lao xuống đập ngay chiếc xe đang di chuyển… Trên đường gây tai nạn, cục đá cũng đã kéo theo nhiều tảng đá trăm tấn khác, khiến cho hiện trường hỗn loạn. Theo lời kể của ông Chau Kanh, dân tộc Khmer xã An Hảo, người “tận mắt thấy, tai nghe” toàn bộ sự vụ, khi đang thăm rẫy dưới triền núi, bỗng tôi nghe tiếng nỗ long trời, sau đó đất đá từ đỉnh núi cao hàng trăm mét đổ ập xuống liên tiếp, dồn dập… liền theo đó phụt lên cột khói cuồn cuồn cuộn rồi quăng đất đá mù mịt cả góc núi. Khi ông Kanh leo lên đến mặt đường, thì chiếc honda mà ông dựng ngay vị trí sạt lở núi đã bẹp dí như đóng sắt vụn dưới khối đá khổng lồ. “Lúc nhìn qua phía chiếc xe chở khách của Cty Lữ hành An Giang, tôi như chết đứng… Chiếc xe thì nát nhừ, còn hành khách bên trong thì máu me,…”, giọng ông Kanh trở nên nghẹn ngào khi nhớ lại cảm giác chứng kiến hình ảnh thân thể không nguyên vẹn của các nạn nhân nát đầu, lòi ruột, đứt lìa tay… Theo xác nhận của cơ quan chức năng, có 6 người chết và 2 người bị thương nặng, gồm: tài xế điều khiển xe lữ hành mang biển số 67M – 1065 Trương Hoàng Tâm và 8 du khách, gồm: Võ Hoàng Phương (sinh năm 1971), Võ Văn Nhẹ (sinh năm 1980), Võ Văn Lý (sinh năm 1981), Trần Văn Lèo (1980), Nguyễn Văn Ngà (sinh năm 1952) cùng ngụ huyện Châu Thành và thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. 2 nạn nhân bị thương nặng đang được cấp cứu là Nguyễn Văn Đủ và Phạm Minh Tâm cùng ngụ huyện Châu Thành (Tiền Giang). Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng này là do yếu tố tự nhiên, đá trượt từ đỉnh núi xuống đúng vào thời điểm xe chở khách lữ hành đi ngang.
Hiện trường vụ tai nạn ngày 5/5/2012 nhìn từ trên cao
Tuy có khác nhau về yếu tố tác động, nhưng giữa hai vụ tai nạn này có sự trùng hợp rất kỳ lạ. Không chỉ xảy ra với khoảng cách đúng 1km, hai vụ cùng xảy ra tại khu vực Vồ Thiên Tuế, một địa danh nhuốm nhiều màu sắc ly kỳ của ngọn núi Cấm vốn mang trong lòng nhiều câu chuyện “liêu trai, chí dị” bậc nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí.
Bí ẩn "Vồ Thiên Tuế"
Nằm ở độ cao 760m so với mặt nước biển, Thiên Cấm sơn (núi Cấm) không chỉ là “nóc nhà” của ĐBSCL mà còn chất chứa trong lòng cả một kho tàng những câu chuyện ly kỳ nhuốm sắc màu huyền bí. Tại đây từng bụi cây, ngọn cỏ, hòn đá đều gắn liền với truyền thuyết ly kỳ mà Vồ Thiên Tuế - một trong 5 vồ (ngọn đồi nhỏ) trong hệ thống núi Cấm - là trường hợp điển hình. Bởi ngay cả giả thuyết về sự ra đời của địa danh này cũng lung linh huyền thoại. Giả thuyết thứ nhất cho rằng do nơi đây này từng được vua Gia Long đặt đại bản doanh trong những lần lẫn tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho nhà vua, lúc đó người ta gọi “trại” là vồ thiên tuế ở. Về sau do ảnh hưởng thói quen nói gọn của người Nam bộ, đã hình thành địa danh vồ Thiên Tuế như ngày nay. Giả thuyết thứ 2 cho rằng do nơi đây là lãnh địa của loài cây thiên tuế. Thiên tuế ở đây mọc thành rừng và nhiều cây trở thành cổ thụ dài gần chục mét và được dự đoán “thọ” đến hàng trăm năm tuổi.
Cận cảnh chiếc xe lữ hành bị tai nạn vào ngày 5/5/2012.
Đại lão lương y Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, hiện là Trưởng ban Quản tự chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm, năm nay đã bước sang tuổi bách niên-SN 1913, từng có hơn 70 năm gắn bó với ngọn núi này, lại cho rằng cả 2 giả thuyết đều... đúng. Bởi ngoài việc còn lưu lại một số dấu tích được cho là liên quan đến sự hiện diện của vua Gia Long như chiếc “ghế vua”, là phiến đá có hình tương tự như chiếc ngai mà lúc lên đây vua Gia Long thường ngự tọa và “giếng vua” là giếng nước tự nhiên nằm giữa phiến đá khổng lồ nhưng bốn mùa xuân-hạ-thu-đông lúc nào cũng đầy ắp nước. Tương truyền ngày xưa, khi tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn lên đây một thời gian, ba quân tướng sĩ bị kiệt sức vì khô hạn, vua Gia Long đã khấn nguyện rồi dùng kiếm đâm sâu vào lòng phiến đá khổng lồ dưới dân. Kỳ lạ thay, dù ngay giữa mùa khô hạn, nhưng khi mũi kiếm vừa rút lên, thì từ lòng đá cũng phụt lên dòng nước ngọt mát lành. Nhờ đó mà tướng sĩ vượt qua cơn khát… Để ghi nhận sự kiện thần kỳ này, vua Gia Long gọi đây là Giếng do Tiên ban tặng. Từ đó nguồn nước giữa phiến đá này có tên là Giếng Tiên. Trải qua hàng trăm năm, đến nay Giếng Tiên vẫn bốn mùa đầy ắp nước ngọt. Mặt khác, nơi đây cũng từng có một thời cây thiên tuế mọc thành rừng. Bởi mãi đến mấy năm trước, khi lên đây sinh sống, nhiều hậu bối vẫn còn tận mắt chứng kiến hình ảnh cây thiên tuế “mắc thiên la, địa võng”. Anh Trần Quốc Trung, người mới gắn bó với Vồ Thiên Tuế được gần 30 năm, nhớ lại: “Hồi gia đình mới lên núi Cấm sinh sống, vồ Thiên Tuế vẫn được xem là lãnh địa riêng của cây thiên tuế”. Tuy nhiên theo đại lão lương y Ba Lưới, ngày nay có thể không tin một trong hai giả thuyết này, thậm chí có thể bác bỏ cả hai, nhưng có một điều mà người ở núi Cấm vào nửa thế kỷ trước luôn tin tưởng tuyệt đối là Vồ Thiên tuế rất linh thiêng. “Hồi đó cảnh vật ở đây rất tươi tốt và đặc biệt rất linh thiêng. Không có tu sĩ, đạo sĩ nào vào đó tu hay cất am cóc, chùa chiềng gì được. Còn người tâm bất chính, đạo bất minh thì đừng hòng vào đó được một buổi…”, đại lão lương y Ba Lưới chia sẻ. Tuy không đủ điều kiện để kiểm chứng tỷ lệ thực-hư trong những câu chuyện xưa cũ kiểu này, có một trùng hợp rất kỳ lạ là mỗi khi xảy ra tai nạn ở khu vực này lại đi kèm với nhiều hiện tượng rất khó giải thích. Mà hiện tượng xe ô tô chở 9 người lại “bay” qua đường bảo vệ cao 0,5 m một cách nhẹ nhàng, không để lại dấu vết vào ngày 19/2 là điển hình. Thậm chí trong vụ tai nạn xảy ra vào ngày 5/5/2012, nhiều người đã nhìn ra từ tảng đá khổng lồ nằm ngay hiện trường có hình dáng cái đầu cảu hung thần nửa người-nửa thú: có đủ mắt, mũi của người, nhưng trên đỉnh đầu có chiếc sừng…
Sư cùng phật tử cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số ngày 5/5/2012.
Lời nguyền 30 năm lại hiện hữu?
Ngày 19/2, trong lúc giải lao sau những giờ tác nghiệp cực nhọc vốn có của vùng rừng núi, chúng tôi được nghe những câu chuyện ly kỳ xung quanh vụ tai nạn này từ sự đúc kết của người dân xứ núi liên quan đến chu kỳ 30 năm. Theo ký ức của nhiều nhân chứng, cách đây đúng 30 năm, cũng tại khu vực Vồ Thiên Tuế này cũng xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp trong 2 năm như hiện nay. Đó là năm 1982 và năm 1983. Để kiểm chứng, chúng tôi đã cố công băng đường rừng tìm gặp những người cố cựu ở núi Cấm để trực tiếp nghe tiếng nói của “người trong cuộc”. Qua giới thiệu của đồng nghiệp địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Nhật Tân, hiện là Trưởng ấp Vồ Đầu (xã An Hảo), người có trên 30 năm gắn bó với núi Cấm. Theo ông Tân, vụ tai nạn năm 1982 xảy ra vào mùa mưa. Khi đó đất, đá kèm theo cát từ trên cao lũ lượt lao xuống một cách dữ dội. Không chỉ giầy giầy nát cả bốn năm công rẫy nằm lọt dưới thung lũng, vụ tai nạn còn tấn công xuống tận chân núi, nhưng nhờ lúc đó dân cư còn thưa thớt nên vụ tai nạn chỉ làm vài người bị thương nhẹ. “Nguy hiểm nhất là trận lở núi vào năm 1983”, ông Phạm Việt Tân, nhớ lại: “Khi đó là buổi tối, sau khoảng 3 ngày diễn ra mưa dầm, bỗng xuất hiện trận sạt lở núi kinh hoàng tại khu vực dốc Bốn Ngàn (Vồ Thiên Tuế). Lúc xảy ra sạt lở nhiều người nghe nổ lớn, dồn dập... như động đất, rồi hàng trăm khối đất, đá từ trên núi ập xuống làm gãy cây rừng, cuốn phăng nhà dân xuống tận chân núi. Trận đó có tới 3 người thiệt mạng”. Theo lời ông Tân, mãi đến sáng cơn sạt lở núi mới tạm ngưng, khu vực Vồ Thiên Tuế điêu tàn như bãi chiến trường. Lúc đó cảnh tượng ở khu vực suối Thanh Long và Láng Cháy ngổn ngang cây, đá chồng chéo, tơi tả. Hai ni cô cất nhà nằm lọt giữa lòng suối Thanh Long cũng bị cơn cuồng nộ của thiên nhiên giật sập nhà và lấy đi mạng sống. Một người dân nhà gần đó cũng bị chết, xác bị kéo ra tận Láng Cháy cách đó hàng trăm mét và chết trong tư thế không còn mảnh vải che thân.
Như vậy rõ ràng, sự việc sau 30 năm xảy ra tai nạn ở núi Cấm chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và do chính con người gây ra, hoàn toàn không liên quan đến lời nguyền như một số tin đồn thất thiệt.
Với tất cả sự cẩn trọng, chúng tôi quay về TP Long Xuyên để gặp ThS Trần Anh Thư, PGĐ Sở TN-MT An Giang, người có nhiều năm nghiên cứu về môi trường ở núi Cấm, với hy vọng sẽ được giải thích sự việc dưới góc nhìn khoa học. Sau khi lắng nghe những câu chuyện tai nạn liên quan đến chu kỳ 30 năm, ThS Thư khẳng định: “Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh các vụ tai nạn này vẫn là do chính con người gây ra”. Tuy nhiên theo ThS Thư, mục đích động cơ giữa hai đầu sự kiện lại có phần khác nhau. Nếu như sự kiện sạt lở núi năm 1982-1983 xuất phát từ nhu cầu mưu sinh trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Khi đó do thiếu hiểu biết và kho đời sống quá khó khăn nên nhiều người dân đã ra tay chặt phá cây rừng với mục đích kiếm cơm qua ngày. Điều này đã trực tiếp hủy hoại môi trường tự nhiên và trực tiếp “chọc” thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ. Thì trong 2 vụ tai nạn trong năm 2012 và 2013 lại xuất phát từ thiếu “sự quan tâm” của thời kim tiền. Không đi thẳng vào vấn đề cụ thể, nhưng theo ThS Thư, việc xây dựng đường lên núi Cấm trong thời gian qua chưa đảm bảo các yêu cầu bắt buộc của khoa học về đảm bảo an toàn cho việc thiết kế đường trên núi: Một trong những kỹ thuật bắt buộc khi thi công đường trên núi là không để vách núi thấp hơn 75 độ và độ cao của vách đá không được vượt quá 10 mét. Nghĩa là đối vách núi cao hàng trăm mét như núi Cấm phải cắt tầng nhiều lần. Đồng thời “gọt” vách núi để mái chân đảm bảo an toàn trước khi áp dụng các kỹ thuật xử lý làm “cứng” phần vách núi. Còn trên thực tế, theo Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT An Giang) Tô Hoàng Môn, sau thời điểm hoàn thành đưa vào sử dụng (2007) cho đến ngày xảy ra tai nạn (5/5/2012), đường dẫn lên đỉnh núi Cấm chưa một lần được kiểm tra đúng nghĩa để xác định độ an toàn vách đá ven đường. Có nhiều nguyên nhân, như nguồn nhân lực tại chỗ không đủ năng lực thực hiện, kinh phí thuê mướn khảo sát này khá cao… nhưng quan trọng hơn hết là chưa có sự quan tâm đúng mức. Trong khi đó, vụ tai nạn ngày 19/2 nhiều khả năng lại xuất phát từ sự “quá tải” trong lao động của lực lượng tài xế. Theo ghi nhận đồng nghiệp địa phương, trong những ngày Tết, mỗi ngày đoàn xe lữ hành phục vụ gần 10.000 lượt khách lên-xuống núi, nhưng toàn đội chỉ có 41 xe (loại 9 chỗ) nên nhiều bác tài đã bị “quá tải”. |