Kì lạ thay, khi thi thể của người con được đặt trong quan tài từ những ngày đầu cho đến nay đã 45 năm nhưng vẫn không phân hủy.
Vượt qua những yếu tố khoa học, xác khô ấy vẫn cứ thế trường tồn thách thức thời gian. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã từng đến ăn ngủ cùng xác chết để nghiên cứu, cố gắng tìm ra lời giải thỏa đáng nhưng đến nay vẫn chưa vén được bức màn bí mật.
Thời vàng son oanh liệt của một dòng họ và cái chết của đứa con trai
Nhà ông Bá Đinh ở ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, An Giang là nơi lưu giữ xác khô đã tồn tại gần 50 năm nay. Ngôi nhà gỗ được lợp bằng ngói âm dương, rêu phong cổ kính nhưng khá đồ sộ, rộng rãi tồn tại hơn 130 năm nay. Điều đó cho thấy vào thời điểm ngôi nhà được dựng lên, dòng họ sở hữu không phải là một gia tộc bình thường.
Trong ngôi nhà cổ, cách đây gần trăm năm trước cụ Đinh Bửu đã sinh sống cùng với gia đình mình. Cụ có 4 người con, trong đó có 2 con trai là Đinh Công Hạo và Đinh Công Trí. Cụ rất trông mong con trai sau này sẽ học hành thành tài trở thành một người lừng lẫy giữa xã hội.
Ngay từ bé, Hạo đã thể hiện mình là một đứa bé kì tài, thông minh khiến người cha rất mực hài lòng. Nhưng rồi định mệnh đã xảy ra. Lúc lên 10 tuổi cậu bé mắc căn bệnh lạ, ăn không ngon ngủ không yên, mặc dù chỉ là một đứa trẻ nhưng trông cậu luôn nặng nề những suy tư không muốn thổ lộ cùng ai.
Tròn 17 tuổi mà bệnh tình của Hạo vẫn không biến chuyển tốt mà ngày một xấu đi. Rồi một ngày, cậu Hạo trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh không kịp một lời trăng trối. Cậu Hạo được gia đình an táng trên một mảnh đất ruộng đẹp nhất gần nhà.
Nhưng số phận của cậu thanh niên vắn số dường như chưa dừng hẳn khi đã được tử thần mời đi. Bốn ngày sau khi gia đình chôn cất cậu, nỗi đau mất người thân chưa được nguôi ngoai thì một chuyện kỳ lạ đã xảy ra chấn động một vùng quê.
Chôn con xuống lại đào con lên để trong quan tài kính suốt 45 năm
Trong căn nhà cổ kính, ông Đinh Công Trí, em trai của ông Hạo năm nay đã 60 tuổi nằm bất động trên võng. Mấy năm gần đây, ông bị căn bệnh tiểu đường hành hạ khiến sức tàn lực kiệt. Khách phải nhờ con dâu của ông dẫn lên gác, nơi đặt bàn thờ và quan tài của ông Hạo để tận mắt nhìn thấy thi thể.
Dù là phận hậu bối, nhưng con dâu của ông Trí cũng như những người dân khác trong vùng đều biết rõ gốc tích và nguyên nhân mà cái xác của ông Hạo nằm ở đây, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà, thách thức thời gian và các nhà khoa học.
Con dâu của ông Trí hàng ngày vẫn nhang khói đều đặn cho người bác chồng quá cố
Trở lại với câu chuyện sau khi đám tang của cậu Hạo, 4 ngày sau khi đất được lấp xuống quan tài, một thầy thuốc Nam ở đâu tìm đến gặp cụ Bửu. Ông thầy lang trông quắc thước khác thường, giọng nói sang sảng thuyết phục lòng người. Ông đến gặp cụ Bửu và nói rằng rất lấy làm tiếc vì không đến sớm hơn, vì nếu đến sớm hơn 1 ngày thôi, có thể ông sẽ mang cậu Hạo từ cõi chết trở về.
Cụ Bửu nghe thấy bán tính bán nghi vì những danh y trong vùng suốt thời gian qua đều được ông mời về chẩn bệnh cho con trai nhưng bất thành. Hôm nay tự dưng có một ông thầy lạ lại đến thốt nên những câu chắc nịch. Ông toan đuổi đi nhưng với những lời nói thuyết phục của ông thầy thuốc Nam, dù chưa từng chẩn bệnh cho cậu Hạo nhưng lại nói vanh vách các triệu chứng bệnh lạ và tình hình sức khỏe của cậu Hạo trước khi lâm chung.
Cụ Bửu nghe thấy mà thất kinh bạt vía, và càng nuôi hi vọng hơn khi thầy phán rằng đứa con cưng của mình vẫn chưa chết. Gần một ngày trời trò chuyện cùng thầy thuốc lạ, cụ Bửu quyết định làm một việc mà không ai dám nghĩ tới là khai quật mộ con trai mình lên.
Buổi chiều hôm đó, trước sự chứng kiến của nhiều bà con trong vùng, cụ Bửu cùng một số người trong nhà ra mảnh ruộng nơi chôn cất con trai mình để bắt đầu khai quật. Dù mọi người trong gia đình cố sức ngăn cản nhưng ý ông đã quyết không ai dám làm trái.
Hàng trăm người dân trong vùng kéo đến chật mảnh ruộng để chứng kiến cảnh cụ Bửu đào mộ con mình mới chôn. Vào buổi chiều trời nắng gắt, quan tài được đưa lên mặt đất, nắp quan tài được mở ra mọi người bàng hoàng nhìn thấy thi thể cậu Hạo sau gần tuần lễ vẫn chưa bị phân hủy, da dẻ hồng hào mà không bốc mùi tử khí, đôi mắt của cậu nhắm nghiền như đang ngủ.
Cụ Bửu ôm thi thể con trai mà không cầm được nước mắt, những người thân trong gia đình cũng òa khóc. Tất cả đều tin rằng sẽ có phép màu xảy ra, cậu Hạo sẽ sống lại như người thường. Cụ Bửu tự tay ôm con trai mình về nhà, lau chùi sạch sẽ một lần nữa rồi để trên ghế bố giữa nhà, phủ khăn vàng lên cậu.
Một tháng trời trôi qua, trông cậu Hạo vẫn vậy, cứ như người đang chìm trong giấc ngủ say. Người thân trong gia đình, nhất là cụ Bửu vẫn mòn mỏi tin phép màu sẽ xảy ra. Chuyện động trời cụ Bửu đào xác con lên mang về nhà được lan truyền đi khắp nơi, người dân hiếu kỳ đến xem đông như hội, họ bàn tán râm ran về câu chuyện mang màu sắc bí ẩn, tâm linh này.
Những nhà chức trách thuộc chế độ Sài Gòn cũ sau khi biết được câu chuyện liền cử một đoàn chuyên gia 5 người, do một bác sĩ người Mỹ dẫn đầu tìm đến nhà cụ Bửu. Sau một tuần khám nghiệm, nghiên cứu đủ mọi cách, đoàn nghiên cứu vẫn không thể lý giải được nguyên nhân vì sao xác chết lại không bị phân hủy, không bốc mùi tử khí.
Trong lúc đoàn nghiên cứu vẫn ở đây, cụ Bửu còn cho người đem nước cho cậu Hạo uống. Cả đoàn nghiên cứu từ ngạc nhiên cho đến sợ hãi khi chứng kiến cậu Hạo “uống” môt hơi hết ca nước lớn mà không tiết ra ngoài. Sau thời gian bỏ công sức mà không thu được kết quả nào, vị trưởng đoàn người Mỹ đề nghị với cụ Bửu đưa thi thể của Hạo về Mỹ để nghiên cứu kỹ hơn.
Cụ Bửu vì tin rằng con trai sẽ có ngày sống lại nên nhất mực từ chối. Về sau, dù nhiều đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước đã đến nghiên cứu, tìm hiểu nhưng tất cả đều không thể lý giải được nguyên nhân cái xác không bị phân hủy.
Năm 1994, cụ Bửu vì tuổi già sức yếu nên qua đời, ngôi nhà cổ và nhiệm vụ chăm sóc thi thể cậu Hạo được giao lại cho ông Trí, con trai thứ hai của cụ Bửu. Nhưng hiện nay vì sức khỏe không cho phép, công việc chăm sóc, nhang khói cho cậu Hạo được giao lại cho vợ chồng con trai của ông Trí.
Hằng ngày họ vẫn lên quét dọn, lau chùi nhang khói cho người bác quá cố của mình. Suốt 45 năm qua, thi thể cậu Hạo chỉ khô lại chứ không có dấu hiệu phân hủy dù gia đình không sử dụng bất cứ một loại thuốc hay hóa chất nào để ướp xác. Người dân ở xã Phú Thạnh cũng như những xã khác lân cận dường như cũng đã quen với việc này, họ không sợ hãi mỗi khi nhắc đến nữa. Về vấn đề xác chết khô không phân hủy, đó vẫn là câu hỏi lớn dành cho thế hệ các nhà khoa học, nghiên cứu tìm tòi và giải đáp.