Bí ẩn đôi giếng kỳ lạ và con rắn thần (Kỳ 1)

Từ lâu nay, người dân Thanh Hóa thường nghe đồn về một đôi giếng thần kỳ ở làng Chiềng, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Đó là đôi giếng được xếp hoàn toàn bằng những phiến đá phẳng lì, nằm giữa làng, bao bọc tứ bề là những cây si cổ thụ uốn lượn như con mãng xà. Chuyện về đôi giếng thần đã được ghi chép trong gia phả của dòng họ Cao từ hàng trăm năm trước và vẫn được người dân địa phương kể lại như một "sử thi" giàu giá trị.

Đôi giếng kì lạ

Ông Cao Viết Bảo, người được bà con làng Chiềng giao cho nhiệm vụ trông nom giếng khẳng định, trên khắp đất nước ta có nhiều cái giếng cũng được gọi là giếng thần. Nhưng chắc chắn không nơi nào có một đôi giếng diệu kì như ở nơi đây.

Thấy tôi tỏ ý nghi ngờ, ông Bảo nói: Quanh năm đôi giếng này, lúc nào cũng đầy ăm ắp nước. Nếu nhà báo không tin thì có thể đưa máy bơm đến đây hút nước để kiểm chứng.

Làng Chiềng nằm ở vùng cao của tỉnh Thanh Hóa. Hầu như năm nào vào mùa hạ, gần 200 giếng đào lẫn khoan nơi đây đều cạn sạch. Nguồn nước sinh hoạt của bà con chủ yếu trông chờ từ đôi giếng này. Chẳng thế mà nhiều hộ góp tiền mua xe bò, thùng phuy, cứ sáng sáng lại đánh xe vào tận nơi để lấy nước về sinh hoạt.

Hàng trăm năm nay, người dân địa phương vẫn luôn lấy nước từ đôi giếng này. Lạ là hút đến đâu, nguồn nước lại ùn ùn trào dâng đến đó dù từ miệng giếng xuống đáy chỉ sâu có 2,5m.

Vào mùa lũ, nước ở miệng giếng lúc nào cũng trào ra khỏi thành như nồi canh sôi. Cá, tôm, cua, rắn không biết từ đâu cứ bò lồm ngồm quanh thành giếng.

Bia thờ rắn thần. (Ảnh: Bảo Lâm)

Những người già ở làng Chiềng kể, hàng năm cứ khi nào nước ở sông Bưởi đục thì nước giếng cũng đục, khiến nhiều người liên tưởng đến tích xưa, rằng rắn thần đã đào một mạch nước ngầm từ sông Ngang (tức sông Bưởi) để dẫn nước về làng.  Năm 1990, trong lúc dân làng tu bổ lại giếng, do sơ ý làm rơi một ít vôi xuống nước, mà khiến cho nước trong giếng phụt lên cao khoảng 1m, đồng thời có những tiếng nổ đùng đùng. Hoảng quá, bà con phải làm lễ cúng bái. Từ đó người dân lại cho rằng, nguyên nhân của việc này có liên quan đến cái chết của con rắn - con vật mà người dân nơi đây tôn thờ là thần thánh. Quyển sách "Truyện cổ Mường Voong", của nhà xuất bản Dân tộc, có ghi chép lại một phần của tích xưa. Đặc biệt, trong gia phả của dòng họ Cao còn ghi chép rằng: Vào 8/11 năm thứ 3 đời vua Duy Tân, vua đã phong cho rắn là "Phong Vương Hạ đẳng thần".

Da trắng mịn khi tắm bằng "nước tiên"

Để tưởng nhớ tích xưa, người dân làng Chiềng đã cử người trông nom quét dọn đôi giếng thần. Người ta còn trồng cây, lập bia để thờ. Đặc biệt, cứ vào 30 Tết, người dân nơi đây lại quây quần bên giếng trò chuyện. Khi đồng hồ điểm đúng 0h, mỗi người một chai, lọ giành nhau múc nước trong giếng. Bởi có tục rằng, ai múc được nước đầu tiên sẽ có lộc cả năm. Nước được múc vào chai, lọ, sẽ được bà con đem về dùng để cúng bái vào những ngày lễ trong năm, thay cho rượu. Để phân định rõ ràng, đâu là giếng dành cho nữ, đâu là giếng dành cho nam, dân làng đã cho xây một bức tường ngăn cách. Có điều đặc biệt, con gái trong làng được tắm bằng nước giếng, càng lớn da dẻ càng trắng mịn. Vì  thế người ta gọi nước giếng là "nước tiên" và cũng phải tắm "kiểu tiên". Người dân thôn Chiềng có câu ca rất dí dỏm: "Xin mời ai đến làng Chiềng/ Dừng chân ngắm cảnh tắm tiên sướng đời/ Nói ra xin chớ ai cười/ Cởi trần mà tắm kiểu thời có tiên".

Theo chỉ dẫn của ông Bảo, tôi rời làng Chiềng, phóng xe máy thêm 15 km nữa đến làng Quang Áo, tìm gặp ông Cao Viết Hội - Trưởng dòng họ Cao, người đang giữ gia phả có ghi chép lại toàn bộ sự tích giếng thần…

(Còn nữa)