Ở ẩn sau lần “kết liễu một tử tù”
...Pháp trường lạnh lẽo, thê lương, dễ gợi cảm giác ma quái bao nhiêu thì bản thân những người siết cò thực thi nhiệm vụ kết liễu cuộc sống của các phạm nhân còn nhiều trăn trở và ám ảnh bấy nhiêu. Chúng tôi xin kết thúc loạt phóng sự về “pháp trường xi lanh” với số phận các tử tù mòn mỏi chờ tiêm thuốc độc bằng tâm sự của những người chuyên “xử tử” tù nhân, họ đã nhìn nhận lại “nghề” của mình nhân dịp thứ nghề này...bị “khai tử”.
Thành phố Sơn La thời mới nô nức người, xe, bốn phía nhìn không thấy đường chân trời vì núi cao chất ngất. Ông Lò Xuân L., năm nay 50 tuổi, nguyên Trưởng phòng Thi hành án hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn, đã nghỉ công tác ở ngành công an vào năm 2005, với quân hàm thượng tá. Giờ ông đang là lãnh đạo của Đoàn luật sư tỉnh nhà. Nhưng, ông L. chưa bao giờ thôi ám ảnh, suy nghĩ về những năm tháng thực thi nhiệm vụ, tham gia bắn súng thi hành án tử hình. Ông bảo, trước mình đi bắn người, từng bắn cả phát súng nhân đạo vào đầu tử tội, giờ làm luật sư đi gỡ tội cho các kẻ đứng trước nguy cơ mắc án tử hình. Có vụ cơ quan chức năng chỉ định ông cãi, có vụ người ta thuê cãi. Nhưng bắn người thì lần nào cũng... chết, còn gỡ tội thì chả gỡ được cho ai vì họ toàn dính án nặng, án ma túy buôn mẻ lớn. Ông bảo, có cậu lính mới hồi ông quản lý, cậu ấy vác súng đi thi hành án tử hình được một lần, tay chân run bắn, rồi về nhà bỏ cả nghành công an luôn. Nhà cậu ấy ở Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), trông rất mạnh mẽ. Ai ngờ...
Ông L. và anh bạn đi cùng tôi là người Sơn La, chỗ cán bộ tỉnh thân thiết với nhau, chứng kiến bao nhiêu vụ tử hình bằng súng đạn (với hàng trăm người cùng tò mò xem) cứ ngồi hàn huyên. Họ bảo: Không chỉ người dân sợ cảnh bắn người thi hành án tử hình, khi mà đài truyền thanh thông báo lịch tử hình trước 2 tiếng, bà con kéo đến “xem” vây kín cả các rông núi, nơi có sự kiện thi hành án tử hình. Hồi đầu, ngay cả bên cán bộ, bên công an cũng thế, người ta cũng “ghê” cảnh bắn tử hình lắm. Mấy ông cấp trên toàn chỉ đạo từ xa cách chỗ bắn người mấy cây số hoặc chỉ đạo bằng điện thoại thôi. Về sau bị “góp ý phê bình” họ mới đến gần “pháp trường” để ngồi đấy chứ. Bản thân họ cũng ngại chứ. Suốt nhiều năm chỉ thấy... cấp dưới đi đại diện ra trường bắn thôi, chứ các vị cấp trên là “báo cáo vắng mặt” hết. “Họ ngại hay họ bận thật cũng... chả biết được”, ông L. lẩm bẩm. Có anh đi “bắn” vài lần là xin nghỉ. Đã có chuyện, một người cả đời làm nhiệm vụ “xử tử”, về già ông này cứ có suy nghĩ, tự mình lập những “mái cỏ” có bát nhang coi như có một chút an ủi linh hồn những người ông ấy đã “siết cò”. Bao nhiêu lần tham gia thi hành án tử hình, trực tiếp siết cò súng, là trang trại nhà ông ấy có bấy nhiêu bát nhang, lều cỏ xinh xinh để cầu cho họ siêu thoát.
"Pháp trường lạnh lẽo, thê lương, dễ gợi cảm giác ma quái..."
Cố tình bắn vào chân tử tù để bớt ám ảnh
Ông L. ngại nói về những thứ kiểu như “sướt mướt”, mê tín dị đoan, hay e ngại “linh hồn tử tù” kiểu gì đó, nhưng ông cũng nói thật: “Đôi khi, những người đi bắn tử tù xong, trở về nếu công tác suôn sẻ thì không sao, chứ chẳng may bị “cái gì đó rủi ro” thì họ lại suy nghĩ. Bản thân tôi bắn người thế, mà từ anh lính trơn lên đến trưởng phòng rồi giờ làm lãnh đạo đoàn luật sư, có sao đâu! Bạn tôi, cậu Tuấn A., cậu ấy bị đâm xe rồi bao hệ lụy. Nó cũng công tác, có bắn gì ai như bên thi hành án bọn tôi đâu mà bảo là “bị rủi ro” vì cái nghề kia. Cậu ấy làm bên cảnh sát kinh tế mà”. Ông L. lý luận như vậy, chứng tỏ ông từng suy nghĩ, chứng nghiệm, trăn trở rất nhiều với “nghề bắn”.
Người ngồi cùng bàn với tôi và ông L. thì kể: “Cậu X. về đằng vợ nhà tôi, bác L. biết rõ đấy, đi bắn người cùng với bác về là gia đình phải làm lễ, ma chay cúng bái, làm đủ thứ thủ tục nọ kia. Kẻo họ cũng bị ám ảnh nhiều lắm đấy!”. Ông L. thở dài: “Trước khi thi hành một vụ án tử hình, chúng tôi phải đi chọn người trong đội cảnh sát cơ động, phải nắm kỹ từng tính cách từng người từ trước. Lúc được giao việc, anh em cũng “tâm lý” lắm. Trước khi ra pháp trường, có khi phải xin đạn thật về co anh em bắn hình nộm thử. Xem lòng “quyết tâm” thực thi nhiệm vụ, loại sự sống của “cái ác” ra sao. Chúng tôi phải động viên anh em trong đội là không bắn trượt được. Củng cố ý thức (không bị “tâm lý”) để không bắn trượt mới là quan trọng. Cần trung thành với Đảng, với Nhà nước, có lòng yêu nghề thực thi nhiệm vụ vì cộng đồng. Nói vậy, cũng có khi không chuẩn bị gì cả, cứ chọn người ở đội cơ động, rồi cho lên xe chở đi giao nhiệm vụ, cấm từ chối...”
Câu chuyện của ông L. khiến chúng tôi lại nhớ đến thượng tá Hoàng Thế V., người không ngần ngại tiết lộ mình đã dùng súng ngắn trực tiếp bắn vào thái dương tử tù, lãnh đạo đội xạ thủ “kết liễu” tới 13 tử tù rồi. Anh V. còn cho biết, bản thân anh cũng rất “tâm trạng” trong lần đầu đi bắn tử tù. Đêm không ngủ được, mẹ vợ phải vào động viên “bắn người là việc tốt cho xã hội, thực hiện nhiệm vụ cao cả”, sáng hôm sau anh mới vững tay súng được. Đặc biệt, đã có chuyện, mấy anh chàng xạ thủ mới ra pháp trường làm nhiệm vụ, láu cá bắn vào chân tử tù, thay vì bắn trúng vào miếng băng dính ở ngực đánh dấu vị trí cần bắn (vào tim). Lý do là họ không muốn bị ám ảnh vì mình đã “giết người”.
Bây giờ, các trường bắn và các đội ngũ trang thực thi nhiệm vụ siết cò kết liễu sự sống của phạm nhân đã... hết nhiệm vụ. Bắn người hay tiêm thuốc độc cho họ chết, cũng là kết thúc sự sống của con người cả thôi, nhưng tiêm thuốc độc sẽ cho người ta cái chết êm đềm hơn, người thực thi nhiệm vụ cũng bớt ám ảnh hơn.
Cả ông Lò Xuân L. và anh Hoàng Thế V. đều tiết lộ chân thành: Họ ít nhiều bị ám ảnh với việc cầm súng, nhả đạn để thực thi nhiệm vụ của người thi hành án tử hình kia. Có người bao năm làm “nghề”, tuyệt đối không nói gì với vợ con, dẫu họ tự hiểu có thể vợ con họ cũng biết cả. Cả ông L. và anh V. đều kể, nhiều khi ra quán ngồi tiếp khách, vẫn có người đến trước mặt, làm động tác như “đao phủ” trước khi ra trường bắn rồi hô vang, kiểu như: Tôi, Lò Xuân L., tôi Hoàng Thế V., đội trưởng đội vũ trang, tôi thế này, tôi báo cáo đồng chí... Ý họ nói là, tôi nhìn thấy anh, tôi nhớ đến cảnh anh dõng dạc đọc điều lệnh, hô vang, rồi tiếng súng nổ... Ông L. bảo ngại lắm.“Sau này chúng tôi đề nghị cho anh em được bịt kín mặt khi thực hiện nhiệm vụ, thứ nhất vì ngại, sau là vì cũng lo lo, khi mà bọn buôn ma túy, tội phạm có đồng bọn, nó có thể nhớ mặt mình mà trả thù", ông L. nói. Anh V. thì bảo, sau này các anh đề nghị Bộ Công an bỏ cái việc hô tôi tên là gì, chức vụ gì... trước khi bắn tử tù đi, chứ làm thế bất lợi và nó “sái” lắm. Và Bộ đã đồng ý bỏ. Anh V. nhiều đêm mất ngủ trước khi thực thi nhiệm vụ. Từng có chuyện anh bần thần lau súng trước giờ ra pháp trường, để rồi khẩu súng chưa được tháo đạn cướp cò, tiếng nổ vang dội, thủng cả trần nhà, cấp trên phải sang “hỏi thăm” và lo lắng mãi...