Vào viện rầm rập như đi hội
Đó là câu nói cửa miệng của các bác sĩ BVĐK Tuyên Quang khi chứng kiến cảnh quá tải tại đây. Tại khoa Nội, BS Trần Văn Đạo, Phó trưởng khoa cho biết: “Khoa Nội B có 64 giường bệnh nhưng bệnh nhân có ngày lên tới gần 90 người. Không còn cách nào khác là bệnh nhân phải nằm ghép, quá tải là chuyện như cơm bữa. Còn khoa Nội A điều trị cho các đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, người có công thì tình hình khá khẩm hơn nhưng toàn khoa cũng có đến trên dưới 200 bệnh nhân, lúc nào cũng rầm rập như đi hội”.
BV ẩm mốc nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Được xây dựng từ năm 1985, BVĐK Tuyên Quang giờ chẳng khác gì “cụ ông cụ bà” sập xệ, xuống cấp, thậm chí nhiều phòng bệnh trong thảm cảnh “nát tươm”. Trong khi đó, cơ sở mới vẫn đang trong thời gian xây dựng chưa biết đến khi nào đi vào hoạt động. Khảo sát một số phòng bệnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy người bệnh nằm điều trị trong phòng ẩm ướt, tường mốc meo rêu xanh. Điều này khiến nhiều bệnh nhân kêu la họ chưa thực sự an tâm điều trị.
Cụ ông Hà Tiến Nguyên, 74 tuổi và Lý Quang Tỉnh, 65 tuổi thay nhau nằm ngược nằm xuôi trên cùng một chiếc giường. Hai cụ, người thì bệnh tim, người kia vừa suy tim lại tăng huyết áp chen chúc trên chiếc giường đơn chật hẹp. Còn bệnh nhân Vũ Văn Dụ, 60 tuổi dù bị bệnh phổi nhưng chỗ nằm trị bệnh hết sức “nặng mùi”. Ông Dụ cho hay, nhà nghèo không có điều kiện khám dịch vụ, khám tư nhân, BV bố trí ở đâu thì mình chỉ biết nằm đó, bẩn cũng phải chịu thôi…
Bệnh nhân nằm ghép trị bệnh tại BVĐK Tuyên Quang.
Bệnh chữa được cũng phải… chuyển đi
Sự bất hợp lý đang diễn ra tại nhiều BV cơ sở là các bác sĩ thừa sức trị bệnh nhưng vẫn phải viết giấy cho bệnh nhân chuyển viện. “Không phải chúng tôi không chữa được bệnh mà nhiều trường hợp bệnh trong tầm tay cũng phải cho bệnh nhân chuyển tuyến vì dụng cụ, thuốc men cần thiết hầu như rất thiếu, không thể đáp ứng nhu cầu điều trị. Nếu giữ lại chỉ khiến tình hình nặng thêm”- BS Đạo nói.
Vị bác sĩ này cũng cho hay, bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây vô cùng khổ sở vì xếp hàng đông đúc, chen chúc điều trị, cấp cứu khó khăn. Trong khi đó, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị không đủ, cả BV mới chỉ có 3 máy siêu âm (2 màu, 1 đen trắng) rất khó để chẩn đoán hình ảnh sâu. Có lúc bác sĩ yêu cầu gia đình bệnh nhân phải ra ngoài tìm mua thuốc nhưng lùng sục cả thành phố Tuyên Quang cũng không có nổi thứ thuốc cần tìm đành viết giấy chuyển viện lên tuyến trên chữa trị.
Trị bệnh ngoài hành lang
Trường hợp bệnh nhân Ma Ngọc Hiền, 82 tuổi bị chứng xuất huyết tiêu hóa, tai biến mạch máu não, các bác sĩ liên tục cầm máu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên, nguồn máu tại BV lúc nào cũng thiếu, không đủ để truyền đành huy động anh em người nhà bệnh nhân cho máu. Lượng máu trong khoa huyết học rất ít (khoảng 10 đơn vị máu), thiếu trầm trọng trong cấp cứu chấn thương đột xuất.
Bà Đỗ Thị Ngọc Mai, PGĐ Sở Y tế Tuyên Quang cho rằng, do thiếu máy móc, nhiều kỹ thuật phức tạp được các bác sĩ tuyến trên chuyển giao nhưng chúng tôi cũng không thể thực hiện được, điển hình như mổ Phaco Laser, phẫu thuật cột sống….
Nhiều BV tuyến tỉnh khác, thậm chí cả BV tuyến huyện do quá thiếu cơ sở và thiết bị khám chữa bệnh cũng xảy ra tình trạng quá tải chẳng khác gì tuyến trên, công suất sử dụng giường bệnh trên 110%. Xem ra thảm cảnh quá tải không chỉ ở BV T.Ư mà ngay cả tại BV tuyến tỉnh – một tỉnh miền núi như Tuyên Quang cũng hết sức bi đát. Bài toán giảm tải BV nên chăng bắt đầu từ việc đầu tư nhiều hơn nữa cho BV tuyến dưới cả về nhân lực và trang thiết bị?