Mục đích của việc chuyển đổi cơ quan chủ quản này nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới. Tuy nhiên, liệu đề án này có phù hợp trong áp lực khám chữa bệnh hiện nay?
Ở thì thương, vương thì tội
Sau một thời gian nâng cấp, mở rộng, đến nay Bệnh viện huyện Hóc Môn đã trở thành một bệnh viện đa khoa quy mô lên tới 550 giường, trang bị nhiều máy móc, thiết bị khá hiện đại, đảm bảo thực hiện được nhiều kỹ thuật khám, chữa bệnh, cấp cứu tốt. Để được khang trang như hôm nay, theo bác sĩ Đỗ Kiêm Hoàng, Giám đốc bệnh viện, là nhờ một phần sự quyết liệt đầu tư của Huyện ủy và UBND huyện Hóc Môn. Với một địa bàn đông dân cư, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp với lượng công nhân đông, việc đầu tư cho Bệnh viện Hóc Môn là hoàn toàn phù hợp.
Trước đó, khi có chủ trương chuyển bệnh viện về trực thuộc Sở Y tế, bác sĩ Hoàng lo ngại một phần của dự án nâng cấp bệnh viện sẽ bị đình trệ vì sợ UBND huyện “lấy cớ” chuyển về sở nên để sở đầu tư, nhưng cuối cùng cũng xong. “UBND huyện hứa đầu tư và đã hoàn thành, nay chuyển về trực thuộc Sở Y tế cũng không vướng mắc gì”, bác sĩ Hoàng nói.
Theo bác sĩ Hoàng, khi chuyển về Sở Y tế sẽ được quản lý toàn diện hơn, nhất là về tổ chức nhân sự. Đồng thời, hiện nay công suất của bệnh viện đã đạt 95%, nếu Sở Y tế quan tâm tốt sẽ khai thác hết 100% công suất…
Dù không được như Bệnh viện Hóc Môn, nhưng Bệnh viện quận 2 cũng đang hy vọng khi trực thuộc Sở Y tế sẽ “đổi đời”, nhất là được phân bổ nhân sự, những bác sĩ tay nghề giỏi về hỗ trợ cho bệnh viện. Hiện Bệnh viện quận 2 có 150 giường nhưng công suất sử dụng cũng chỉ mới đạt trên 70%. Lý giải về điều này, BS Phạm Văn Thà cho biết nhân sự bác sĩ thiếu, trang thiết bị chưa đồng bộ…
“Lâu nay xin kinh phí hỗ trợ về xây dựng hay mua sắm thiết bị đều thông qua UBND quận và được phân bổ tốt. Nhưng liệu trực thuộc Sở Y tế rồi có được vậy không hay Sở Y tế ôm đồm nhiều cơ sở y tế quá nên đợi lâu mới đến lượt”, bác sĩ Thà băn khoăn.
Sắp tới Bệnh viện quận 2 có dự án xây dựng mở rộng thêm 110 giường và đang được trình lên UBND quận 2 xem xét. Vậy khi về trực thuộc Sở Y tế có cần phải làm đề án, kế hoạch trình lại từ đầu?... Một số bệnh viện quận huyện khác cũng cho rằng việc “thu về một mối” trực thuộc Sở Y tế là phù hợp nhưng vẫn quan ngại “ở thì thương, vương thì tội”. Đó là lâu nay trực thuộc UBND quận huyện nên chính quyền sâu sát, nay về Sở Y tế thì nhiều quá sợ “kham” không xuể, mỗi lần kiến nghị hay xin cơ chế từ Sở Y tế e bị chậm.
Chuyển về trực thuộc Sở Y tế, Bệnh viện quận 2 có bớt đìu hiu và nâng cao chất lượng khám?
Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện hầu hết các bệnh viện quận huyện đã được đầu tư nâng cấp xây dựng và trang thiết bị khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong khi các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế quá tải do lượng bệnh nhân vượt tuyến tăng cao thì các bệnh viện quận huyện vẫn sử dụng không hết công suất. Có nhiều bệnh viện 150-200 giường nhưng công suất sử dụng chỉ đạt 40%-50%, chưa bệnh viện nào đạt 100%. Do đó, UBND TPHCM đã có chủ trương chấp thuận chuyển bệnh viện quận huyện về trực thuộc Sở Y tế để điều phối, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Y tế TPHCM, cho biết đề án chuyển bệnh viện quận huyện về trực thuộc sở đã xong, và đang lấy ý kiến. Nếu bệnh viện nào chấp thuận trước thì sẽ chuyển về trước.
Có lên đời?
Mặc dù đề án chuyển bệnh viện quận huyện về trực thuộc Sở Y tế đang trình phê duyệt nhưng trước đó, Sở Y tế đã có kế hoạch nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến quận huyện. Đây được xem như một biện pháp căn cơ để “lên đời” cho bệnh viện tuyến dưới.
Theo Sở Y tế, sự phát triển chất lượng giữa các tuyến bệnh viện hiện không đồng đều. Các bệnh viện tuyến thành phố (nhất là các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng I) được quan tâm tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất từ nguồn đầu tư của thành phố, nguồn vay kích cầu (xã hội hóa) và nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị, đã xây dựng nên “y hiệu” của mình, tạo uy tín đối với người bệnh đến khám, chữa bệnh ngày càng đông và thu hút được nguồn nhân lực (bác sĩ, điều dưỡng giỏi).
Trong khi đó, tại các bệnh viện quận huyện, việc đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn hạn chế (do vừa tách ra từ trung tâm y tế từ năm 2007), nguồn kinh phí hoạt động và đầu tư cho y tế quận huyện chủ yếu là nguồn chi thường xuyên và nguồn ngân sách phân cấp cho quận huyện. Do đó, chất lượng chuyên môn, hoạt động khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu.
Với kế hoạch nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh viện tuyến quận huyện, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng mục tiêu tổng quát là bệnh viện quận huyện phải thu hút được bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố. Theo đó, các bệnh viện hạng I tuyến thành phố cử bác sĩ về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến quận huyện. Trong năm đầu tiên (2012), các bệnh viện tuyến thành phố sẽ luân phiên cử các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm về công tác tại các bệnh viện tuyến quận huyện với thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Đồng thời, Sở Y tế có kế hoạch phân công các bác sĩ mới ra trường về công tác tại các bệnh viện tuyến quận huyện theo chủ trương của UBND TPHCM.
Theo Sở Y tế, hiện nay đã có 12 bệnh viện quận huyện nhận hỗ trợ từ tuyến trên. Cụ thể, bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết đã làm việc và cử bác sĩ xuống hỗ trợ các bệnh viện quận 9, quận 2 và 12. Hay như Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ Bệnh viện quận 6, quận 12; Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ Bệnh viện quận 8, Cần Giờ…
Theo lãnh đạo các bệnh viện, kế hoạch nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh viện quận huyện của Sở Y tế TPHCM chẳng khác mấy Đề án 1816 của Bộ Y tế. Do đó, việc cử bác sĩ xuống hỗ trợ vài ba tháng cũng chỉ là bắt tay chỉ việc và không thể thu hút người bệnh. “Nên chăng, khi chuyển bệnh viện quận huyện về trực thuộc Sở Y tế, cần có biện pháp điều động y bác sĩ tuyến trên về làm việc cố định vài ba năm ở tuyến dưới, gắn y hiệu bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện quận huyện. Có vậy mới mong bệnh viện quận huyện… lên đời”, BS Lê Hoàng Minh kiến nghị.