Theo TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chỉ trong vòng 6 tuần đầu năm 2012, số người mắc TCM đã tăng mạnh mẽ, với trên 6.300 trường hợp mắc được ghi nhận tại 60 tỉnh thành, trong đó có 9 trường hợp tử vong (An Giang 3 trường hợp, TPHCM, Đồng Tháp, Cần Thơ, Đồng Nai, Vĩnh Long, mới nhất là Đà Nẵng, mỗi nơi 1 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2011, số mắc TCM tăng 7,3 lần.
Đáng chú ý, khu vực các tỉnh thành phía Nam vẫn là nơi tập trung nhiều nhất số người mắc với trên 3.860 ca, trong khi đó tại phía Bắc chỉ ghi nhận gần 1.600 ca mắc mới.
Đáng lo ngại hơn, qua giám sát dịch tễ và xét nghiệm cho thấy, các trường hợp tử vong do TCM từ đầu năm 2012 đến nay đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus EV71 (100%), virus nguy hiểm nhất, tử vong cao nhất. Cục Y tế dự phòng nhận định, năm 2012 bệnh TCM vẫn có những diễn biến phức tạp trên diện rộng, tỷ lệ mắc trong dân số cao, nhất là vào giai đoạn tháng 9 và tháng 11.
Lý giải cho tình hình dịch bệnh TCM đã tăng nhanh ngay những tháng đầu năm, TS Trần Thanh Dương cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh TCM trên thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cao tại nhiều nước. Bên cạnh đó, bệnh TCM do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, nhưng lại không có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu và các biện pháp phòng chống dịch chưa hiệu quả. Hơn nữa, nhiều tuýp virus gây bệnh, tỷ lệ virus EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn và chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng.
Đặc biệt, người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, trong khi đó ý thức của nhiều người dân, cộng đồng, cũng như chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa thực sự quan tâm phòng chống đúng mức tới dịch bệnh này.
Ngày 20-2, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng) cho biết, tính đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có 61 trường hợp mắc bệnh TCM (1 ca tử vong là bệnh nhi Nguyễn Anh Khoa, Báo SGGP đã thông tin). Trường mầm non, nơi bệnh nhi Khoa (ở Hòa Xuân, Cẩm Lệ) học cũng đã được đóng cửa để làm công tác vệ sinh, khoanh vùng dập dịch.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, dịch TCM bùng phát mạnh ở một số địa phương như quận Hải Châu (21 ca), Thanh Khê (10 ca), Liên Chiểu (10 ca)… Trung tâm Y tế dự phòng đã nhanh chóng tiếp cận phun hóa chất tại 71 điểm dịch nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của bệnh. Theo bác sĩ Lãm, ngoài dịch TCM, hiện trên địa bàn thành phố còn xuất hiện một số bệnh dịch như sốt xuất huyết (19 ca), thủy đậu (26 ca).