Chỉ cần vào Google gõ chữ “tìm việc” thì có trên 26.600.000 kết quả trong vòng 0,21 giây; còn gõ chữ “tìm việc làm” thì càng nhiều hơn với trên 74.300.000 kết quả trong 0,22 giây. Công việc cũng vô cùng phong phú, đa dạng từ trình độ thấp đến trình độ cao; từ nhân viên bán hàng, sản xuất cho đến kỹ sư, giám đốc… Đáng nói là bên cạnh những trang mạng có tư cách pháp nhân, uy tín thì cũng có không ít trang lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tìm việc.
Mù mờ thông tin
Được bạn bè “mách nước”, Võ Đình Chương vừa tốt nghiệp chuyên ngành vật liệu xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP. HCM chuẩn bị hồ sơ tìm việc rồi lên mạng. Sau khi suy nghĩ kỹ, Chương quyết định nộp hồ sơ vào một công ty nước ngoài ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình - TP. HCM. Vượt qua 5 vòng sát hạch gắt gao về chuyên môn, ngoại ngữ, khả năng xử lý tình huống, Chương rất mừng vì mình đã tìm được một công ty chuyên nghiệp để đầu quân. Nhưng sự phấn chấn ấy tồn tại không lâu vì ngay sau đó Chương nhận được thông báo “thử việc 6 tháng với mức lương hơn 3 triệu đồng”. “Khi đăng thông tin tuyển dụng, công ty không hề nói thử việc 6 tháng, còn mức lương là hơn 5 triệu đồng. Gần 3 tháng ròng rã đi phỏng vấn, vừa mất thời gian vừa bị lừa” - Chương ấm ức.
Tìm việc qua mạng có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm rủi ro (Ảnh: Trường Hoàng)
Còn bạn Nguyễn Thị Thanh Bình, tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, nộp hồ sơ dự tuyển nhân viên văn phòng một công ty mỹ phẩm ở quận Thủ Đức - TP. HCM. Bình kể: “Không cần xem qua hồ sơ, công ty bảo tôi tham gia một nhóm bán hàng và “lôi kéo” càng nhiều người tham gia càng tốt. Ngoài ra, công ty còn bảo đóng 500.000 đồng để tham gia khóa đào tạo bán hàng. Tôi thấy giống bán hàng đa cấp quá nên viện lý do không mang đủ tiền rồi đi luôn”.
Mất tiền, không được việc
Tình cờ đọc một mẫu tuyển dụng “tuyển gấp nhân viên online, báo giá, trả lời thư, chăm sóc khách hàng, thời gian linh hoạt” của một công ty bán vé máy bay ở đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp - TP. HCM trên trang timviecnhanh.com, chị Uyên Khanh liền xin vào làm. Công ty gửi cho chị một bản tuyển dụng và hợp đồng lao động nhưng muốn ký hợp đồng phải đặt cọc 500.000 đồng và sau 6 tháng làm việc đạt hiệu quả công ty mới hoàn tiền lại. “Công ty quy định mỗi tháng phải bán được 30 vé với giá vé cao hơn 10 USD so với giá thị trường. Trong khi các nơi khác ngoài việc giảm giá còn khuyến mãi thêm cho khách hàng, còn mình bán mắc hơn thì làm sao mà bán cho đủ chỉ tiêu? Tôi biết mình sập bẫy công ty, đành phải hủy hợp đồng, chấp nhận mất tiền”.
Cùng cảnh ngộ với chị Uyên Khanh là bạn Trần Thị Anh vừa tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM. Sau một thời gian tìm hiểu, Anh quyết định nộp hồ sơ vào một công ty ở quận Tân Phú - TP. HCM. Ngày đến công ty phỏng vấn, cô mới biết đó chỉ là công ty môi giới. Vì đang cần việc nên Anh đóng cho công ty 200.000 đồng để có giấy giới thiệu đến một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận - TP. HCM. “Công ty môi giới bảo nộp hồ sơ là có việc liền nhưng tôi chờ cả tháng trời không thấy ai gọi nên nản quá bỏ luôn” - Anh kể.
Theo các chuyên gia nhân sự, ngoài việc mất tiền, việc gửi hồ sơ và lý lịch trích ngang tới những địa chỉ mạng hoặc tổ chức tuyển dụng lừa, người tìm việc có thể bị ăn cắp thông tin cá nhân.
Tìm kênh chính thống Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP. HCM, cho biết tìm việc qua mạng giúp người lao động thuận lợi về thời gian, đi lại nên phương thức ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, thông tin tuyển dụng trên mạng khó kiểm chứng, người tìm việc dễ mắc bẫy. Bà Nguyệt Ánh khuyên: “Để tránh bị lừa, người lao động nên tìm đến các kênh chính thống như trung tâm giới thiệu việc làm của các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ, các phiên giao dịch việc làm định kỳ do ngành lao động địa phương tổ chức”. |