Sáng 1-12, ngày thứ 2 phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Nguyên phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB) và các đồng phạm, hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi các bị cáo. Nhóm tội kinh doanh trái phép được tòa thẩm vấn đầu tiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bị cách ly khi tòa xét hỏi người liên quan và các bị cáo khác.
Khẳng định không kinh doanh trái phép
Bản án sơ thẩm xác định từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2012, Nguyễn Đức Kiên đã lập 6 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới hơn 21.490 tỉ đồng.
Việc phát hành trái phiếu của các công ty do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo để bán cho một số Ngân hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có sự giúp sức tích cực của một số cá nhân thuộc ngân hàng ACB, ngân hàng Vietbank nên đã quyết định khởi tố vụ án hình sự tại ngân hàng ACB và ngân hàng Vietbank.
Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bác bỏ các nhận định của bản án sơ thẩm về hành vi kinh doanh trái phép. Bầu Kiên cho biết đã viết đơn kiến nghị dài 118 trang về nội dung vụ án để gửi TAND tối cao.
Theo ông Kiên, 5 công ty của ông được thành lập đúng quy định và đã được cấp phép. 5 công ty này đã góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp khác. Việc góp vốn là quyết định của tập thể HĐQT.
Sau khi ông Kiên bị bắt, HĐQT bán đã bán cổ phần cho các doanh nghiệp khác để trả nợ và các doanh nghiệp này đã mua lại bình thường.
Ông Kiên cho biết các doanh nghiệp được 5 công ty này góp vốn vẫn đang hoạt động bình thường.
"5 công ty thành lập đúng pháp luật. Tòa sơ thẩm cho rằng 5 công ty thành lập để phát hành trái phiếu, đầu tư chéo là sai. Tôi khẳng định không có bất cứ một khoản đầu tư chéo nào. Tất cả các công ty được tôi thành lập ngay từ đầu, không tạo ra sự mâu thuẫn. Các công ty đang hoạt động tốt, có vốn của các cổ đông, tiền mặt do các cổ đông góp vốn vào, không phải công ty “ma”. Đề nghị tuyên tôi không phạm tội kinh doanh trái phép”- lời bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
“Chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng”
Về hành vi kinh doanh vàng trái phép, bản án sơ thẩm thể hiện Công ty Thiên Nam (do Bầu Kiên thành lập) đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Vietbank về việc Công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB.
Theo thỏa thuận, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ VN.
Thực hiện thỏa thuận trên đây, HĐQT Công ty Thiên Nam đã ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên đặt các lệnh mua bán vàng ở tài khoản nước ngoài.
Từ 30-3-2010, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng trên tài khoản nước ngoài.
Sau khi tất toán vàng trên tài khoản nước ngoài, Công ty Thiên Nam bị lỗ hơn 403 tỉ đồng. Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ kinh doanh trên đây và ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam.
Về việc Công ty Thiên Nam có được phép kinh doanh vàng hay không, Bầu Kiên lập luận rằng Công ty Thiên Nam được phép kinh doanh hàng hóa, vàng là hàng hóa (Theo nghị định 159) và Công ty Thiên Nam được phép kinh doanh vàng.
Trình bày trước tòa, Bầu Kiên cho rằng thời điểm năm 2009, năm 2010, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài được điều chỉnh bởi 3 văn bản là Pháp lệnh ngoại hối, Nghị định 174/1999 của Chính phủ và thông tư 1168 của Ngân hàng nhà nước. Ngoài ra có quyết định 03/2006 của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Kiên khẳng định Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài mà kinh doanh trạng thái giá vàng. Việc kinh doanh trạng thái giá vàng không được quy định trong các văn bản pháp luật nên không bị điều chỉnh bởi các văn bản trên.
Cũng theo ông Kiên, từ khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB, Công ty Thiên Nam chưa thực hiện thanh toán nào, không có vàng, tiền được chuyển giao.
“Chúng tôi đã nỗ lực để việc giao dịch có lãi nhưng vẫn là số âm, chưa tiến tới số 0. Việc kinh doanh với trạng thái âm thì không phù hợp với việc kinh doanh trái phép”- ông Kiên nói.
Ông Kiên khẳng định sau khi ký hợp đồng với ACB, Công ty Thiên Nam ủy quyền cho ông Kiên là người thông báo lệnh, hạn mức giao dịch đến Ngân hàng ACB qua hệ thống điện thoại ghi âm. Lý do vì hệ thống điện thoại ghi âm của ACB không nhận giọng nói của ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam.
“Khi công ty Thiên Nam muốn giao dịch mua bán vàng, ông Trung lập phiếu lệnh gửi cho bị cáo, bị cáo đặt lệnh đến ACB qua hệ thống ghi âm. Sau đó các phiếu lệnh này được gửi đến ACB. Nếu không có các phiếu lệnh khớp thì lệnh đặt bằng điện thoại của tôi không thực hiện được” - ông Kiên khai.
Thiếu quy định
Theo bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB), việc kinh doanh vàng trạng thái giữa công ty Thiên Nam và ACB là sản phẩm tài chính phái sinh của kinh doanh vàng.
Trả lời câu hỏi của tòa “kinh doanh giá vàng và kinh doanh vàng trạng thái có khác không”, bị cáo Hải cho biết nội dung trên chỉ khác nhau tên chứ không khác nhau về bản chất, bản chất là kinh doanh trên biến động của giá vàng.
“Tôi giải thích hơi khiên cưỡng một chút, ở đây không nói về khái niệm hợp pháp hay không hợp pháp. Như lô đề là sản phẩm phái sinh từ xổ số, nhưng không phải là xổ số, không chịu sự quản lý của Nhà nước như xổ số.
Cá độ bóng đá là sản phẩm phái sinh từ bóng đá, nhưng không phải là bóng đá. Nếu kinh doanh giá vàng, khách hàng chỉ quan tâm đến biến động của giá vàng, còn họ không quan tâm giá vàng đó là bao nhiêu”- bị cáo Hải cho biết.
Theo bị cáo Hải, ACB kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Khi ACB giao dịch với công ty Thiên Nam. ACB đặt lệnh mua vàng ở nước ngoài theo đặt hàng của Thiên Nam và khi về VN, ACB được hưởng chênh lệch giá.
“Nếu Thiên Nam muốn mua vàng thì ACB mua, Thiên Nam muốn bán thì chúng tôi bán cho Thiên Nam. Rủi ro ở nước ngoài và với Công ty Thiên Nam là chúng tôi chịu”- lời bị cáo Hải.
Trả lời tòa “Công ty Thiên Nam kinh doanh giá vàng có cần được cấp giấy phép không”, bị cáo Hải đáp: “Thời điểm kí hợp đồng, sản phẩm phái sinh chưa quy định nên không đòi hỏi giấy phép gì đặc biệt”.
“Kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài năm 2009, 2010 được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật nào của Nhà Nước?”, trả lời câu hỏi này của tòa, ông Đặng Văn Thảo, Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài được điều chỉnh theo quyết định 03/2006 và nghị định 174/1999. Ngoài ra không có quy định nào khác.”
Tòa hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần: “Việc ACB và Công ty Thiên Nam có hợp đồng giao dịch trạng thái vàng trên tài khoản nước ngoài, có văn bản nào điều chỉnh”, ông Thảo nói: “Tôi cho đó là hợp đồng dân sự giữa ACB và Thiên Nam, còn về quản lý nhà nước, như tôi đã nói ở phiên sơ thẩm, chỉ có hai văn bản điều chỉnh như đã nêu trên, ngoài ra không có văn bản nào nào khác”
Tòa: “ACB và Thiên Nam có phải tuân thủ quyết định 03 không”? Ông Thảo cho biết: “Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng theo quyết định 03. Việc kinh doanh trạng thái giá vàng chưa có quy định, không có văn bản nào điều chỉnh”.