"Bầu" Kiên được trình bày “khiếu nại bổ sung”
Ngày thứ hai xét xử phúc thẩm vụ “bầu” Kiên, chủ tọa phiên tòa hỏi tình hình sức khỏe của bị án Trần Ngọc Thanh (cựu Giám đốc Cty ACBI, bị tòa sơ thẩm tuyên 5 năm 6 tháng tù). Ở ngày khai mạc, ông Thanh đột ngột ngất tại chỗ, phải cấp cứu, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Giống ngày khai tòa, "bầu" Kiên vẫn “diện” sơ mi trắng cáu cạnh, luôn tranh thủ mọi thời gian nghiên cứu tài liệu ngay trước vành móng ngựa. Sau khi phổ biến quyền và nghĩa vụ cho người có quyền lợi liên quan (vắng mặt hôm 28/11), chủ tọa phiên tòa cho cách ly bị cáo Kiên khi xét hỏi các bị cáo khác.
Sau khi thẩm vấn đại diện Cty Thiên Nam (doanh nghiệp đã ủy quyền cho “bầu” Kiên thực hiện giao dịch trạng thái vàng) và bị cáo Lý Xuân Hải (cựu Tổng Giám đốc ACB - nhân vật số 2 trong vụ án), HĐXX cho gọi bị cáo Kiên vào phòng xử. Chủ tọa phiên tòa lần lượt hỏi bị cáo về 4 tội danh đã bị tuyên phạt trước đó. “Bầu” Kiên xin đọc nguyên văn đơn kháng cáo tại tòa, chủ tọa không chấp nhận: “Đơn đó dài 118 trang, hơn nữa, các thành viên HĐXX đã đọc kỹ, nên không cần thiết. Bị cáo có thể trình bày ở phần tranh luận”.
“Bầu” Kiên quay sang xin đọc đơn khiếu nại bổ sung: “Do tôi viết đơn ở trong trại, có thể có những sai sót, tôi xin được bổ sung lá đơn nói trên” - ông Kiên khẩn khoản. Đề xuất này được HĐXX chấp thuận. Qua đơn bổ sung, ông Kiên tái khẳng định, 5 Cty của mình được thành lập theo đúng luật định. “Quyết định mua cổ phần là ý chí của tập thể, không phải cá nhân tôi” - ông Kiên khẳng định.
“Trong nội dung phần Nhận thấy, tòa sơ thẩm đã không nhận thấy như sau: Các Cty được cấp phép đúng pháp luật và tính đến nay, các Cty này vẫn hoạt động bình thường. Chưa có bất cứ quyết định nào khác từ phía cơ quan chức năng” - lá đơn có đoạn.
“Tôi tin tôi đã làm đúng tại các Cty”. Vị chủ tọa phiên tòa ngắt lời bị cáo: “Bị cáo dừng lại, phần Nhận thấy là tóm tắt nội dung cáo trạng. Phần Xét thấy mới thuộc tòa cấp sơ thẩm. Bị cáo lưu ý”. Bị cáo Kiên đáp lại: “Kính thưa HĐXX, bản án 30 năm đối với người không phạm tội là rất dài. Đề nghị HĐXX cho tôi được trình bày”.
“Luật im lặng” được sử dụng triệt để…
Trong phần thẩm vấn buổi chiều, nhiều luật sư tỏ ý bất bình khi các câu hỏi hướng về phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều bị họ sử dụng “luật im lặng” để tránh trả lời. Không chỉ luật sư, phía HĐXX cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi những đại diện các tổ chức này hứa sẽ trả lời “bằng văn bản” thay cho trả lời trực tiếp tại tòa.
Chẳng hạn trường hợp vị chủ tọa phiên tòa gọi hỏi đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đại diện cơ quan này lập tức xin hẹn “báo cáo bằng văn bản” tới tòa. Một thành viên HĐXX lên tiếng: “Phải gửi trả lời trong quá trình xét xử, chứ hết phiên tòa còn gửi làm gì”. Đến lúc này, vị đại diện Ủy ban chứng khoán mới nói thêm: “Dạ, trong ngày mai chúng tôi sẽ gửi văn bản tới tòa”.
Tương tự, khá nhiều câu hỏi từ phía luật sư liên quan đến Ủy ban chứng khoán, đều bị vị đại diện sử dụng “luật im lặng” để phúc đáp. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Kiên) khiếu nại tới HĐXX: “Rất nhiều câu hỏi của chúng tôi đặt ra với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ bản chất khách quan của vụ án, nhưng họ đều từ chối trả lời. Đề nghị HĐXX yêu cầu họ nếu không trả lời thì giải thích vì sao không trả lời”.
Một thành viên HĐXX nhắc: “Bị cáo bình tĩnh khi trình bày”. “Dạ, tôi bị huyết áp, tim mạch rất nặng, nên tôi sẽ phải giữ bình tĩnh, thưa HĐXX” - ông Kiên đáp, sau đó tiếp tục trình bày: “Tòa sơ thẩm đã sửa Luật Doanh nghiệp một cách bất hợp pháp, vi hiến, nhận thức sai về pháp luật” – ông Kiên nhận định về bản án sơ thẩm và cho rằng HĐXX sơ thẩm đã đưa ra một số khái niệm trong kinh doanh chưa từng được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật.