Sau đây là những nhận định khác nhau về thị trường BĐS năm Nhâm Thìn của các chuyên gia trong những ngày đầu xuân năm mới này mà Laodong.com.vn đã tổng hợp lại.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng:
Mặc dù năm 2011, Chính phủ đã đưa ra những mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội song khó khăn còn chưa hết. Vì vậy kinh tế năm 2012, Chính phủ cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng cao - kiềm chế lạm phát nhưng tăng trưởng hợp lý và điều này sẽ tác động ngay đến thị trường BĐS năm 2012. Hiện nay chúng ta đang khó khăn thì năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc trung tâm Lý học Phương Đông:
Theo ông Tuấn Anh, năm 2012 nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái ở cấp quốc gia, nối tiếp của sự tiếp tục suy thoái kinh tế thế giới năm 2011 nhưng ở mức độ trầm trọng hơn, sẽ có nhiều doanh nghiệp bậc trung và thấp phá sản.
Hệ quả của nó là kéo theo số người thất nghiệp đông đảo. Những ngành nghề mang tính truyền thống như: Sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử dân dụng, xây dựng, bất động sản, du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và đình trệ.
BĐS năm Thìn có thể khởi sắc?
BĐS trên toàn thế giới đều bị tình trạng khủng hoảng thừa, ở một số nước là sự bùng nổ của bong bóng BĐS, hậu quả của nó dẫn tới sự đổ vỡ của các ngành liên quan như: ngân hàng, vật liệu xây dựng. Nhiều quốc gia xuất hiện sự lạm phát trầm trọng và tất nhiên đẩy giá cả tăng vọt và làm khủng hoảng thêm trầm trọng vì mất cân đối giữa các khu vực kinh tế và an sinh xã hội.
Do đó, 2012 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với lĩnh vực BĐS và xây dựng. Trong đó, nguy cơ về cuộc khủng hoảng thừa và vỡ bong bóng dẫn tới sự đổ vỡ liên ngành có khả năng xảy ra trên diện rộng.
2012 tiếp tục là một năm khó khăn về nguồn vốn đối với các DN. Về kinh tế vỹ mô, dự báo của ADB, tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến là 6% và chỉ số tiêu dùng CPI được kiểm soát khoảng 10% cho năm 2012. Các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn vốn và tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các đối tác khu vực Châu Á đặc biệt Đông Nam Á. Dự báo hết 2011 tăng trưởng tín dụng là 12% và M2 là 10%. Như vậy chúng ta có cơ sở để tin tưởng lạm phát sẽ kiểm soát tốt trong 2012 và mức tăng trưởng tín dụng có thể lại được tăng vào 2012.
Một yếu tố quan trọng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng đó là kiều hối dự báo cho toàn 2011 rất tích cực, khoảng 9 tỷ USD cho cả năm. Trong đó có 1 lượng lớn luôn dành cho thị trường BĐS. Với đà tăng trưởng này, dự báo năm 2012, kiều hối vẫn là một nguồn bổ sung tích cực cho thị trường BĐS Việt Nam. Với chủ trương tại chỉ thị 2196/CT-TTg liên quan đến thị trường BĐS và trong đó đặc biệt NHNN sẽ thực hiện việc nới lỏng tín dụng cho thị trường BĐS một cách phù hợp, đồng thời các cơ hội trong 2012 như phân tích trên được thực hiện, thì chúng ta có cơ sở tin tưởng, vào quý 4.2012, thị trường BĐS có thể sẽ ấm lên và khởi sắc.
Cuối năm 2011, lượng kiều hối chuyển về vẫn ở mức như hàng năm, cam kết vốn ODA của quốc tế đối với Việt Nam gần như không thay đổi, Chính phủ cũng đã đưa ra những nghị quyết mạnh mẽ, đặc biệt nhìn thẳng vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, 3 điểm nhấn chính: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại và cải tổ lại cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Khi chúng ta đã nhìn nhận tất cả những bất cập của nền kinh tế và đã có những chiến lược, giải pháp tôi nghĩ rằng sẽ tạo tiền lệ tốt cho năm tới cũng như tạo niềm tin cho những nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, khi nhà đầu tư có niềm tin thì họ sẽ tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực BĐS.
Tất cả sự cộng hưởng của những yếu tố này sẽ tạo ra được bức tranh sáng sủa, nhất là những tháng cuối năm 2012.