Bảo tàng nghìn tỉ và chuyện “tính cua trong lỗ”

Đề án Bảo tàng Khoa học Đồng Nai được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Đồng Nai đề xuất từ cách đây 5 năm và đã được UBND tỉnh này phê duyệt.

Đồng Nai đã lập dự án xây dựng một bảo tàng có vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD tức là khoảng 1.400 tỉ đồng, dự tính được xây dựng tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ. Hiện tỉnh này đang chuẩn bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Được biết đề án Bảo tàng Khoa học Đồng Nai được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Đồng Nai đề xuất từ cách đây 5 năm và đã được UBND tỉnh này phê duyệt chấp thuận chủ trương. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 25 ha...

Mới đây, Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo tại Hà Nội về công trình này. Dự kiến sẽ động thổ vào năm 2015 và khánh thành vào năm 2018.

Điều khôi hài là mô hình Bảo tàng Khoa học Đồng Nai lại mô phỏng theo các bảo tàng ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Do có tin, Thái Lan xây bảo tàng khoa học hết 50 triệu USD nên Đồng Nai mới “quy ra thóc” là 70 triệu bởi có công nghệ tiên tiến hơn. Tiến thêm một bước, Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai tính rằng mỗi năm bảo tàng khoa học của Nhật Bản đón 1,5 triệu khách, Hàn Quốc đón 2 triệu, Thượng Hải (Trung Quốc) đón đến 3 triệu khách... Như vậy, về mặt kinh tế, lãnh đạo Sở này cho rằng, nếu bán vé như khu du lịch Suối Tiên ở TP Hồ Chí Minh, bảo tàng KH ĐN cũng có thể thu về hơn 40 tỉ đồng/năm.

Giời ạ, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một bảo tàng được xếp hạng sau 15 năm hoạt động cũng chỉ thu hút được trên 3 triệu lượt khách, vậy Sở KH -CN Đồng Nai tính kiểu đếm cua trong lỗ thế nào để có 40 tỉ doanh thu một năm? Mà cứ cho là đạt 10 tỉ lãi ròng trong 1 năm thì cũng phải 140 năm nữa mới hoàn vốn!

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai cho biết giới khoa học không có nhiều người phản đối công trình này, chỉ một số người dân chưa tiếp cận mô hình thực tế, chưa hiểu nên… dị ứng với vấn đề bảo tàng, mới có ý kiến trái chiều (?!). Ông giám đốc còn nhấn mạnh rằng việc so sánh nguồn vốn đầu tư cho bảo tàng với sự nghèo đói, thiếu phương tiện học tập của trẻ em nghèo vùng quê là khập khiễng.

Tuy nhiên, giải thích từ đại diện Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai không thể làm vơi bớt nỗi lo và sự hoài nghi của dư luận về số vốn khổng lồ bỏ ra cũng như chất lượng và hiệu quả của công trình này, nhất là trong thực trạng “lạm phát bảo tàng” trong cả nước thời gian qua.

Các chuyên gia cho rằng chúng ta hiện đã dư thừa vì lạm phát quá nhiều bảo tàng trùm mền nên việc xây dựng thêm bảo tàng mới nên cân nhắc kỹ càng, dù là mục tiêu lâu dài và cần có ý kiến đánh giá nhiều chiều của các bộ ngành và các chuyên gia chứ không thể vội vàng. Trong thời gian này, ngân sách nhà nước nên dành cho những công việc cấp thiết phục vụ đời sống nhân dân. Đừng tính cua trong lỗ và hoa mắt vì bảo tàng ở những nước phát triển hơn ta cả chục lần!