Dưới đây là nội dung chính của bài viết:
Đinh Thị Hồng Loan nắm lấy bàn tay của người bạn gái tên Nguyễn Thị Chi, và cả hai nhìn vào mắt nhau bằng cái nhìn đầy tình tứ. Họ mỉm cười và nói về đám cưới sắp tới của mình, về cách họ sẽ trao nhẫn cho nhau như thế nào và sự khởi đầu của một cuộc sống mới bên nhau.
Từ trước đến nay, kết hôn đồng tính nữ tại Việt Nam chưa được chính thức công nhận, nhưng điều đó có thể sớm thay đổi. Chính phủ Việt Nam đang xem xét liệu có nên hợp thức hóa các việc đăng ký các cuộc hôn nhân đồng tính như vậy không. Nếu điều này được thông qua, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
"Tình yêu của chúng tôi dành cho nhau là có thực và không gì có thể thay đổi nó, bất kể việc quy định của pháp luật được thông qua hay không. Nhưng nếu được thông qua, chúng tôi chắc chắn sẽ đăng ký, tôi không thể chờ đợi thêm nữa", Loan, người phụ nữ 31 tuổi nói.
Các nhà hoạt động quốc tế có thâm niên về quyền của người đồng tính đã không giấu nổi sự ngạc nhiên trước đề nghị của Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc sửa đổi luật hôn nhân, quy định về các cặp vợ chồng đồng tính.
Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính cho rằng, nếu được thông qua, những quy định mới ở Việt Nam sẽ là một chiến thắng trong khu vực châu Á, nơi mà ở nhiều quốc gia hôn nhân đồng tính có thể dẫn đến án tù.
Vien Tanjung, nhà hoạt động người Indonesia cho biết: "Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đang ngạc nhiên. Ngay cả nếu không thành công, câu chuyện này cũng đã làm nên một dấu mốc lịch sử. Cá nhân tôi tin rằng nó sẽ được chính quyền Việt Nam thông qua".
Dường như Việt Nam đã trở thành một lá cờ đầu cho công cuộc bảo vệ quyền lợi của người đồng tính. Chỉ ít nay trước đây, đồng tính luyến ái vẫn được dán nhãn như là một "tệ nạn xã hội" cùng với nghiện ma túy và mại dâm ở quốc gia này.
Trong thực tế, cộng đồng người đồng tính Việt Nam đã tồn tại và hoạt động âm thầm trong nhiều năm. Đây là một chủ đề nhạy cảm, thậm chí là cấm kỵ mà nhiều người không muốn đề cập tới.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi. Phương tiện truyền thông nhà nước của Việt Nam, đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề người đồng tính. Họ đã đăng tải những bài báo dài kỳ, thực hiện các chương trình truyền hình, bao gồm cả một chương trình trực tiếp đặc biệt đã giành giải thưởng cao nhất trong một cuộc thi.
Video đám cưới đồng tính Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên mạng năm 2010 đã lan truyền như một làn sóng. Một vài đám cưới khác đã được ghi nhận sau đó, bắt đầu thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng.
Hình ảnh đám cưới đồng tính nữ gây xôn xao
Bộ Tư pháp Việt Nam nói rằng một khuôn khổ pháp lý là cần thiết bởi hiện tại tòa án không biết làm thế nào để xử lý tranh chấp giữa các cặp vợ chồng đồng tính chung sống với nhau. Các luật mới có thể sẽ quy định về quyền sở hữu tài sản, thừa kế và nhận nuôi trẻ em.
Trên toàn cầu, 11 quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính kể từ khi Hà Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên làm như vậy vào năm 2001. Thậm chí, ngay cả nước Mỹ hiện giờ cũng chỉ có một vài tiểu bang cho phép hôn nhân đồng tính.
Nhưng vấn đề trầm trọng nhất vẫn nằm trên ở châu Á. Tại Thái Lan, nhiều khách du lịch nhìn thấy sự hiện diện của một cộng đồng đồng tính và người chuyển giới sôi động, nhưng điều này tồn tại chủ yếu như một phần của ngành công nghiệp tình dục sinh lợi của đất nước. Về cơ bản Thái Lan vẫn là một xã hội bảo thủ.
Các quốc gia như Indonesia và Malaysia có các đạo luật nghiêm khắc chống lại đồng tính luyến ái. Những người vi phạm có thể chịu đến 20 năm tù giam và quản thúc tại Malaysia.
Tại Singapore, một quốc gia hiện đại, nơi cuộc sống mang hơi hướng phương Tây nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực, quan hệ tình dục đồng tính được coi là một điều bất hợp pháp.
Tại Đài Loan, một dự luật đưa ra năm 2003 nhằm công nhận hôn nhân đồng tính đã không nhận được đủ sự ủng hộ từ các chính khách để được thông quy, mặc dù một số đám cưới của người đồng tính nữ được đã được ghi nhận.
Tại Việt Nam, đề nghị công nhận hôn nhân đồng giới và các vấn đề liên quan sẽ phải vượt qua nhiều rào cản trước khi nó có thể trở quy định thành pháp luật. Bộ Tư pháp sẽ xem xét ý kiến từ công chúng cùng với các cơ quan chính phủ trước khi đệ trình dự thảo luật lên Quốc hội vào tháng 5/2013. Để được phê chuẩn, nó phải nhận được sự chấp thuận của đa số đại biểu quốc hội.
Một nhà nghiên cứu ở Việt Nam nhận xét: “Việc Việt Nam có thể hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ là tấm gương cho nhiều quốc gia khác noi theo. Đây sẽ là một bước tiến lớn. Tôi hy vọng nó sẽ dẫn đến sự cởi mở, khoan dung cho người đồng tính nam và đồng tính nữ tại Việt Nam".
Cặp đôi đồng tính nữ Đinh Thị Hồng Loan và Nguyễn Thị Chi, hiện sống trong căn hộ trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội cho biết, họ hy vọng sự kỳ thị mà những người xung quanh dành cho các cặp đôi đồng giới sẽ giảm bớt.
Chi, cô gái 20 tuổi chia sẻ, cô rất thấu hiểu nỗi đau của người đồng tính khi chịu sự phân biệt đối xử từ mọi người. Mới đây cô đã bỏ học sau khi một ai đó ác ý dán vào cửa lớp cô mảnh giấy nói cô là “bệnh hoạn”. Cô đã bị trêu trọc và bắt nạt trong khuôn viên nhà trường trong suốt một năm.
Chi nói: “Có nhiều điều cần phải thay đổi. Mặc dù đã phải trải qua nhiều kinh nghiệm không mấy tốt đẹp, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người quan tâm đến cộng đồng đồng giới và hiểu biết thêm về nó. Dần dần, mọi người sẽ thay đổi cái nhìn về vấn đề này”.