Và cơn bão giá đã đổ bộ thực sự ngay ngày đầu tháng 3, với hơn 30 mặt hàng hóa mỹ phẩm, cùng một số loại sữa của các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty liên doanh cùng áp dụng mức tăng mới, lên 5-10%.
Giá liên tục tăng cao khiến đồng lương của người lao động ngày càng khốn đốn. Ảnh: Như Ý.
Nhưng, nỗi khổ lớn nhất lúc này có lẽ là gas. Có thể nói, mặt hàng thiết yếu này đã mở đầu cho làn sóng tăng giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay, và cũng là mặt hàng có mức tăng vượt sức chịu đựng của người tiêu dùng. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, giá gas đã có 4 lần tăng, mà mức tăng lần nào cũng khủng, tổng cộng mỗi bình gas 12kg từ đầu tháng 1 đến nay đã cộng thêm 126.000 đồng, lên gần chạm ngưỡng 500.000 đồng; đây là mức giá tăng cao nhất của gas tại thị trường Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, chỉ duy nhất có 1 lần giảm nhỏ giọt 10.000 -12.000 đồng/bình để trấn an nỗi bức xúc khi người tiêu dùng đang giữa dòng chới với.
Gần như đã thành lệ, tháng 3 trở thành tháng truyền thống của việc tăng giá. Bằng chứng là 2 năm liền 2010, 2011, tập đoàn điện lực Việt Nam tăng giá điện ngay đầu tháng. Và điện tăng giá đã kéo theo hàng loạt mặt hàng loạt mặt hàng khác nhảy giá theo. Năm nay, dù “mở hàng’ là gas, nhưng từ năm 2012, EVN đã đề nghị tăng giá điện, với lí do không thể tiếp tục bán điện dưới giá thành sản xuất. Cùng với đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị tăng giá xăng 1.000- 1.500 đồng/lít từ ngày 21/2, vì cho rằng giá cơ sở hiện vẫn cao so với giá bán lẻ hiện hành. Và than cũng đang đòi, đang hẹn nhau tăng giá. Riêng với thực phẩm, đến thời điểm này đã có thể thấy ngay cơ tăng giá mạnh trong vài ngày tới, khi mà cúm gia cầm, dịch bệnh trên gia súc đang bùng phát, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác như rau củ, thủy hải sản.
Người tiêu dùng đã và đang thực sự loạng choạng trước túi tiền eo hẹp sẽ phải chi tiêu ra sao khi làn sóng tăng giá đang dồn dập. Và nếu điện, xăng không chịu trụ, sẽ cùng tăng giá nữa thì hàng loạt mặt hàng thiết yếu sẽ cùng đội giá mạnh theo. Đó là chưa kể 400 dịch vụ y tế sẽ cùng tăng giá vào tháng 4 tới. Đáng nói là những mức tăng giá này đã có trong “lộ trình” và đã là lộ trình thì hợp lý, để đến hẹn lại tăng.
Nhiều mặt hàng niêm yết giá mới
Từ 1/3, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu đã điều chỉnh giá bán để bù đắp phần tăng của tỷ giá.
Nhóm các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu tăng giá bán 8 – 10%. Nhóm hàng thuỷ sản đông lạnh, phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng dự kiến tăng khoảng 10%. Tương tự, giá sữa Abbott cho trẻ tăng thêm gần 10%, dù sức mua trên thị trường không sôi động.
Đón đầu nhiều mặt hàng tăng giá, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, gà ta nguyên con làm sẵn đã tăng từ 85.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg trong vòng một tuần qua. Những chợ trung tâm đã lên mức 115.000 – 120.000 đồng/kg. Rau, thịt, gạo và các loại cá cũng nhích nhẹ. Thịt heo ba chỉ từ 100.000 – 110.000 đồng/kg, thịt bò 180.000 đồng/kg loại ngon. Các tiểu thương nhận định, chắc chắn trong một vài ngày tới, nhóm hàng lương thực thực phẩm tại chợ sẽ tăng giá lan truyền.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát tháng 2/2012 tăng 1,37% là mức chấp nhận được. Tuy nhiên, tháng 3 mới thực sự đáng lo ngại. Để giải quyết trước mắt, có thể Nhà nước dùng công cụ thuế, giảm mức thuế về 0% với gas và một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Cách làm như TP HCM vận động doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn cam kết chỉ tăng giá tối thiểu 6 tháng 1 lần hoặc lâu hơn cũng có thể áp dụng với các địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tình thế, quan trọng nhất vẫn phải là tổ chức lại hệ thống phân phối minh bạch và bớt khâu trung gian, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm về giá bán.