Nảy sinh rắc rối
Vụ TNGT kinh hoàng tại ngã tư Phố Huế - Trần Xuân Soạn xảy ra ngày 4/9 vừa qua khiến cư dân sinh sống trên địa bàn bàng hoàng. Vào lúc 17h cùng ngày, chiếc ôtô BKS: 30V-1742 di chuyển theo hướng từ phố Trần Nhân Tông sang phố Trần Xuân Soạn. Đến giữa ngã tư chiếc ôtô cuốn một người vào gầm xe và lao lên vỉa hè đâm tung cột sắt biển báo tên phố, đâm tiếp vài xe máy và một số người. Vụ tai nạn đã làm một người tử vong và 5 người bị thương. Ngay sau khi gây ra tai nạn, lái xe đã rời khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân cho người dân và người qua đường đưa đi cấp cứu. Mặc dù tối 4/9, lái xe Nguyễn Tuấn Anh, trú tại quận Hoàn Kiếm đã đến cơ quan công an trình báo, nhận là người điều khiển chiếc xe nói trên, nhưng một số nhân chứng tại hiện trường lại cho rằng, người điều khiển chiếc xe là nữ, không phải nam. Vụ việc hiện vẫn được CQĐT xác minh làm rõ. Nếu như ngay lúc gây TNGT, lái xe không bỏ trốn, mà tham gia đưa nạn nhân đi cấp cứu, trình diện cơ quan chức năng thì đã không rắc rối đến vậy.
Trước đó là vụ TNGT kinh hoàng trên địa bàn xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. 15h ngày 26/5, xe ô tô Fortuner BKS:29A-168.78 di chuyển theo hướng Sơn Tây – Hà Nội đã va chạm với xe máy đi ngược chiều do anh Trần Văn K (SN 1980, ở Cụm 6, Tam Hiệp, Phúc Thọ) điều khiển, phía sau chở chị Trần Thị V (SN 1978, là chị gái anh K) và cháu Nguyễn Đức Tr (SN 2007, là con trai chị V). Hậu quả làm 3 người ngồi trên xe máy tử vong. Ngay sau vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, cả 3 người đàn ông trên chiếc xe ô tô đều lặng lẽ rời khỏi hiện trường, không thông báo cho lực lượng chức năng. Đêm 26/5, lực lượng chức năng mới tiếp cận được người trực tiếp điều khiển chiếc xe gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, đồng thời tiến hành đo nồng độ cồn.
Luật “đá” nhau
Mặc dù hành vi gây TNGT nghiêm trọng rồi bỏ trốn đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự tại chương XIX, điều 202, khoản 2, điểm C: “Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”, sẽ bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, tại NĐ 71 (Bộ GTVT chủ trì soạn thảo) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định rõ “người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn” sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại Luật Giao thông đường bộ 2008 (Bộ GTVT Chủ trì soạn thảo) lại cho phép lái xe gây tai nạn có thể tạm lánh khỏi hiện trường. Cụ thể, tại Chương II, điều 38, khoản 1, điểm b quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT. Theo đó, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm “Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất”. “Vin” vào quy định này, ngày càng phổ biến tình trạng lái xe gây TNGT nghiêm trọng, không tham gia cấp cứu, không đến trình báo với cơ quan chức năng mà bỏ trốn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Luật Giao thông đường bộ kiến nghị, nên xem xét lại quy định người gây TNGT nghiêm trọng được tạm lánh khỏi hiện trường. Ngoài ra, Luật GTĐB quy định về câu chữ còn chưa được chặt chẽ: “Phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất. Vậy từ “ngay” ở đây được hiểu là sau thời gian bao lâu?.
Về bất cập này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, các văn bản luật “đá” nhau mới dẫn đến tình trạng gây TNGT rồi bỏ trốn. Hơn nữa, việc thực hiện đo nồng độ cồn nếu để sau 8 giờ đồng hồ thì kết quả không chính xác.