Vào khoảng 20h ngày 25/11, một nhân viên vệ sinh hoảng hốt khi phát hiện một xác trẻ sơ sinh bọc trong túi nilon bị vứt dưới gốc cây, cạnh thùng rác trên vỉa hè trước số nhà 115 phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội).
Nhân viên vệ sinh trên đã ngay lập tức hô hoán cho mọi người biết và báo cho chính quyền sở tại.
Bên trong túi nilon là một bé gái khoảng 7 ngày tuổi đã ngừng thở. Nhiều người dự đoán bé gái này tử vong do bị đẻ non hoặc do người mẹ uống thuốc xổ thai.
Người dân xung quanh đã lập bát nhang, thắp hương cho bé gái xấu số ngay trên vỉa hè. Sự việc đã thu hút nhiều người dân hiếu kì tập trung, làm ùn tắc một góc phố.
Người dân lập bát hương cho cháu bé xấu số ngay trên vỉa hè.
Nhiều người hiếu kì tụ tập theo dõi sự việc khiến một góc phố ùn tắc.
Đến khoảng 22h, công an phường Nam Đồng đã mang xác cháu bé đi làm các thủ tục mai táng theo quy định.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc và truy tìm người nhà của bé gái trên.
Thời gian vừa qua, khá nhiều trường hợp xác trẻ sơ sinh bị vứt trên vỉa hè, trong thùng rác ở Hà Nội được phát hiện. Cũng trên phố Nguyễn Lương Bằng, ngày 9/8/2013, một nhân viên vệ sinh phát hiện xác một bé trai đẻ non, dây rốn còn chưa cắt hết bọc trong túi nilon, đặt trong thùng mì tôm vứt trên vỉa hè.
Những vụ vứt trẻ sơ sinh diễn ra với tần suất dày đặc, lại ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội đã khiến dư luận bàng hoàng và không khỏi phẫn nộ. Hiện tượng này đang gióng lên hồi chuông báo động, rất cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Không hiểu do tâm sinh lý bất ổn định của sản phụ sau khi sinh, những biến cố về tâm lý hay cú sốc về tinh thần nào khiến các bà mẹ nỡ lòng vứt con, nhưng hành động nhẫn tâm đối với chính con đẻ của mình như vậy quả thực không thể chấp nhận được, không lý do nào biện minh nổi.
Theo quy định của pháp luật, hành vi bỏ rơi trẻ sơ sinh là phạm tội giết người. Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: "Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".
Thế nhưng, hầu hết những vụ việc như trên đều không xác định được danh tính người mẹ để từ đó có biện pháp trừng phạt, răn đe theo quy định của pháp luật.