Bài học từ 2 người chết do cưa đầu đạn lấy thuốc nổ đem bán

Vì muốn kiếm thêm chút tiền ông Lê Ta và anh Nguyễn Văn Dũng (TP.Đà Nẵng) đã cưa đầu đạn để lấy thuốc nổ đem bán đã phải trả giá đắt cho hành động liều lĩnh của mình.

Tiếng nổ xé trời

Khoảng 10h ngày 20/9, người dân thôn Trường Định (xã Hòa Liên, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) và khu vực lân cận hoảng hốt khi nghe một tiếng nổ lớn. Sau khi định thần, họ xác định tiếng nổ phát ra từ khu vực rừng trồng keo của tổ 3 nên vội chạy đến.

Trước mắt mọi người, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra. Một vạt rừng bị đổ nát, đất bị cày xới tung tóe tạo thành một cái hố sâu, những mảnh thi thể người nằm vương vãi xung quanh đó. Địa điểm xảy ra vụ nổ cách khu dân cư gần nhất khoảng 2 km.

Nhận được tin báo, ngay lập tức cơ quan công an đã có mặt bảo vệ hiện trường, ngăn người hiếu kỳ tụ tập và tiến hành điều tra. Danh tính của 2 nạn nhân được xác định là ông Lê Ta và anh Nguyễn Văn Dũng. Là một trong số những người cuối cùng gặp gỡ nạn nhân trước khi chết, ông Lê Cừ (SN 1968, hàng xóm của ông Ta) kể lại, sáng hôm đó ông và một số người cùng thôn ngồi uống nước tán gẫu với ông Ta và anh Dũng. Đến khoảng 8 giờ thì 2 người này đứng dậy, nói sẽ đi rà phế liệu rồi lên xe máy chạy đi. Sau đó, ai về nhà nấy lo công việc.

Khoảng 2 tiếng sau, mọi người trong thôn nghe tiếng nổ lớn phát ra từ trong núi. Ban đầu ai cũng tưởng đó là tiếng nổ mìn khai thác đá, nhưng chỉ 20 phút sau, nhiều người hoảng loạn chạy về báo tin là ông Ta và anh Dũng đã chết vì cưa đầu đạn. “Nhận được tin, tôi và một số người chạy lên núi thì thấy hiện trường tan hoang, thi thể hai người không còn nguyên vẹn, xung quanh cây cối bị đổ gãy, cái đầu đạn bị cưa ra nằm lăn lóc...”, ông Cừ bàng hoàng kể lại.

Tìm hiểu qua một số người dân trong thôn được biết, trước đó vài ngày, ông Ta và anh Dũng đã rà tìm được một số đầu đạn. Thay vì báo cáo cơ quan chức năng đến xử lý, hai người đem cất giấu trong rừng. Đến sáng 20/9 ông Ta và anh Dũng đem 1 đầu đạn ra cưa thì xảy ra sự việc.

Nỗi đau của hai gia đình

Trong nỗi đau tột cùng, bà Nguyễn Thị Xinh (SN 1974, vợ của ông Ta) nghẹn ngào kể, mới sáng nay, trước khi dắt xe đi rà phế liệu, ông Ta còn dặn dò bà ở nhà sắp xếp cẩn thận mấy buồng chuối để chuẩn bị ra chợ bán kiếm tiền nộp học phí đầu năm cho con. Ai ngờ ông đi khoảng được 3 tiếng đồng hồ thì bà Xinh nhận được cái tin khủng khiếp về chồng mình.

Một người dân thôn Trường Định cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Ta rất khó khăn. Vợ chồng ông có 4 đứa con, đứa lớn nhất 19 tuổi, 3 đứa còn lại đang tuổi ăn học. Để có tiền nuôi con, ông từng làm đủ thứ nghề nhưng không nghề nào cho thu nhập ổn định.

Trước đây ông làm nông, lúc rảnh rỗi đi rà phế liệu bán kiếm thêm thu nhập. Gần đây, làm ruộng không lời lãi được bao nhiêu nên ông chuyển hẳn sang công việc rà phế liệu. Thu nhập từ nghề này cũng tạm, có khi đào trúng hầm chôn rác thải thời chiến tranh cũng kiếm được kha khá. Nhưng cũng có khi đi cả ngày chỉ đào được vài lon bơ gỉ. Do sức khỏe kém nên bà Xinh chỉ làm được việc nhẹ.

Hàng ngày bà đi quanh xã mua chuối mang ra chợ xã bán. Do chợ nhỏ ở quê nên người mua cũng không nhiều lắm, vì thế thu nhập từ quầy buôn chuối của bà Xinh cũng không ổn định. Biết nghề rà phế liệu có thể gặp nhiều rủi ro nên hàng ngày, trước khi ông Ta đi làm, bà Xinh luôn nhắc ông phải cẩn thận. Nào ngờ nỗi lo của bà đã thành sự thật, ông Ta đã thiệt mạng vì cái nghề nguy hiểm đó. Không biết rồi đây, bà Xinh xoay xở thế nào để lo cuộc sống cho cả nhà.

Tại nhà nạn nhân Dũng cũng là một bầu không khí tang thương,chị Lê Thị Hoa (SN 1980, vợ anh Dũng) ôm con khóc vật vã trước cái chết thê thảm của chồng. Được biết,

Vợ chồng anh Dũng có 3 đứa con, đứa lớn nhất mới 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi. Trước đây anh Dũng làm nghề khai thác gỗ. Được một thời gian, rừng được nhà nước quản lý chặt, nên làm ăn ngày càng khó. Không muốn trở thành lâm tặc bị truy đuổi, anh Dũng đã bỏ nghề rừng và chuyển sang rà tìm phế liệu. Vợ anh Dũng làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà nhưng công việc thất thường, lương lại thấp nên chị cũng đã nghỉ việc ở nhà chăm con. Cuộc sống cả gia đình, chi phí học hành cho các con đều trông cả vào chiếc máy rà phế liệu của anh Dũng.

Bà Trần Thị Mận (SN 1965, một hàng xóm của anh Dũng) cho biết, hơn 10 năm nay vợ chồng anh Dũng cùng 3 con sống trong một căn nhà ván tồi tàn. Cách đây vài tháng, cha mẹ Dũng có bán được miếng đất nên cho hai vợ chồng một ít tiền để xây nhà. Nhà vừa xây xong, anh Dũng có tâm sự với hàng xóm là từ nay bớt lo lắng mỗi mùa mưa bão đến. Thế nhưng vừa vào ở nhà mới được mấy ngày thì anh Dũng đã gặp nạn.

Bài học đã cũ nhưng vẫn còn giá trị

Nghề rà phế liệu đã có từ rất lâu, với những người nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, không có vốn thì rà phế liệu là sự lựa chọn có phần hợp lý. Sẽ không có gì đáng nói nếu người rà phế liệu không đào được những loại vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến tranh.

Đã có rất nhiều cái chết thương tâm khi cưa, đập những quả bom, đầu đạn để lấy thuốc nổ. Thế nhưng vì kế sinh nhai, vì chủ quan hoặc vì thiếu kiến thức nên nhiều người đã chết thảm, để lại nỗi đau mất mát cho gia đình. Trong trường hợp này, ông Ta và anh Dũng dù đã biết sự nguy hiểm khi cưa đầu đạn nhưng vì món lợi lớn khi bán thuốc nổ nên họ vẫn làm. Một người dân thôn Trường Định cho biết, vào năm 2012, một người trong thôn tên Huỳnh Trung cũng chết vì cưa đầu đạn phát nổ. Bản thân nạn nhân Dũng đã từng chứng kiến cái chết thương tâm của ông Trung nhưng anh có vẻ “không biết sợ”.

Theo một số người dân có mặt tại hiện trường cho biết, gây ra vụ nổ này ngoài 2 nạn nhân đã được xác định, còn một người nữa nhưng chưa rõ danh tính. Sáng hôm đó, nhiều người

nhìn thấy ông Ta và anh Dũng đi cùng 1 người khác trên 2 xe máy với nhiều dụng cụ đào bới, cưa đục đi về phía khu rừng keo. Sau khi xảy ra vụ nổ, tại hiện trường, chỉ có xác của nạn nhân Ta và Dũng, riêng người thứ 3 không có mặt.

Nhiều người phỏng đoán, có thể do được phân công đi lấy nước nên người này đã thoát chết. Khi quay lại và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, anh ta đã hốt hoảng bỏ chạy khỏi hiện trường. Hiện Công an địa phương đang xác minh danh tính người này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, địa bàn xã Hòa Liên và phường Hòa Hiệp Bắc giáp với chân đèo Hải Vân, có nhiều đồi núi và các bãi đất hoang hóa. Khu vực này thời chiến tranh có nhiều kho vũ khí và chiến sự ác liệt. Vì vậy, nơi đây có rất nhiều bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Nhiều năm qua, người dân quanh vùng đua nhau đào bới lấy phế liệu. Phần lớn họ đi rà phế liệu vào những lúc nông nhàn, có người đào phế liệu chuyên nghiệp. Có người khá lên nhờ phế liệu nhưng cũng có người chết không toàn thây vì các phế liệu “dữ”. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo, nghiêm cấm việc rà, phá, tàng trữ, cưa bom mìn để lấy thuốc nổ nhưng vẫn có nhiều người dân bất chấp, dẫn đến những hậu quả đau lòng như trường hợp hai nạn nhân Dũng và Ta vào sáng ngày 20/9 vừa qua.