Bạch tuộc - vị thuốc chống suy nhược

Theo đông y, thịt bạch tuộc, tên thuốc là chương ngư, có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, dưỡng huyết, thông sữa, thu liễm, sinh cơ...

Bạch tuộc còn được gọi là mực trùm. Bên cạnh tác dụng bồi bổ sức khỏe cực tốt cho những người bệnh mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh, các món từ bạch tuộc còn là thức ăn khoái khẩu đối với nhiều người. Thịt bạch tuộc chỉ ngon khi vừa được câu về, phải còn sống hoặc vẫn còn tươi.

Theo đông y, thịt bạch tuộc, tên thuốc là chương ngư, có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, dưỡng huyết, thông sữa, thu liễm, sinh cơ, chữa cơ thể gầy yếu, thần kinh suy nhược, tắc tia sữa...

Cách làm bạch tuộc: Mổ bỏ ruột, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Thịt bạch tuộc được dùng trong thực phẩm để chế biến nhiều món ăn ngon và bổ như mực nang, hải sâm.

Từ bạch tuộc, người ta đã chiết được chất octopamin có tác dụng gây mê, cường giao cảm và một hoạt chất có khả năng trị bệnh rối loạn nhịp tim.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta dùng bạch tuộc dưới dạng thức ăn - vị thuốc khá phổ biến. Dưới đây là vài cách sử dụng bạch tuộc để trị bệnh:

* Chữa cơ thể suy nhược gầy yếu: Dùng thịt bạch tuộc nướng giòn, tán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-10 g, có thể đến 20 g, uống với nước ấm hoặc rượu.

Hoặc thịt bạch tuộc 50-100 g, thái miếng; lạc 60 g ngâm nước cho tróc vỏ ngoài, lấy nhân, giã nát. Cho 2 thứ vào nồi cùng với nước vừa đủ, nấu đến nhừ nhuyễn, thêm gia vị và ít rượu. Ăn cái, uống nước một lần trong ngày.

* Chữa suy nhược cơ thể sau sinh: Thịt bạch tuộc 100 g (thái nhỏ phơi khô), chân giò lợn 1 cái chặt miếng. Cho 2 thứ đổ đủ nước hầm kỹ đến nhừ, ăn vào 2 bữa cơm hằng ngày.

* Chữa thiếu máu, chậm tiêu: Thịt bạch tuộc tươi 100-200 g, rửa sạch thái nhỏ, xào với dầu cho săn cạnh, thêm 1-2 thìa nước gừng và 200 ml nước rồi nấu nhừ; chia làm 2 ăn trong ngày.