"Đại chiến” người điên
Sau khi các bệnh nhân ăn chiều, khoảng 16h30’ ngày 5/10, tại khu A của Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Lê Thị Phương (tên thường gọi Tý, 30 tuổi, ngụ Tổ 11, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang rửa tay chân thì phát hiện chị Hà Thị Thuận (quê Quảng Bình, mới được trung tâm thu gom về gần một tháng) đang đứng cạnh. Phương “nổi cơn”, lấy thau nước sẵn đó hắt lên người Thuận, bay vào chụp tóc đánh Thuận tới tấp. Đau đớn, Thuận thẳng tay xô Phương ngã xuống đất.
Ngay lúc đó bệnh nhân Phan Thị Trang (ngụ xã Phú Đa, huyện Phú Vang) cũng nhảy vào khống chế đè Phương xuống. Bệnh nhân thứ ba là Hồ Thị Bé (quê tỉnh Quảng Trị) cũng kịp thời xuất hiện giúp sức, tát hai cái bạt tai vào mặt của Phương.
Khu A, nơi xảy ra vụ ẩu đả chết người.
Cả 3 người điên người đè đầu, người cưỡi cổ, người giữ chân, thay nhau bóp mũi. Nạn nhân Phương dù cố gắng giãy dụa nhưng cũng đành bất lực, tắt thở. Nhân viên Trung tâm phát hiện sự việc thì đã muộn. Lực lượng pháp y kết luận nạn nhân tử vong là do ngạt thở.
Tiếp xúc với Thuận, nhận thấy bệnh nhân này có vẻ khá ổn định, vừa nói vừa cười: “Con Phương gây em nên tụi em cùng nhau bóp mũi khiến hắn chết mấy bữa ni rồi”. Bệnh nhân Bé thì bị chứng động kinh, có vẻ dữ dằn, luôn miệng xin thuốc hút. “Thủ phạm” thứ 3 là Trang thì quậy phá, cứ cười rú lên rồi bỏ chạy. Cả ba người này đều ở độ tuổi từ 30 - 40.
Ông Phạm Trọng Tín, nhân viên y tế của Trung tâm, thuật lại: “Hôm đó, sau khi giao ca, bảo vệ về nhà, thì nhân viên y tế như tôi kiêm luôn phần trực ngoài giờ. Tôi phát cơm hai khu cho hơn 200 bệnh nhân. Sau khi ăn cơm chiều xong, tôi nghe ở dãy A, nơi ở các bệnh nhân nữ có tiếng la lớn. Tôi ba chân bốn cẳng mở cửa chạy vào thấy Phương đã nằm giữa sân rồi nên sơ cứu, hà hơi thổi ngạt nhưng cô ấy đã tắt thở”.
Bị hại là “đại ca” trại tâm thần
Nạn nhân là con thứ sáu trong gia đình chín anh chị em. Cha Phương là một cán bộ thôn, mẹ làm ruộng. Cả nhà đều bình thường, riêng Phương là người tâm thần. Cô sinh ra khỏe mạnh như những đứa trẻ khác nhưng đến năm sáu tuổi thì bắt đầu “lơ ngơ” và chỉ nói được từng từ một chứ không thể nói thành câu dài.
Dần dần dấu hiệu bệnh tâm thần ngày càng rõ. Hàng ngày Phương đạp xe đi lui đi tới khắp xóm, hút thuốc lá rất nhiều, cứ thấy ai là lại hỏi xin thuốc. Đến năm gần 20 tuổi, khi nổi cơn, chị này hay đánh cha, có thời gian người cha không dám ăn cơm ở trong nhà mà phải ra đình ăn, đợi đến khuya mới dám trở về.
Di ảnh người xấu số bị bóp mũi đến chết
Người cha phân trần: “Dù con bị bệnh như vậy nhưng vẫn có tình cảm với một cậu cũng “ương ương dở dở” trong làng, sợ con mang thai nên chúng tôi nhanh chóng đem con vào lại Trung tâm, được hơn một năm thì xảy ra chuyện buồn này”.
Một nhân viên Trung tâm cho biết: “Phương là cô gái xinh đẹp, da trắng mịn, dù bệnh tâm thần nhưng có lúc vẫn có ý thức, mỗi lần bố mẹ lên thăm lại chia thức ăn cho nhiều bạn trong trại. Em hút thuốc nhiều kinh khủng, mỗi lúc hội từ thiện phát quà, em đều có ý kiến là “chỉ thích thuốc lá thôi””.
Tuy nhiên lúc tỉnh thì ít, lúc lên cơn thì nhiều, nên Phương thuộc dạng bệnh nhân nặng. To con, sức khỏe tốt, Phương như là “đại ca”. Trước khi bị sát hại, nạn nhân từng bị kỷ luật cách li vài ngày vì đánh bạn dã man.
“Phương thường chụp tóc bạn rồi cào cấu, thậm chí có lần em từng cắn đứt núm vú một bệnh nhân khác. Nhóm ba người “đánh hội đồng” cũng từng bị Phương nhiều lần đánh nên họ mới “tức nước vỡ bờ” chống cự”, nhân viên này cho hay.
Ông Hồ Đậu, Phó giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ông Hồ Đậu, Phó giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Trung tâm chỉ có 40 cán bộ nhân viên, công việc khá vất vả. Tuy có cố gắng nhưng có nhiều lúc bệnh nhân làm liều, mình trở tay không kịp. Em Phương từng có tiền sử về bệnh hen suyễn, nên khi bị đè lên người và bóp cổ, bóp mũi thì bị ngạt nên xảy ra chuyện đáng tiếc. Chúng tôi đã làm thủ tục để hỗ trợ gia đình nạn nhân theo quy định của Nhà nước là 10 tháng lương cơ bản, đồng thời cũng sẽ hỗ trợ luôn tiền xe đưa xác em về”.