Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho hay, quan điểm chỉ đạo không để lọt tội phạm nhưng cũng không gây ra tình trạng oan sai, nghiêm cấm bức cung, mớm cung. Những trường hợp sai sẽ bị xử lý nghiêm, xử lý hình sự.
“Tình trạng oan sai đã giảm rõ rệt, nhưng vẫn còn... ”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Quang, nếu để ra oan sai thì thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm.
Về giải pháp để tránh oan sai, Bộ trưởng cho hay vừa qua, Bộ Công an đã có năm nhóm giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện các quy định của pháp luật trong điều tra, bảo đảm cho các bên đều được tham gia vụ án.
“Cơ quan điều tra ngoài việc thu thập chứng cứ buộc tội còn phải có trách nhiệm thu thập chứng cứ gỡ tội”, ông Quang nói.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã xử lý nghiêm những vụ án mà cơ quan điều tra có dấu hiệu bức cung như vụ công an ở huyện Thạch Thất đánh người tạm giữ tử vong vào tháng 6/2012. Trong vụ này, Công an thành phố Hà Nội đã tước danh hiệu công an nhân dân của một số cán bộ liên quan.
Để hạn chế oan sai, người đứng đầu Bộ Công an cho biết thêm, Bộ Công an đang triển khai lắp đặt camera ở phòng hỏi cung. Hiện camera đã lắp đặt ở một số địa bàn trọng điểm, sắp tới sẽ trình Chính phủ xin thêm kinh phí để hoàn thành việc lắp đặt này.
Về câu hỏi nên giao việc quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ cho một cơ quan độc lập, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, hiện nay công việc này được giao cho Tổng cục Thi hành án Dân sự chứ không phải là một cơ quan của Bộ Công an.
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu giải pháp chống oan sai
Trong khi đó, giải trình thêm trước Quốc hội về các vụ án oan sai, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, ngành kiểm sát có cùng quan điểm với ngành tòa án và công an là kiên quyết khắc phục và giảm tối đa oan sai.
Trong đó, về phía Viện KSND, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết đã có các giải pháp như: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tin báo hình sự; kiểm sát hoạt động điều tra, thu thập đầy đủ các chứng cứ gỡ tội và buộc tội; thận trọng - chính xác trong việc ra các quyết định truy tố; thực hiện các biện pháp chống oan sai ngay từ giai đoạn khởi tố… Qua đó, trên thực tế đã hủy nhiều quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và không phê chuẩn các quyết định tố tụng chưa đủ căn cứ pháp luật.
Ngoài ra, “ngành kiểm sát cũng kiểm sát chặt chẽ việc giam giữ, tạm giam nhằm loại trừ các trường hợp bức cung, nhục hình, ép cung”, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói.
Đối với các án oan sai đã xảy ra, theo Viện trưởng thì cần thực hiện kịp thời minh oan cho người bị oan; tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, tìm hung thủ gây án; bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành kiểm sát cho biết, ngành xem xét trách nhiệm và xử lý, kỷ luật cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai; cũng như họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân gây oan sai để kiến nghị ban hành các quy định khắc phục.
“Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng không nằm ngoài hoạt động này. Vụ án đã được Viện họp, xem xét thận trọng và điều tra lại. Mỗi hoạt động đều có quy trình chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật”, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Trước đó, trong sáng nay (21/11), Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cũng khẳng định trước Quốc hội việc chấn chỉnh xử án, tránh oan sai và xử lý nghiêm túc nếu để xảy ra án oan.