Chứng kiến cảnh em trai liên tục quậy phá, anh Đỗ Phùng Vũ (SN 1977) gạt nước mắt “cầu cứu” chính quyền đưa em mình... vào tù.
Nỗi đau ruột thịt
Trong một chuyến công tác ở Quảng Nam, chúng tôi được nghe một câu chuyện lạ từ Công an tỉnh Quảng Nam khi anh trai viết đơn xin công an bắt em mình vào tù. Mới nghe qua những tưởng như “ruột thịt” đã hóa “thâm thù”, nhưng khi tìm về gặp chủ nhân của lá đơn ấy, chúng tôi mới hiểu hết những tấm chân tình cũng là những dòng nước mắt đắng đót của một người anh hết mực lo cho em, mong muốn em mình thoát khỏi khổ sở. Điều đó cũng để tránh cho Nhớ trong cơn mê mù quáng gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Lá đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng của anh Đỗ Phùng Vũ
Theo lời kể của anh Vũ, những hình ảnh một đứa em bất hảo dần dần hiện ra trong tâm trí chúng tôi xen với chút luyến lưu, tình thương anh em. Cùng lớn lên từ vùng quê nghèo, anh Vũ chịu khó lập nghiệp dù cho không được ăn học nhiều. Anh cưới vợ rồi cả hai xin vào làm công nhân ở công ty may mặc với đồng lương ít ỏi. Mọi kỳ vọng của gia đình dồn vào Đỗ Phùng Nhớ, nhưng Nhớ không hiểu được sự khó khăn, vất vả của cha mẹ, anh chị mà chuyên tâm học hành.
Chưa hết cấp 2 thì Nhớ bỏ học rồi đua đòi theo một số thanh niên lêu lổng trong làng. Đã vậy, lợi dụng việc cha mẹ đi làm ăn xa không ai quản lý, Nhớ mặc sức chơi bời. Anh Vũ ngậm ngùi: “Hồi nhỏ, Nhớ được xem là niềm kỳ vọng của cả gia đình. Nó thông minh, nhanh nhẹn. Vậy mà tự nó phá tan đời mình. Mười bảy tuổi nó bắt đầu mắc nghiện, hư hỏng. Gia đình đã làm đủ mọi cách nhưng không thể khiến nó thay đổi”.
Kể từ đó, Nhớ trượt dài trong cơn say cùng “nàng tiên nâu” và nhóm bạn ăn chơi. Để có tiền hút chích, Nhớ xin cha mẹ, nhưng dần ông bà cũng khánh kiệt. Sau những lần đồ đạc lũ lượt khăn gói ra đi là các vụ trộm cắp để Nhớ thỏa mãn cơn thèm thuốc.
Một người bạn làm chung với anh Vũ ở công ty may mặc nhớ lại lần Nhớ đòi giết anh Vũ: “Cách đây chưa lâu, thằng Nhớ vác mã tấu đến tận công ty để đòi chém anh Vũ. Công nhân chúng tôi ai cũng khiếp đảm, may là có bảo vệ ngăn chặn kịp thời. Sau đó, thằng Nhớ gọi điện đe dọa đòi tiền anh Vũ, nếu không sẽ chém chết. Anh em tụi tui mấy năm rồi có dám tới nhà anh Vũ đâu, dù là bạn thân của anh ấy vì rất ngao ngán thằng Nhớ”.
Anh Đỗ Phùng Vũ tâm sự với PV nỗi lòng mình về đứa em trai nghiện ngập
Không đành lòng để em mình như vậy, anh Vũ tìm đủ cách khuyên bảo, thậm chí la mắng. Anh tự mình chạy vạy khắp nơi xin việc cho Nhớ với suy nghĩ là có công ăn việc làm Nhớ sẽ không phá phách nữa. Nhưng rồi anh càng cố gắng bao nhiêu thì Nhớ càng sa đọa bấy nhiêu. Càng ngày Nhớ càng hung hăng, mỗi lần anh Vũ không có tiền cho là Nhớ đập ti-vi, chén bát, bếp gas, bàn ghế... Khi không còn gì để đập nữa thì Nhớ lại lôi chăn màn ra đốt. Trước đây, anh Vũ có một quán nước nhỏ tại nhà nhưng do Nhớ đập phá, khách thưa dần khiến quán phải đóng cửa. Chưa kể rất nhiều lần anh Vũ bị Nhớ dọa đánh, dọa giết.
Gã em trai họ “Hứa”
Tại thôn Khánh Thịnh, nơi Nhớ sinh sống ai cũng mong muốn cho Nhớ sớm làm lại cuộc đời. Nhưng dường như những tình cảm chân thành đó của mọi người không đủ để Nhớ quay về. Có chăng điều duy nhất mà Nhớ làm được trong mấy năm qua đó là: “Con hứa, em hứa, cháu hứa... sẽ cai nghiện, sẽ làm lại cuộc đời”.
Anh Vũ cho hay: “Quá đau buồn vì con cái nên cha mẹ tôi sinh ra đau ốm triền miên, bệnh tật dày vò. Hai cụ vẫn cố gắng làm lụng đợi ngày Nhớ đi cai nghiện về”. Nhưng rồi một biến cố ập đến khiến cha mẹ anh Vũ vĩnh viễn ra đi. Nhớ đi cai nghiện vài ngày thì một trận lở đất xảy ra chôn vùi cha mẹ anh ngay trong đêm tối.
Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ nỗi đau của mình
Những tưởng đây sẽ là nỗi đau để Nhớ khi quay về quê hương phải suy nghĩ lại, nhưng Nhớ vẫn chứng nào tật ấy. Sau vài ngày ân hận, khóc thương cha mẹ, Nhớ lại ngựa quen đường cũ, lần này còn nghiện nặng hơn trước. Chuyện đập phá đòi tiền, trộm cắp một lần nữa lại diễn ra trong nhà Nhớ. Theo nhiều người dân nơi đây thì lúc trước gia đình Nhớ rất được lòng mọi người. Căn nhà xưa kia rộn ràng tiếng cười, bà con chòm xóm lui tới thăm nom giờ lạnh lẽo, hiu hắt.
Chưa hết, trong quãng thời gian nghiện ngập của mình, Nhớ còn quen và nảy sinh tình cảm với chị T.T.C. (SN 1990, trú xã Tam Đàn). Vốn là cô sinh viên nhẹ dạ, chị C. không đủ tỉnh táo để nhận ra “con quỷ” ẩn sau một anh Nhớ khéo miệng, biết chiều lòng con gái. Để rồi khi trót mang cốt nhục của Nhớ với những giấc mơ về một đám cưới nhỏ thì chị C. mới sực tỉnh.
Tìm về nơi quê “vợ” Nhớ, bà Nguyễn Thị Bình (SN 1954, mẹ chị C.) vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi trải qua cú sốc tinh thần trong thời gian qua. Thắp nén hương lên di ảnh cô con gái mình, bà cắn chặt môi: “Lần đó, Nhớ vừa ra trại và đến thăm vợ con nó. Tui thấy mừng mừng nghĩ là nó tu tỉnh rồi. Ai ngờ nó càng đổ đốn hơn xưa”.
Theo lời bà Bình, Nhớ liên tục dọa nạt chị C., xin tiền dù cho lúc ấy đứa con của cả hai đang được bế ẵm trên tay. Hai chiếc xe máy trong nhà là phương tiện sinh nhai của chị C. cũng bị Nhớ lừa lấy hết. Khi cơn nghiện ập đến, Nhớ không hề đoái hoài đến mẹ con chị. Liên tục lần này đến lần khác Nhớ hứa hoàn lương nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Bà Bình kể lại, năm 2012, Nhớ lên đường đi cai nghiện đợt 2 trong sự hy vọng của cả nhà, nhất là cô vợ trẻ. Thế nhưng, cũng như cha mẹ Nhớ, chị C. ra đi mà chưa một lần thấy Nhớ quay đầu. Trong một lần đi làm về khuya, chị bị tai nạn giao thông rồi tử vong khi đứa con mới bập bẹ gọi mẹ. Mọi gánh nặng trong nhà cùng đứa con nhỏ của Nhớ và chị C. đều do bà Bình cáng đáng.
Đáp lại mong mỏi của bà Bình về việc Nhớ cai nghiện thành công rồi về thắp hương cho C. cũng như có trách nhiệm với đứa con của mình thì Nhớ lại dọa đốt nhà, đe dọa giết cả nhà bà Bình khiến bà hoang mang tột độ. Không ít lần Nhớ xách dao đến uy hiếp gia đình bà.
Cũng như mối lo âu của bà Bình, hơn nửa tháng nay, vợ chồng anh Vũ cùng 2 người con nhỏ không dám về nhà, phải tá túc bên nhà ngoại vì sợ Nhớ làm liều: “Chúng tôi lo cho hai đứa con nhỏ và cả nhà cũng bất lực rồi. Chúng tôi sợ con mình ở gần Nhớ vừa nguy hiểm vừa dễ tiêm nhiễm những cái xấu nữa”, anh Vũ tâm sự.