Tháng 5/2007, khi chuẩn bị bước vào trận đấu đầu tiên ở Roland Garros (với Juan Martin del Potro, lúc đó là người trẻ tuổi nhất lọt vào danh sách 100 tay vợt nam hàng đầu thế giới năm 2006 của ATP) ĐKVĐ Rafael Nadal đã tuyên bố muốn được sánh ngang huyền thoại Bjorn Borg. Sau đúng 5 năm, Nadal bây giờ đã ở vị thế ngang với Borg và chuẩn bị vượt qua huyền thoại người Thụy Điển.
Sở dĩ như thế là bởi chúng ta đang đề cập đến hai người lên ngôi nhiều lần nhất ở Pháp mở rộng: 6 chức vô địch. Nhưng trước khi nói đến Nadal và Borg, hãy cùng tìm hiểu tại sao nhắc đến mặt sân màu đỏ, người ta chỉ luôn nói về họ mà không đề cập đến các tay vợt khác. Thực tế, cả Nadal và Borg không phải là những người có nhiều danh hiệu nhất trên sân đất nện. Theo thống kê của ATP, huyền thoại của thập kỷ 70, Guillermo Villas, nắm giữ 46 chiếc cúp và Thomas Muster, một huyền thoại khác trong những năm 80-90, sở hữu 40 danh hiệu mới là những người vô địch nhiều nhất trên mặt sân đất nện.
Villas, người có nhiều danh hiệu nhất trên sân đất nện
Nadal hiện đang sở hữu 35 danh hiệu trên mặt sân đất nện còn Bjorn Borg là 30. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, trong vô số những chiếc cúp của Villas thì ông chỉ có đúng 1 Roland Garros (1977) và 1 danh hiệu tương xứng với Masters 1000, hầu hết số còn lại nằm ở hệ thống Grand Prix (tour đấu giành cho các tay vợt chuyên nghiệp kéo dài từ 1970 đến 1989) mà nếu quy đổi thì nó tương ứng với hệ thống ATP World Tour 500 hiện thời. Còn Muster cũng chỉ 1 lần lên ngôi ở Paris năm 1995, sở hữu 6 danh hiệu Masters 1000 trên sân đất nện và số còn lại cũng đến từ các giải tương đương ATP World Tour 500.
Làm một phép so sánh thì Nadal với 6 cúp Roland Garros, 16 Masters 1000 (trong tổng cộng 21 Masters 1000 ở mọi mặt sân) và Borg cũng với 6 Roland Garros, 8 danh hiệu tương đương đẳng cấp Masters 1000, rõ ràng danh giá, ý nghĩa và đáng chú ý hơn những thành tích của Villas hay Muster rất nhiều. Thế nên trong mọi cuộc tranh luận về kẻ xuất chúng nhất ở mặt sân đất nện thì bao giờ người ta cũng chỉ nói đến Nadal và Borg, hay chính bản thân hai người ấy cũng chỉ nói về nhau. Nadal từ lâu đã coi Borg là nhân vật duy nhất thách thức mọi giới hạn của anh ở sân đấu sở trường, còn Borg từng thừa nhận đã bị “ám ảnh” khi lần đầu xem tay vợt gốc Mallorca thi đấu lúc anh mới 17 tuổi.
Borg đã thống trị sân đất nện một thời gian dài
So sánh hai đỉnh cao đã là một điều vô cùng khó khăn, chưa nói đến việc Nadal và Borg mỗi người thi đấu trong một giai đoạn lịch sử khác nhau. Chúng ta chỉ nên đem một vài con số ra để chứng tỏ rằng họ thực sự là hai vĩ nhân xuất chúng nhất trên mặt sân đất nện. Còn chuyện ai hơn ai, như Nadal nói trong rất nhiều cuộc phỏng vấn, là hãy đợi tới khi tay vợt người Tây Ban Nha giải nghệ để phân định. Về những kỷ lục, Nadal đang nắm giữ con số 81 trận thắng liên tiếp trên mặt sân đất nện (31 trận liền ở Roland Garros), trong khi Borg là 46 trận.
Borg có một kỷ lục không tưởng là chỉ thua đúng 32 game (và không thua set nào) ở Roland Garros 1978. Borg đã thống trị Paris một cách gần như tuyệt đối khi ông liên tiếp vô địch và tạo ra những chiến thắng hết sức cách biệt. Chẳng hạn như năm 1980, tay vợt Thụy Điển vô địch mà tiếp tục không mất set nào. Hay năm 1978 ông thắng chính Guillermo Villas trong trận chung kết mà chỉ thua vỏn vẹn 4 game. Ngoài ra, trước khi Michael Chang xuất thần lên ngôi năm 1989 thì chính Borg, ở tuổi 18, là người trẻ nhất vô địch Roland Garros năm 1974 (Nadal vô địch lần đầu ở Paris năm 2005 khi 19 tuổi).
Nadal sẽ là ông vua của mọi thời đại?
Pháp mở rộng năm 2008 chứng kiến Nadal tái lập thành tích tương tự Borg khi anh vô địch (sau trận chung kết một chiều thắng Federer cũng chỉ mất 4 game) mà không để thua bất cứ set nào. Nadal còn tái hiện điều đó vào năm 2010, năm “thần thánh” với Clay Slam (vô địch cả 3 Masters 1000 trên sân đất nện và Roland Garros). Cả Rafa và Borg có một điểm chung là mới chỉ để thua đúng 1 người ở Pháp mở rộng. Nadal đã gác vợt trước Soderling năm 2009 trong trận đấu thuộc vòng 4, còn Borg thua Adriano Panatta vòng 4 năm 1973 và vòng tứ kết năm 1976.
Borg đã làm tất cả những điều vô tiền khoáng hậu ấy trước tuổi 27, trong đúng 8 năm (tính đến Roland Garros cuối cùng mà ông vô địch là năm 1981). Nadal đến ngày 3/6 tới sẽ tròn 26 tuổi và vẫn đang ở giai đoạn sung mãn của sự nghiệp. Thế nên, cơ hội để anh vượt qua Borg về số lần lên ngôi ở Paris rất rộng mở. Nếu Rafa thực hiện điều đó ngay năm nay, có thể giờ này năm sau không cần phải bàn đến chuyện ai là vua đất nện nữa.