9 loại bệnh nguy hiểm dễ gặp khi ăn quá nhiều đường

Bên cạnh những công dụng tuyệt vời của đường thì bạn cần hiểu biết thêm về những loại bệnh dễ mắc phải khi ăn quá nhiều đường.

Đường không chỉ để thêm vào các loại thực phẩm và đồ uống mà còn có tác dụng điều trị vết thương và tẩy da chết, làm dịu lưỡi, làm sạch tay…

Tuy nhiên bên cạnh đó, việc có quá nhiều đường trong chế độ ăn cũng khiến cho bạn gặp nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sau đây là những loại bệnh rất dễ gặp khi ăn quá nhiều đường:

1. Bệnh tiểu đường

Tiêu thụ nhiều loại đồ uống có đường ngọt chẳng hạn như nước ngọt, nước trái cây, nước có gas… làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2.

Một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Diabetes Care khi kiểm tra hơn 310.000 bệnh nhân cho biết rằng, những người uống 1-2 phần đồ uống có chứa vị ngọt một ngày làm tăng 26% khả năng phát triển bệnh tiểu đường loại 2 so với người không uống hoặc uống 1 lần trong tháng.

Hơn nữa, tại Đại học California, San Francisco, các nhà nghiên cứu ước tính rằng 130.000 trường hợp đái tháo đường giữa năm 1990 và 2000 có thể là do sự gia tăng tiêu thụ về đồ uống chứa đường ngọt của người Mỹ.

2. Bệnh ngoài da: Mụn trứng cá

Các bác sĩ da liễu và các chuyên gia khác đã tranh luận liệu khoai tây chiên dầu mỡ và socola có phải là nguyên nhân chính gây mụn. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Molecular Nutrition & Food Research có tiêu đề “Những gì bạn ăn có thể ảnh hưởng đến làn da của bạn”, các nhà nghiên cứu cho rằng việc có chế độ ăn thấp hoặc cao về glycemic ảnh hưởng đến da của bạn.

Thức ăn giàu đường như đường tinh chế, đồ uống có đường, và thậm chí một số hoa quả chứa các loại đường tự nhiên gây ra đột biến lớn về lượng đường trong máu. Thực phẩm glycemic thấp, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, được chia thành các loại ít đường sẽ không gây đột biến lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những người có chế độ ăn thấp glycemic sẽ giảm 50% mụn trứng cá, trong khi những người ăn chế độ ăn nhiều đường sẽ tăng 14% nguy cơ bị mụn trứng cá.

Không nên ăn quá nhiều các loại bánh ngọt (Ảnh minh họa)

3. Bệnh về tim mạch

Ăn một lượng đồ ăn có quá nhiều chất béo không phải là điều duy nhất gây ra bệnh tim mạch. Nhiều bằng chứng cho thấy, đường cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh về tim mạch.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, những người có 17,5% calo từ đường làm tăng thêm 20-30% khả năng xuất hiện của triglycerides, một loại chất béo được tìm thấy trong máu của bạn. Khi bạn tiêu thụ nhiều đường hơn so với quy định, các loại đường dư thừa sẽ tạo thành triglycerides, sau đó chất này được lưu trữ trong các tế bào chất béo. Nghiên cứu này cũng cho thấy những người có 25% hoặc nhiều hơn lượng calo từ đường khiến cho mức HDL thấp hơn 3 lần so với những người có chế độ ăn ít đường hơn 5%.

Triglycerides cao và mức độ HDL thấp góp phần làm xơ vữa động mạch, xơ cứng các động mạch của bạn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và cơn đau tim. Phụ nữ nên ăn ít hơn 6 muỗng cà phê đường một ngày, đàn ông nên ăn ít hơn 9 muỗng cà phê đường mỗi ngày để tránh nguy cơ bị các loại bệnh về tim.

4. Tăng huyết áp

Dùng quá nhiều thức ăn ngọt cũng sẽ làm tăng mức độ insulin trong cơ thể, khiến cho thận tái hấp thụ natri và nước, dẫn đến tình trạng ứ đọng nước và natri trong cơ thể. Thể tích máu tăng sẽ gây ra huyết áp cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.

5. Làm suy yếu hệ miễn dịch

Nhiều nghiên cứu khoa học còn cho thấy, ăn nhiều đường sẽ làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng không tốt đến chức năng miễn dịch của cơ thể, từ đó khiến cho các bệnh viêm nhiễm lâu bình phục.

Ảnh minh họa

6. Làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Ăn đường vừa phải có thể khiến cho bạn giải phóng các hormone, đem lại cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tác dụng ngược lại.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Baylor tìm thấy một mối tương quan giữa tiêu thụ đường và tỷ lệ về căn bệnh trầm cảm ở 6 quốc gia. Ăn đường quá nhiều ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao.

Hơn nữa, nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Journal về tâm thần học phát hiện ra rằng những người đã chuẩn đoán bị tâm thần phân liệt có thể do có chế độ ăn quá nhiều đường. "Rối loạn hành vi nói chung đang bị ảnh hưởng bởi những biến động do lượng đường cao trong cơ thể" - Teitelbaum nói.

7. Ung thư

Việc ăn quá nhiều đường khiến tăng nguy cơ phát triển các loại ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ mạnh mẽ giữa việc tiêu thụ đường và việc tăng nguy cơ ung thư. Ví dụ, các nhà nghiên cứu trường Đại học Minnesota khảo sát 60.000 bệnh nhân trong vòng 14 năm và nhận thấy rằng những người uống hai hoặc nhiều nước ngọt mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy cao hơn 87% so với những người uống 1 chai hoặc không uống. Đại học khoa học Buffalo cho thấy phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gia tăng 39% phát triển ung thư vòng một so với những người có mức đường huyết lúc đói dưới 100 mg/dl.

8. Ảnh hưởng đến thị lực

Theo báo cáo của Hiệp hội chống cận thị Nhật Bản, tiêu thụ nhiều đường mỗi ngày còn ảnh hưởng tới lượng canxi trong cơ thể, làm tăng khả năng đàn hồi của nhãn cầu, đường kính nhãn cầu tăng dễ dẫn đến bệnh cận thị.

Bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng của Mỹ, B. Lein, dựa trên nhiều số liệu về dinh dưỡng của người bệnh mà ông đã điều trị, khẳng định “bệnh cận thị phát triển không chỉ do mắt mệt mỏi bởi làm việc nhiều quá mà còn do ăn uống không đủ các chất cần thiết. Một chế độ ăn thừa đường, canxi, protein và thiếu crom sẽ làm cho bệnh cận thị nặng thêm”.

Ảnh minh họa

9. Gây sâu răng

Nguyên nhân khiến bé bị sâu răng chủ yếu do bé ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất đường mà không vệ sinh răng sạch sẽ. Thông thường, chỉ 15 phút sau khi ăn, các vi sinh vật này sẽ hấp thu và tiêu hóa chất đường, biến đường thành axit hữu cơ làm mất khoáng men răng dẫn đến sâu răng. Bạn nên hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây sâu răng như bánh, kẹo, trà sữa, nước ngọt… để bảo vệ sức khỏe răng miệng của trẻ.