Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cho biết: Theo thống kê, trong quý III vừa qua, cả nước ghi nhận 67 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.225 người mắc, trong đó có 15 người chết.
Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người) là 16 vụ. Ngộ độc chủ yếu xảy ra tại gia đình (55,4%) và bếp ăn tập thể (16,9%). Nguyên nhân gây ngộ độc chính là vi sinh vật chiếm 50,8%, độc tố tự nhiên 27,7%, hóa chất 6,2%.
Tử vong do ngộ độc rượu chiếm 26,7%, nấm độc 20%, sử dụng thịt cóc 13,3%.
Nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do vi sinh vật, độc tố tự nhiên, hóa chất...
Điều đáng nói, thời gian gần đây, vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp liên tục xảy ra. Cụ thể, vào ngày 27/9/2012, tại bếp ăn tập thể của Công ty Hansoll Vina, khu công nghiệp Sóng Thần I, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm với 1609 người ăn, số người nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm phải đi điều trị tại bệnh viện là 238 người và không có tử vong.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chỉ đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý ngộ độc thực phẩm, điều tra xác định nguyên nhân.
Đến ngày hôm nay, toàn bộ số lượng công nhân bị ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe và xuất viện.
TS Trần Quang Trung, Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng: Ngộ độc ở những khu công nghiệp chủ yếu do quá trình bảo quản thực phẩm. Ví dụ họ đã ăn cá không được bảo quản đúng nên gây dị ứng vì có nhiều histamin.
Còn TS Nguyễn Thanh Phong, phó cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì cho rằng: “Rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó tránh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới.
Mỗi năm chúng tôi ghi nhận vài ngàn người bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng cũng chưa chính xác vì chúng ta chưa có điều kiện để thống kê và chưa tuyên truyền là họ cần thông báo cho cơ quan chức năng mỗi khi bị ngộ độc. Nhất là ở những gia đình nhỏ lẻ. Quan trọng để tránh ngộ độc, chúng ta cần nâng cao đời sống xã hội.
Chúng tôi đi điều tra suất ăn công nhân ở các khu công nghiệp thì mỗi suất ăn chỉ từ 7- 8 ngàn đồng chưa kể lợi nhuận của người bán, vậy thì làm sao đảm bảo và tốt được chất lượng”.
Từ đó, cục khuyến khích các nhà máy tự tổ chức suất ăn. Vì làm như vậy ít bị nguy cơ ngộ độc thực phẩm hơn là mua ngoài cho công nhân.
Cục đã giải thích để chủ doanh nghiệp thấy rõ, sức khỏe của của công nhân là quan trọng. Nếu xảy ra ngộ độc chủ doanh nghiệp phải chịu mọi thiệt hại, năng suất công nhân làm giảm.