Nỗi buồn thật đáng trân trọng và cũng thật cần cho cả nền thể thao vốn còn trông vào quá nhiều thứ "ảo".
Có mặt trong tất cả các kỳ SEA Games mà TTVN tham dự, nhưng quả thật bơi chưa bao giờ được đánh giá cao bởi cái lẽ đơn giản, còn đó một khoảng cách quá xa về chuyên môn. Thậm chí, cùng điền kinh, bơi là 1 trong 2 môn thể thao Olympic cơ bản nhất, vậy mà có lúc còn không được coi trọng bằng người anh em... nhảy cầu!?
Tham dự từ kỳ SEA Games đầu tiên năm 1989 tại Malaysia, phải tới năm 2001, cũng trên đất Mã, cố kình ngư Trần Xuân Hiền mới mang về tấm huy chương đầu tiên. Tấm HCB 100m ếch nam lúc bấy giờ được xem là quý hơn Vàng bởi nó giải tỏa cơn khát huy chương tồn tại 28 năm, kể từ khi tay bơi Đỗ Như Minh giành được năm 1973.
4 năm sau, tại SEA Games lần thứ 23, Nguyễn Hữu Việt lần đầu lên ngôi khu vực cũng ở nội dung 100m ếch mà ít người biết, đây chỉ là tấm HCV thứ 2 của bơi Việt Nam, kể từ tấm HCV của kình ngư Phan Kế Nhơn tại... Đại hội đầu tiên vào năm 1959!
Sau này có nhiều tài năng xuất hiện, nhưng bơi chưa bao giờ được xếp vào hàng "mỏ Vàng" của TTVN. Tuy nhiên, tới kỳ SEA Games này, cùng điền kinh, bơi là môn đặt chỉ tiêu Vàng cao nhất - giành từ 6 HCV trở nên!
Bơi Việt Nam đã vươn lên 1 đẳng cấp mới trên đường bơi khu vực? Chưa hề, nếu xét về mặt tổng thể; tuy nhiên, xét trên mặt cá nhân và thành tích, cơ sở ấy là hoàn toàn có cơ sở mà cụ thể ở đây, chỉ tiêu Vàng được đặt vào 2 gương mặt sáng giá: Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Quý Phước.
Căn cứ vào những thông số kỹ thuật đạt được trong quá trình tập luyện, thi đấu trước đó của 2 tuyển thủ, Ban huấn luyện đội tuyển bơi đã xây dựng chỉ tiêu 6 Vàng và thực tế ngay những ngày tranh tài đầu tiên con tính chuyên môn đó đã thể hiện được hiệu quả.
Chỉ có điều, với Ánh Viên, dù đã có cho mình những tấm HCV như kỳ vọng, thì đây vẫn chưa phải là thành tích tốt nhất so với năng lực thật của cô gái 17 tuổi. Nỗi buồn của Ánh Viên và cơn giận của ông thầy ruột Đặng Anh Tuấn là hoàn toàn có thể hiểu được, bởi với Ánh Viên, SEA Games chỉ là bàn đạp để hướng tới cái đích còn cao hơn - châu lục.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cũng không nên để "nỗi buồn" kia trở thành sức ép, khi tài năng của Ánh Viên thực chất mới chỉ bắt đầu tỏa sáng. Đã có ý kiến cho rằng, với khả năng của mình, nữ kình ngư 17 tuổi này thi đấu tại SEA Games giống chuyện "dùng dao mổ trâu giết gà". Tuy nhiên, nếu xét kỹ trên nhiều góc độ, SEA Games thực sự là sân chơi cần hiết để tài năng của Ánh Viên có cơ hội phát triển.
Thứ nhất, cái thiếu lớn nhất của Ánh Viên chính là những cuộc cọ xát đỉnh cao như SEA Games cũng như sức ép (huy chương, thành tích) để có thể trưởng thành.
Thứ hai, cụ thể hơn là nếu so với thành tích của Asiad, đấu trường mà vào năm 2014, xa hơn là năm 2019 trên sân nhà, Ánh Viên được đặt nhiều kỳ vọng, vẫn còn có sự chênh lệch về chuyên môn.
Điển hình như kỷ lục SEA Games mới mà nữ kình ngư trẻ Việt Nam vừa lập ở nội dung 200m ngửa nữ là 2'14"80 vẫn còn thua xa với thành tích giành HCV Asiad 2010 (cũng là kỷ lục châu Á và Đại hội) của Zhao Jing (Trung Quốc).
Vậy nên cứ để Ánh Viên thi đấu hết mình đi và tỏa sáng đi để chúng ta cùng kỳ vọng.