1. Thái Hương
Chủ tịch TH True Milk
Forbes vinh danh: 50 nữ doanh nhân quyền lực 2015
Chủ tịch TH True Milk Thái Hương. Ảnh: TH True Milk
Năm 2009, khi thành lập TH True Milk, bà Thái Hương đã có lời thề sẽ thay đổi ngành công nghiệp sữa Việt Nam vốn chuyên sử dụng chất bột để tạo ra sản phẩm. Kể từ đó, tập đoàn TH đã đầu tư 450 triệu USD để nhập khẩu cũng như chăn nuôi bò với mục đích sản xuất ra các sản phẩm sữa tươi nguyên chất, dựa trên công nghệ đến từ Israel.
Hiện với 40.000 con bò trên diện tích 8.100 ha, TH có kế hoạch nâng tổng diện tích chăn nuôi và sản xuất lên mức 37.000 ha. Tập đoàn TH dự kiến doanh thu năm 2014 sẽ vượt mức 200 triệu USD và chiếm lĩnh 1/3 thị trường sữa tươi cả nước. Bên cạnh tập đoàn TH, bà Hương cũng là chủ tịch kiêm người sáng lập của Ngân hàng Bắc Á kể từ năm 1994.
2. Mai Kiều Liên
Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Forbes vinh danh: 50 phụ nữ tiêu biểu châu Á, 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á.
Bà Liên là người Việt đầu tiên lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes.
Vinamilk là một trong những thương hiệu "ăn nên làm ra" nhất tại Việt Nam. Đồng thời, cổ phiếu của Vinamilk cũng là một trong số các cổ phiếu quan trọng (blue chip) trên sàn chứng khoán, liên tục tăng trưởng và đạt doanh thu cao kể từ khi lên sàn vào năm 2006.
Năm 2013, doanh thu của Vinamilk là 1,5 tỷ USD và dự kiến con số đó sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017, thời điểm bà Mai dự kiến đưa công ty ra toàn cầu. Tháng 7/2012, Vinamilk bắt đầu thâm nhập thị trường Mỹ, nâng tổng cộng số lượng quốc gia công ty này có mặt lên 30.
3. Phạm Thị Việt Nga
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) Forbes vinh danh: 50 phụ nữ tiêu biểu châu Á 2013.
Phạm Thị Viết Nga là người có công lớn trong việc tái sinh Dược Hậu Giang.
Bà Nga tham gia vào DHG năm 1988 với vai trò là giám đốc và biến một nhóm nhiều công ty nhỏ, suy yếu thành công ty dược niêm yết lớn nhất thị trường. DHG sản xuất và bán ra thị trường hơn 300 dược phẩm. Công ty còn mở rộng sang bao bì và đóng gói. Năm 2012, lãi ròng của DHG tăng 18%, đạt 24 triệu USD/140 triệu USD doanh thu.
Tham gia Mặt trận giải phóng miền Nam từ năm 14 tuổi, sau đó, bà Nga đi học và lấy bằng tiến sĩ kinh tế năm 2004, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh năm 2008. DHG niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, giá trị vốn hóa thị trường hiện nay tăng gấp 55 lần đạt 227 triệu USD. Năm 2012, Bà chuyển giao vị trí CEO nhưng vẫn giữ Chức chủ tịch HĐQT đồng thời vẫn là kiến trúc sư chính thiết kế chiến lược phát triển DHG.
4. Nguyễn Thị Mai Thanh
Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)
Forbes vinh danh: 50 phụ nữ quyền lực châu Á 2014.
Bà Thanh hiện xếp vị trí thứ 40 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: REE.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà gia nhập REE với vị trí là một kỹ sư và trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000.
Tính đến ngày 10/2/2105, bà Mai Thanh và gia đình hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu REE trị giá hơn 1031,4 tỷ đồng, trong đó cá nhân bà nắm giữ khoảng 469 tỷ đồng. Hiện, người phụ nữ này đang xếp vị trí thứ 40 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
5. Nguyễn Thị Nga
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) Forbes vinh danh: 50 phụ nữ quyền lực châu Á 2014
Có tin đồn cho rằng bà Nga là tỷ phú đôla thứ 2 của Việt Nam.
Bà Nga là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam, với các danh mục đầu tư đa dạng vào nhiều ngành nghề như ngân hàng, bất động sản, khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng như bán lẻ. Kể từ 2007, bà là Chủ tịch của SeABank, ngân hàng có tổng tài sản lên tới 3,6 tỷ USD.
Bà là người thành lập BRG, công ty sở hữu 3 sân golf tại Việt Nam mà nổi bật là 2 đại diện Đảo Vua và Đồ Sơn. Khối tài sản khổng lồ của bà và gia đình còn bao gồm 2 khách sạn tại Hà Nội hợp tác với tập đoàn Hilton, bên cạnh 30% cổ phần tại Intimex.