Nhà chị ở cuối thôn 3 (xã Đắk Drông) cách con đường trung tâm hơn 1km. Căn nhà chưa được 15m tuềnh toàng, chỉ xây được mỗi mặt đàng trước nhưng không cào vôi áo, bên trong đồ vật đáng giá nhất là chiếc vô tuyến cũ kỹ.
Người bán tép chưa kịp đi làm dù chiếc vó, cái giỏ, bình nước đã bỏ ngoài sân. Thấy khách hỏi thăm, chị kể: “Tên tôi là Ngọ, họ tên đầy đủ là Hoàng Thị Ngọ, dân tộc Tày, quê ở huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng). Thời trẻ tôi không thuộc diện xấu gái nên nhiều trai ở trong và ngoài bản theo đuổi, nhưng tôi nên duyên vợ chồng với anh Chắn (người chồng đã qua đời của chị) có lẽ do… trời định.
Thực ra hai nhà gần nhau, tôi thường gần giúp anh chị nhiều việc nên quá hiểu hoàn cảnh của anh ấy. Vợ anh là chị Nhu bị tai biến và nằm liệt giường gần như cái xác không hồn từ khi sinh đứa con gái đầu chưa được hai tháng. Ngay sau khi biết tụi tôi thương nhau, cha mẹ tôi đã phản ứng quyết liệt, thậm chí từ anh em ruột thịt cho tới cả dòng tộc bên tôi gần như không một ai đồng ý chấp nhận. Anh ấy phải làm đơn ra tòa li hôn chị Nhu rồi mới đăng ký kết hôn với tôi. Ngày tôi xách cái túi quần áo về nhà chồng, bên anh ấy chỉ làm hai mâm cỗ chứ nhà tôi không cỗ bàn gì”.
Lấy chồng, suốt tháng quanh năm chị Ngọ không có một ngày nghỉ ngơi, lên rẫy trồng lúa, trồng bắp thì địu theo đứa con gái riêng của chồng, về nhà tất cả công việc đều một tay chị làm, tranh thủ làm sao cho xong trước 7h tối để còn nấu nước tắm rửa rồi đút từng muỗng cơm cho chị Nhu, sau đó mới tới lượt mình và con ăn. Năm 1992, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên cả gia đình dắt díu nhau vào Đắk Drông. Trước đó, gia đình bên chị Nhu yêu cầu để chị Nhu ở nhà cho chị em ruột nuôi nấng, chị Ngọ nhất định không chịu mà hứa sẽ chăm sóc chị ấy đến hết đời.
Chị Ngọ (trái) luôn ở bên cạnh chăm sóc
người vợ bại não của chồng
Cuộc sống ở Tây Nguyên buổi đầu rất vất vả do không có tiền mua đất nên vợ chồng chị phải bỏ công tranh thủ khai phá đồi hoang vào buổi sáng sớm và chiều tối. Ban ngày phải đi làm mướn kiếm tiền lo cho cả gia đình sáu người ăn. Nhưng chị Ngọ vẫn dành ra mỗi ngày 2 tiếng phục vụ người nằm liệt giường. Hàng ngày chị Ngọ phải thức dậy từ 4h sáng để giặt giũ, nấu bữa ăn cho cả nhà, sau khi làm vệ sinh và bón từng muỗng cơm cho chị Nhu, chị mới ăn vội vàng vài miếng và đi làm, có bữa còn muộn không kịp ăn. Buổi trưa và buổi tối ngay sau khi nghỉ làm chị đã có mặt ở nhà, không dám đi đến đâu vì việc vệ sinh cá nhân cho người vợ cả và bữa ăn cho chồng con chỉ có bàn tay chị mới lo liệu được. Thời điểm nông nhàn không kiếm được việc làm mướn, chị Ngọ lại ra suối, ra ruộng bắt hến, ốc, xúc tép đem ra chợ bán. Mua gạo về nấu ăn. Người vợ trước của chồng vẫn được chị tắm rửa sạch sẽ và chưa bao giờ bị bỏ đói một bữa.
Chị Ngọ kể, mỗi năm chị Nhu ít thì cũng bệnh 3 lần, những lúc ấy chị đau đớn, rên rỉ dữ dội, chị Ngọ thường phải ngủ chung và đấm bóp an ủi, có khi suốt nhiều đêm không chợp mắt. Đến khi người con gái của chị Nhu đã lớn, chị Ngọ vẫn không bắt phải làm vệ sinh cho mẹ, vì theo chị “tụi trẻ không kỹ càng”, chỉ khi nào bắt buộc phải đi đâu chị mới nhờ chồng. Hai chiếc giường được kê sát nhau chỉ cách một vách ván mỏng, tối nào cũng vậy, chỉ khi mở màn nhìn thấy chị Nhu đã ngủ say, chị Ngọ mới yên tâm chợp mắt.
Năm 1999, có lẽ do phải làm lụng quá sức mà chồng chị mắc bệnh lao lực, gánh nặng lại đổ lên đầu chị Nhu, vừa chăm sóc người vợ cả của chồng bại não, lại vừa lo tiền thuốc men chữa trị cho chồng, vừa lo cơm gạo cho sáu miệng ăn trong nhà và vừa lo tiền cho các con ăn học…
Năm 2003, người chồng qua đời sau bốn năm đau nặng, chị nuốt nước mắt vào trong để vun vén đảm bảo cuộc sống cho gia đình và cố nuôi tất cả các con học hết cấp hai. Mấy năm sau, 3 đứa con đã khôn lớn song do nhà không có đất sản xuất nên chúng chỉ biết đi làm mướn lấy công về phụ giúp. Năm 2009, người con gái của chị Nhu đi lấy chồng, người con thứ hai đi nghĩa vụ quân sự, nhà chỉ còn cậu con cả và chị Ngọ vẫn tiếp tục làm thuê vào thời điểm nông vụ và mò cua, bắt ốc lúc nông nhàn để kiếm sống.
Từ ngày lấy chồng đến nay đã 30 năm là từng ấy năm chị Ngọ ân cần chăm sóc cho người vợ cũ của chồng. Hiện các con đã trưởng thành, người phụ nữ này vẫn tiếp tục công việc mà bao năm qua chị vẫn làm một cách tự nguyện, vừa mưu sinh, vừa nuôi nấng, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho người “chị em”.