Vợ sợ đói nghèo trốn nhà đi bỏ mặc chồng con
Căn nhà hơn 10m2 nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng hơn 20 năm nay là nơi trú ngụ của cha con ông Chánh. Ngôi nhà nhỏ in dấu cuộc đời nhọc nhằn của ông Chánh và cuộc sống đau đớn với di chứng dioxin của đứa con Nguyễn Vũ Thắng (SN 1991).
Khách chưa kịp ngồi, đã nghe tiếng ngã uỳnh uỵch từ phía sau nhà. Chạy theo chủ nhà xuống bếp, thấy một chàng trai nằm sõng soài trên nền gạch, mắt trợn trừng, răng nghiến ken két, tay chân múa loạn xạ. Dường như đã quá quen với cảnh ấy, ông Chánh cười, chạy tới đỡ con: “Hơn 20 tuổi rồi mà cứ ngã xoành xoạch như con nít tập đi. Thế này thì khi nào mới có vợ?”. Đáp lại câu nói đùa của ba, cậu con trai cười, lấy hết sức rướn cổ, nói từng từ: “Ba lo hoài, con thế này ai thèm lấy. Sống vậy làm bạn với ba”.
Ông Chánh chỉ vào miếng nệm cũ kỹ giữa nhà, phân trần: “Sợ thằng Thắng lên cơn co giật, té đập đầu xuống đất. Tội nghiệp, từ nhỏ đến giờ nó té đập đầu không biết bao nhiêu lần”.
Đặt con trai trên chiếc nệm cũ kỹ, ông Chánh nhớ lại những kỉ niệm hơn 20 năm qua. Năm 1985, chàng trai lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở lại đời thường, anh sắm cho mình chiếc xích lô, ngày ngày rong ruổi khắp Sài Gòn chở khách. Cũng chính từ chiếc xích lô này, ông đã gặp mối tình đầu. Trong số những vị khách quen, chàng trai thầm yêu trộm nhớ cô hộ lý người gốc Hải Phòng. Sáng anh tất tưởi chạy đến chở cô đi làm, chiều đứng ngay cổng bệnh viện chờ đón đưa về. Mấy năm trời hờ hững, cuối cùng cô gái mới chấp thuận lấy anh làm chồng. Sau 2 năm đợi chờ, người vợ mang thai. Niềm vui hóa âu lo khi mới lọt lòng mẹ, đứa trẻ chỉ nặng 1,5kg phải nằm trong lồng kính.
Nỗi buồn đứa con yếu ớt chưa nguôi ngoai thì một tuần sau đó, người vợ lặng lẽ khăn gói bỏ đi. “Hôm ấy tôi đang đạp xích lô kiếm tiền cho vợ con nằm bệnh viện. Buổi tối tất tưởi chạy vội mua tô cháo gà vào cho vợ ăn, nghĩ vợ sẽ ăn ngon miệng vì mình chọn quán bán ngon nhất cổng bệnh viện. Ngờ đâu vào phòng không thấy vợ. Cứ nghĩ cô ấy đi loanh quanh đâu đó cho thoáng. Tìm hết bệnh viện vẫn không thấy, trở về giường bệnh, mới nghe một sản phụ nằm bên nói: “Cô ấy gói ghém quần áo đi từ hồi chiều rồi”, ông Chánh nhớ lại.
Vợ bỏ đi, ông lần tới phòng kính, nhìn vào nơi đứa con tội nghiệp đang nằm thoi thóp vì yếu. Nước mắt lăn dài trên gò má người cha. Từ giây phút đó, ông nhủ lòng sẽ vượt qua mọi khó khăn tự tay nuôi con trai khôn lớn. “Tôi cầm bình xin từng bà mẹ chút sữa một cho con uống dần. Nhiều người thấy thương nên bế bé Thắng cho bú luôn. Nhưng cũng có người tỏ ra khó chịu: “Con tôi còn không có sữa bú, lấy đâu mà cho con người khác”. Tôi đau như đứt từng khúc ruột”, ông hồi tưởng.
“Gà trống nuôi con”
Từ đó, ông vừa làm cha, vừa làm mẹ của bé Thắng. Tất cả những việc chăm con như cho ăn, thay tã, tắm giặt… ông thành thục như một người mẹ kinh nghiệm. Đứa bé lớn lên trên bàn tay thô ráp của cha.
Hết nỗi buồn vợ bỏ đi, lại nỗi buồn khác ập xuống đời ông, oan nghiệt hơn nhiều. Con được 2 tuổi, ông thấy con không biết lật, không biết nói. Bế con đi khám, phút bác sĩ thông báo con ông bị mắc di chứng chất độc da cam, ông khóc òa giữa hành lang bệnh viện.
Tuyệt vọng, người cha lủi thủi lê từng bước nặng nề ẵm con về. Suốt 3 năm sau, ông khăn gói bế con đi khắp nơi chữa trị. Hết thuốc Tây đến thuốc Nam, châm cứu, vật lý trị liệu… nhưng vẫn không tiến triển. Mãi đến năm 8 tuổi, Thắng mới dần ngồi được, bắt đầu cử động tay chân, bập bẹ tập nói.
Ông xin cho con học bán trú tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Dù ngồi được nhưng không vững nên lúc nào bỏ con lên xe xích lô, ông cũng phải dùng dây cột quàng quanh trước ngực để con khỏi lăn xuống xe. Cứ sáng đưa đi, chiều đón về. Cả ngày đi làm chỉ canh giờ chở con nên không kiếm được mấy đồng.
Một thời gian sau, ông Chánh xin chuyển con sang học ở trường Niềm Tin. Sau 4 năm, số tiền kiếm được từ nghề đạp xích lô không thể đủ tiền học phí, ông phải cho con nghỉ học ở nhà. Thầy cô thương tình, đến tận nhà dạy chữ, toán, máy vi tính cho cậu bé tật nguyền.
Ông Chánh lại nhắc đến người vợ bội bạc: “Sau khi bỏ hai cha con tôi, bà ấy đi lấy người khác. Đến năm thằng Thắng 20 tuổi, bà ấy về thăm con một lần, cho con 200 nghìn, Thắng trả lại không lấy. Qua một người bạn, tôi mới biết bà ấy mất cách đây 2 năm. Thôi thì lỗi lầm của quá khứ, giờ đã thành người thiên cổ, nên cứ để những oán hận đó tan biến hết”.
Hơn 20 năm qua, có nhiều người mai mối nhưng ông Chánh vẫn quyết định ở vậy nuôi con. Ông thổ lộ: “Tôi sợ lấy vợ về, lại con anh, con tôi. Thằng Thắng thì tật nguyền thế, sợ không ai chịu nuôi nó. Thà tôi hy sinh đời mình cho con có được niềm vui còn hơn mình hạnh phúc mà nó thì chịu thiệt thòi”.
Cứ vậy, bao năm qua, trong căn nhà chật chội vẫn chỉ có hai cha con “hủ hỉ” với nhau. Cùng ăn, cùng ngủ, đêm đến hai cha con lại thủ thỉ tâm sự với nhau như một… đôi bạn. Để con khỏi buồn, chiều chiều ông Chánh ẵm con lên xe lăn, đẩy dạo quanh xóm. Ông chưa bao giờ dám xa con ngày nào. Ngày chạy xe ôm, canh đến giờ ăn, người cha lại chạy vội về nấu cơm cho con. Nhắc đến bữa ăn ba chuẩn bị, Thắng lắc lư đầu, cười: “Ba nấu ăn dở lắm. Chiên trứng chỗ mặn chỗ ngọt. Nhưng em ăn vẫn… thấy ngon”.
Khi hỏi đến ước mơ, Thắng ngập ngừng: “Em muốn có bạn tới nhà chơi nói chuyện”. Nghe con nói, ông Chánh khóc. Ông bảo, lo sợ một ngày nào đó, mình chết đi, ai sẽ là người chăm sóc đứa con tật nguyền.
Dù chân tay co quắp, nhưng Thắng sử dụng máy tính khá thành thạo. Em kết hợp một tay và chân phải thực hiện các thao tác. Chứng minh cho khách, Thắng gồng mình di chuyển con chuột, dùng chân bấm từng phím khá nhanh nhẹn. Ai nấy đều bất ngờ khi biết Thắng có thể ngồi gõ bàn phím được tới 5 mặt giấy A4 không ngừng nghỉ. Thế nên mới có chuyện “ngược đời” người tàn tật giúp… người lành: “Mù” công nghệ, không biết dùng điện thoại di động, ông Chánh nhờ con trai giúp. Thắng tủm tỉm khoe: “Em tự học hết đấy. Một mình ngồi mày mò. Ba vừa mua cho em một chiếc máy in nhỏ để em ngồi nhà photocopy giấy tờ, kiếm thêm ít tiền”. |