2 lần mang án tử hình, số phận vẫn lửng lơ

Ngày 12/12, TAND tỉnh Bình Phước sẽ xử sơ thẩm (lần 3) với bị cáo Lê Bá Mai. Đây là một vụ “kỳ án” vì có quá nhiều kỷ lục: Bị cáo 2 lần bị tuyên án tử hình.

Ngày 16/11/2004, tại vườn mít của ông Dương Bá Tuân, ấp 2, xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, người dân phát hiện xác của một bé gái bị siết cổ chết. Nạn nhân được xác định là Thị Út (SN 1993), đã mất tích từ ngày 12/11/2004.

Hằng, một bé gái đi mót củ sắn cùng Út hôm đó, khai rằng có thấy Út đi với một thanh niên. Cơ quan điều tra sau đó xác định Lê Bá Mai là nghi phạm của vụ án và khởi tố Mai về 2 tội: Giết người và hiếp dâm trẻ em. Qua 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm (lần 1), Lê Bá Mai đều bị tuyên án tử hình về 2 tội đã khởi tố. Đơn kêu oan của Mai đã bị Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương khước từ vì “không có cơ sở để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm”.

May mắn, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cùng nhiều cơ quan báo chí vào cuộc, làm rõ vụ việc kêu oan nên ngày 12/12/2006, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 30/QĐ-VKSTC-V3 kháng nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm kể trên vì có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra. Kế đó, ngày 5/2/2007, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm đã hủy cả 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 18/5/2011, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 2) và ra bản án số 16/2011/HSST tuyên Lê Bá Mai không phạm tội giết người và tội hiếp dâm trẻ em, trả tự do cho Lê Bá Mai ngay tại phiên tòa. Theo bản án sơ thẩm lần 2, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, đồng thời chưa điều tra đầy đủ các yêu cầu của Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2007/HS-GĐT của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Bản án nói trên được cả xã hội lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, niềm vui đoàn viên chưa trọn vẹn thì giữa tháng 6/2011, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước ra quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm nói trên. Thế rồi, ngày 18/5/2012, Lê Bá Mai bị công an bắt lại ngay tại nhà. Lệnh bắt tạm giam Lê Bá Mai do Chánh tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM ký với lý do “để đảm bảo cho việc xét xử phúc thẩm và thi hành án.

Tháng 6/2012, xử phúc thẩm lần 2, TAND Tối cao tại TP.HCM lại hủy án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh Bình Phước xử lại sơ thẩm lần 3 theo hướng… có tội.