15 danh nhân tuổi Ngọ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Hoàng Hoa Thám, Tuệ Tĩnh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu... là những danh nhân tuổi Ngọ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Tuổi Giáp Ngọ

1.- Nguyễn Kim (1474 - 1545): Danh tướng, khai quốc công thần thời Hậu Lê, quê Thanh Hóa. Là người can đảm, kiên định, giàu chí tiến thủ, không phục tùng Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông lánh sang Lào, khởi binh chống lại. Tiến về Thanh Hóa, năm 1533 ông đưa Lê Ninh lên ngôi vua, mở đầu thời kỳ Lê Trung Hưng. Sau nhiều chiến thắng vang dội, năm 1542 ông cầm quân ra Bắc tiêu diệt nhà Mạc nhưng giữa đường chết đột ngột vì bị đầu độc (1545). Ông là Thái tổ của các chúa Nguyễn và Vương triều nhà Nguyễn sau này.

2.- Ngô Tất Tố (1894 - 1954): Nhà báo, nhà văn danh tiếng, quê Hà Nội. Mẫn cảm, từng trải, dạy học rồi vào Nam viết báo, sau đó trở ra Bắc, chuyên tâm sáng tác văn thơ, nghiên cứu lịch sử, triết học, rất nổi trong làng báo, làng văn thời kỳ 1930 - 1945. Nhiệt thành yêu nước, tích cực hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông là nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán, với các tác phẩm ấn tượng: Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng ...

3.- Lê Đinh Ba (1894 - 1979): Là một cao tăng (pháp danh: Thích Trí Độ), quê ở Bình Định. Uyên bác, đạo hạnh, ông học ở Bình Định và Huế. Năm 1945 ông được mời ra giảng dạy tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, cứu quốc. Năm 1958 đắc cử Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (miền bắc) và giữ chức vụ này đến lúc qua đời. Ông từng là Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc Hội, công du nhiều nước và viết nhiều sách về Phật giáo, triết học có giá trị.

Tuổi Bính Ngọ

4.- Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780): Danh sĩ đời Lê Hiển Tông, quê Hà Nội. Nhà nghèo nhưng sáng dạ, hiếu học, năm 1766 đỗ Hoàng giáp, lần lượt làm quan đứng đầu các vùng: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An ... rồi thăng tới chức Thiên đô Ngự sử. Am hiểu, nhiệt tình, giao lưu rộng, ông được sĩ phu khắp nơi quý mến. Ông viết nhiều tác phẩm văn thơ, lịch sử và là người lập ra Ngô gia văn phái - một trường phái văn chương rất độc đáo của họ Ngô.

5.- Lê Quý Đôn (1726 - 1784): Nhà khoa học, nhà văn hóa lừng danh thời Hậu Lê, quê gốc Thái Bình. Từ bé đã nổi danh thần đồng, cực kỳ thông tuệ, trí nhớ phi thường, năm 26 tuổi đỗ Bảng nhãn, làm quan trong các lĩnh vực giáo dục, quân sự, ngoại giao, được thăng tới chức Hành Tham tụng (quyền Tể tướng). Ông là nhà bác học có tri thức hết sức uyên thâm và đa dạng về lịch sử, luật pháp, văn thơ, kinh tế, xã hội, ngôn ngữ, địa lý, sinh vật, triết học ... Năng lực sáng tạo cao, cường độ làm việc nhanh, Lê Quý Đôn để lại sự nghiệp đồ sộ với hơn 40 bộ sách gồm hàng trăm quyển về nhiều lĩnh vực học thuật.

6.- Hoàng Văn Thụ (1906 - 1944): Anh hùng, liệt sĩ cách mạng, quê Lạng Sơn. Dũng cảm, trung kiên, nhiệt tình yêu nước, ông tích cực tham gia hoạt động chống Pháp. Năm 1927, sang Quảng Tây (Trung Quốc), phụ trách hậu cần và liên lạc cho cơ sở cách mạng rồi sau đó về nước gây dựng nhiều cơ sở Đảng ở Long Châu và vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 1932, trở thành một cán bộ xuất sắc, vừa lãnh đạo Đảng bộ địa phương, vừa trợ giúp tích cực cho Ban lãnh đạo Đảng lưu trú ở nước ngoài. Năm 1940 được cử vào Ủy ban Thường vụ Trung ương Đảng, lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn - Vũ Nhai, sau đó vào Tổng bộ Việt Minh. Tháng 8/1943, ông đi dự họp tại Hà Nội, bị mật thám Pháp chặn bắt và anh dũng hy sinh ngày 24/5/1944.

Anh hùng Hoàng Văn Thụ

Tuổi Mậu Ngọ

7.- Nguyễn Quang Nhuận (1678 - 1758): Danh thần đời Lê Hy Tông, quê Bắc Ninh. Thông tuệ, giỏi ứng xử, có tài về quân sự, năm 25 tuổi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư các bộ Công - Lễ - Hộ, từng đi sứ Trung Quốc, sau đó thăng tới chức Tham tụng. Năm 1741, đất nước loạn lạc nhiều nơi, ông làm Tổng thống quân vụ, thống lĩnh toàn bộ quân đội, đảm trách chiêu an, bình định. Ông nổi tiếng bởi tính cách sắc bén, linh động và sự tận tụy với công việc.

8.- Hoàng Hoa Thám (1858 - 1913): Anh hùng kháng Pháp, quê Hưng Yên. Gan dạ, mưu lược, trung kiên, tham gia khởi nghĩa chống Pháp từ khi 16 tuổi. Năm 1892 trở thành thủ lĩnh phong trào Yên Thế (Bắc Giang). Với sự lãnh đạo của ông, nghĩa quân làm nên những chiến thắng oanh liệt. địa bàn hoạt động mở rộng từ trung du tới đồng bằng, kể cả vùng Hà Nội. Bị tổn thất nặng nề, thực dân Pháp và tay sai dốc sức đàn áp nhưng không nổi, phải giảng hòa với ông năm 1894. Ít lâu sau, ông lại vùng lên kháng chiến, quyết liệt hơn trước, làm giặc thất điên bát đảo. Ông được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”, biểu tượng cho lòng yêu nước, uy vũ hùng mạnh và khí tiết nam nhi.

9.- Nguyễn Bính (1918 - 1966): Nhà thơ danh tiếng, quê Nam Định. Mồ côi cha mẹ từ bé nhưng năng động, nghị lực và say mê văn chương, làm thơ đăng trên các báo, sớm nổi danh bởi bút pháp sôi nổi, tài hoa mà giản dị, đầy chất quê. Ông đi nhiều nơi ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động cách mạng, trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Sự nghiệp thơ của ông rất đồ sộ với hàng nghìn bài thơ, truyện thơ, kịch thơ ... ông được coi là nhà thơ chân quê xuất sắc nhất trong nền thi ca hiện đại Việt Nam.

Tuổi Canh Ngọ

10.- Tuệ Tĩnh (1330 - 1392): Danh y thời Trần, quê Hải Dương. Năm 1351 đỗ Tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang, chuyên tâm nghiên cứu, viết sách y học, giáo lý, trồng cây thuốc và dốc sức chữa bệnh cho nhân dân bằng thuốc Nam. Năm 1384, vua Trần phái ông đi sứ Trung Quốc, đến nơi được vua nhà Minh cảm phục tài năng, phong tức hiệu cho ông là Đại y Thiền sư. Ông là một thầy thuốc nam nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta và có công lớn trong xây dựng nền y học dân tộc ngay từ buổi đầu.

Danh y Tuệ Tĩnh

11.- Vũ Quỳnh (1450- 1497): Nhà văn hóa, danh sĩ đời Lê Thánh Tông, quê Hải Dương. Đa tài, năng động, thông thái, đỗ Hoàng giáp năm 1478, làm quan đến Thượng thư các bộ Lễ - Binh - Công kiêm Tổng tài Quốc sử quán. Ông để lại  các tác phẩm nổi tiếng về nhiều lĩnh vực: Đại Việt thông giám thông khảo (bộ sách lịch sử, 26 quyển), Tố cầm tập (sách dạy đàn), Đại thành toán pháp (sách toán học) ...

12.- Trần Quý Cáp (1870 - 1909): Danh sĩ thời Nguyễn, quê Quảng Nam. Năm 1904 đỗ Tiến sĩ, làm quan chức ngành sư phạm. Ông nhiệt thành yêu nước, hăng hái hưởng ứng các phong trào Cần vương, Đông du, tích cực hoạt động duy tân, nâng cao dân trí, dân sinh nên rất được giới sĩ phu trong Nam, ngoài Bắc kính trọng, coi là lãnh tụ nhóm Tân học. Năm 1908, thực dân Pháp khủng bố trắng phong trào Duy tân, ông bị kết án tử hình. Ông đã để lại nhiều tác phẩm văn thơ giàu nhiệt huyết cách mạng, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng với sức lay động lớn.

Tuổi Nhâm Ngọ

13.- Hồ Quý Ly (1342 - 1407): Nhà cải cách, hoàng đế khai sáng triều Hồ, quê Thanh Hóa. Là một chính trị gia lão luyện, đầy mưu lược, lại văn võ song toàn, ông được các vua Trần tin dùng và leo nhanh trên nấc thang quyền lực. Năm 1400, ông phế bỏ Trần Thiếu Đế, lập ra nhà Hồ, tiến hành hàng loạt cải cách vĩ đại về kinh tế, văn hóa, xã hội, lễ giáo, quân sự.

14.- Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888): Nhà thơ yêu nước, nhà văn hóa thời Nguyễn, quê Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi đỗ Tú tài, mẹ mất nên bỏ cuộc thi tiếp theo ở Huế để về chịu tang, dọc đường lâm bệnh nặng làm mù cả đôi mắt. Ông mở trường, học trò rất đông. Khi Pháp xâm lược, ông chuyển về Bến Tre, tiếp tục dạy học, làm thuốc và sáng tác văn thơ khơi gợi, cổ vũ lòng yêu nước, quyết tâm chống giặc ngoại xâm của đồng bào. Văn chương cũng như cuộc sống của ông được cả nước mến trọng bởi thấm đẫm tinh thần nhân đạo, nghĩa khí, tự lập tự cường.

Nguyễn Đình Chiểu

15- Thái Phiên (1882 - 1916) : Nhà trung quân ái quốc thời nhà Nguyễn, quê ở Đà Nẵng. Thông minh, năng động, nồng nàn yêu nước, ông tham gia phong trào chống Pháp và gây dựng cơ sở, lãnh đạo Hội Quang phục Việt Nam tại miền Trung. Năm 1916, ông mật ước với vua Duy Tân khẩn trương chuẩn bị cuộc nổi dậy lớn nhằm lật đổ ách thống trị thực dân Pháp. Sắp đến ngày khởi nghĩa thì kế hoạch bại lộ, ông cùng các đồng chí bị địch bắt và hy sinh.