Tuy nhiên, với việc bị "tố" lạm quyền, sử dụng vũ lực vượt quá giới hạn, các tổ công tác 141 cũng phải nghiêm túc chấn chỉnh lại mình để giữ hình ảnh trong lòng người dân Thủ đô.
Niềm tự hào của ngành công an
Hơn một năm về trước, 5 tổ công tác 141 Công an Hà Nội (mang phân hiệu Y1-Y5) được mọi người biết đến với hàng loạt vụ truy bắt, triệt phá và thu giữ hàng nghìn vũ khí “hàng nóng” của dân anh chị ở Hà Thành. Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh lúc bấy giờ còn đương nhiệm Giám đốc Công an Hà Nội, là người có công lớn trong việc gây dựng thương hiệu 141 trở thành nỗi khiếp đảm của bất cứ tên tội phạm nào ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận dạt về ẩn náu. Ông đã từng trao “quyền sinh quyền sát” cho các tổ công tác này hoạt động.
Và lẽ dĩ nhiên, với tài cầm quân của mình, vị tướng nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Công an này cũng biết cách chế ngự “quân” của mình trong mọi tình huống.
Người dân Hà Nội quá quen thuộc với hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát trong tổ 141, lập chốt, rượt đuổi truy bắt người tham gia giao thông vi phạm và lẽ dĩ nhiên trong đó có cả những tay anh chị cộm cán thậm chí là cả những tên sát thủ chuyên đâm thuê chém mướn có tiền án tiền sự và máu mặt trong giới “xã hội đen”.
Thương hiệu 141 lớn nhanh đến nỗi chỉ một thời gian ngắn sau khi nhận được nhiều lời khen ngợi từ lãnh đạo các cấp ở Hà Nội. Bộ Công an đã tuyên dương và đem áp dụng ở các tỉnh thành khác trong cả nước.
Ngay sau khi Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh về hưu, Đại tá Nguyễn Đức Chung – Giám đốc công an Hà Nội đã “nhân bản” thêm 10 tổ công tác. Thành công tiếp nối sau đó bằng các con số: 3 tháng cuối năm 2012, các vụ trọng án giảm hơn 17% so với năm 2011.
Trong năm 2013, công an Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của 15 tổ công tác, bên cạnh việc tiếp tục lựa chọn, bổ sung cán bộ chiến sĩ có trình độ nghiệp vụ giỏi cho các tổ công tác. Lãnh đạo công an thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành điều lệnh, quy trình công tác của các tổ cũng như việc tiếp nhận, xử lý vụ việc của công an các địa phương.
Cần được mài dũa thường xuyên
Thành công thường đi kèm với những rắc rối, rắc nối nảy sinh từ thực tiễn. Thực tiễn nếu không giải quyết tốt sẽ trở thành mối họa. Đó là điều mà bất cứ ai cũng hiểu. Trước việc người dân lo ngại tình trạng lạm quyền ở các tổ công tác 141, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khi còn đương chức từng khẳng định, khi thành lập tổ công tác, công an thành phố đã có quy chế hoạt động, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, phương thức kiểm tra, xử lý theo nguyên tắc tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, của ngành.
Bên cạnh đó, công an thành phố cũng thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống có thể xảy ra đảm bảo vừa thể hiện tính nghiêm minh, vừa đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật. Đồng thời hàng tuần, hàng tháng, Ban giám đốc và Ban chỉ đạo kế hoạch 141 tổ chức họp giao ban với tổ công tác để rút kinh nghiệm, đôn đốc chỉ đạo cán bộ chiến sĩ tham gia tổ công tác chấp hành nghiêm ngặt quy trình công tác, điều lệnh, tư thế tác phong khi tiếp xúc với nhân dân và người vi phạm.
Vũ khí nóng được các tổ công tác 141 thu giữ trong quá trình trấn áp tội phạm đường phố
Chưa có chiến sĩ nào trong thương hiệu 141 bị người dân tố cáo đánh người trong khi “chấp pháp”. Ngược lại, thời điểm đó, liên tiếp những chiến công của họ đã làm lu mờ đi tất cả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch trấn áp tội phạm đường phố, bảo vệ bình yên cho người dân Thủ đô. Đâu đó, bên ngoài những chiến công mà thương hiệu 141 gây dựng thì người dân vẫn còn nhiều thắc mắc về lực lượng này. Trở lại với vụ việc ngày 14/3, việc anh Nghiêm Duy Hoàng “tố” tổ công tác Y5/141 dùng dùi cui đánh khiến anh nhập viện trong tình trạng chấn thương đã gióng lên hồi chuông báo động về việc lạm quyền quá mức của 141.
Dĩ nhiên, sự việc đang trong quá trình điều tra, thực hư rồi sẽ rõ. Đúng sai như thế nào sẽ có cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nhưng không ai nói, người dân khi đọc báo tự bản thân họ cũng đã có câu trả lời cho mình với hàng loạt những chất vấn, nghi ngờ về “báo cáo” của 141 cho rằng, anh Hoàng ngã xe máy nên lao đầu vào dải phân cách.
Lời khai của anh Hoàng đã nói hé lộ một phần sự việc: “Lúc đó tôi định quay xe vòng lại để trốn thoát nhưng biết mình bị chặn, trên đường lại quá nhiều xe cộ nên đã dừng xe, giơ hai tay lên đầu. Tuy nhiên một trong hai người đó đã dí dùi cui điện vào mạng sườn, một người khác mặc sắc phục dùng dùi cui vụt vào mặt tôi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đã nằm trong Bệnh viện Thanh Nhàn với rất nhiều vết thương ở xung quanh cổ, gẫy xương gò má” - anh Hoàng nói
Việc anh Hoàng vi phạm luật giao thông và bỏ chạy là phải xử lý, tuy nhiên, trong tình huống này, các chiến sỹ 141 đã quá mạnh tay.
Ở bài viết này, chúng tôi không có ý phủ nhận những thành công mà các tổ công tác 141 đã đạt được. Mà ngược lại, Hà Nội bình yên như ngày hôm nay có phần không nhỏ công lao của họ. Điều này được thể hiện bằng con số các vụ trọng án, cướp giết, đâm chém, bắn bỏ, thanh toán… đã giảm so với cùng kì các năm trước.
Ban giám đốc Công an Hà Nội đã đình chỉ tổ công tác Y5 để làm rõ. Đại tá Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: Nếu có sai sót, thậm chí, các chiến sỹ 141 sẽ phải bị xử phạt nặng hơn cả dân thường. Đây được xem là một động thái cần thiết để trấn an dư luận và giữ gìn cho thương hiệu 141 trong lòng người dân Thủ đô.