Tuyển bóng đá U19 Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở cấp châu lục
Các cầu thủ của HLV Graechen giúp người hâm mộ có thêm niềm tin vào một tương lai tươi sáng, trong bối cảnh cả U23 lẫn đội tuyển bóng đá quốc gia liên tiếp gây thất vọng.
Chiến thắng 5-1 của U19 Việt Nam trước Australia đã làm nên một mốc son cho bóng đá nước nhà. Lần đầu tiên một tuyển trẻ Việt Nam có được chiến thắng đậm trước đối thủ đến từ một quốc gia giàu truyền thống trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Paul Okon, HLV của U19 Australia và là cựu cầu thủ của Lazio, tỏ ra tâm phục khẩu phục U19 Việt Nam. Truyền thông châu Á và Australia thì bàng hoàng sau thất bại không ngờ của các cầu thủ xứ sở chuột túi.
Chiến thắng trên chỉ là điểm cuối của hành trình hoàn hảo mà U19 Việt Nam đi qua tại vòng loại giải vô địch châu Á. Trước đó đoàn quân áo đỏ đã thắng Đài Loan 6-1 và Hong Kong 5-1 trong bảng đấu có 4 đội. Xa hơn nữa, U19 Việt Nam lọt vào trận chung kết giải vô địch Đông Nam Á và chỉ chịu dừng bước lối chơi rắn của chủ nhà Indonesia.
Trước bước tiến thần tốc của U19 Việt Nam, nhiều chuyên gia không khỏi bất ngờ. Stephen Morrow, giám đốc kỹ thuật của Arsenal, nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới thầy trò HLV Guillaume Graechen. Nhiều cầu thủ U19 Việt Nam được đào tạo trong chương trình hợp tác bóng đá với đội bóng Pháo thủ và đó là một phần lý do dẫn đến phép màu.
Lê Quang Liêm vô địch cờ chớp thế giới
Ngày 10/6, lịch sử cờ vua Việt Nam bước sang một trang mới khi Lê Quang Liêm giành chức vô địch cờ chớp thế giới. Sau nhiều chiến thắng tại các giải trẻ, Việt Nam lần đầu tiên có một chức vô địch dành cho các kỳ thủ trưởng thành được giới chuyên môn quan tâm.
Để lên ngôi cờ chớp năm nay, Quang Liêm đã vượt qua không ít đối thủ mạnh. Trong số đó có Ruslan Ponomariov (cựu vô địch FIDE), Ian Nepomiachtchi, Dmitry Andreikin (hai trong ba kỳ thủ có hệ số Elo trên 2.800 tham dự giải) và Alexander Grischuk (người duy nhất hai lần vô địch). (xem video)
Cờ chớp thế giới là giải đấu thu hút nhiều kỳ thủ hàng đầu và cũng là nơi nâng bước các nhà vô địch cờ tiêu chuẩn tương lai. Viswanathan Anand và Magnus Carlsen, hai nhà vô địch cờ tiêu chuẩn gần nhất, đều có ít nhất một lần vô địch cờ chớp. Các huyền thoại Bobby Fischer, Mikhail Tal cũng có thời xây dựng tên tuổi tại giải đấu này.
Tiến Minh giành HC đồng giải vô địch cầu lông thế giới
Tay vợt TP HCM đang nỗ lực đưa Việt Nam lên bản đồ cầu lông thế giới.
36 năm sau khi giải vô địch thế giới ra đời, cầu lông Việt Nam mới có tên trong nhóm giành HC khi tay vợt Nguyễn Tiến Minh lọt vào vòng bán kết đơn nam. Tiến Minh có được thành tích này sau một chuỗi trận xuất sắc, trong đó có chiến thắng trước hạt giống số 9 Jan Jorgensen ở tứ kết.
Không chỉ giải cơn khát huy chương cho Việt Nam, Tiến Minh còn lập kỷ lục tại giải vô địch thế giới khi cùng Jorgensen tạo ra màn đánh cầu dài nhất trong lịch sử. Tổng cộng hai tay vợt có 108 lần đập, trả trong gần 2 phút. Thành tích này khiến báo chí nước ngoài nghi ngờ cả hai đã dùng doping. (xem video)
So với các nước giàu truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, cầu lông Việt Nam vẫn ở một đẳng cấp kém khá xa. Nỗ lực của Tiến Minh đã khởi đầu cho một làn sóng mới và đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 18 có tên trên bảng thành tích thế giới.
Ánh Viên giải cơn khát vàng cho bơi nữ Việt Nam tại SEA Games
Bơi nữ Việt Nam cho đến trước SEA Games 27 chưa một lần đứng lên bục cao nhất đấu trường khu vực, và cơn khát đó đã được giải tỏa khi Nguyễn Thị Ánh Viên lập cú đúp hôm 12/12. Kình ngư Cần Thơ bỏ xa đối thủ về nhì tới hơn 1 giây ở nội dung 200 m hỗn hợp trước khi phá kỷ lục 200 m ngửa.
Không chỉ mở ra một trang mới cho bơi nữ Việt Nam, Ánh Viên còn trở thành một chuyên gia săn huy chương tại giải năm nay. Hôm 17/12, với thành tích về nhất nội dung 400 m hỗn hợp, kình ngư 17 tuổi thêm một lần đứng trên bục vinh quang.
Xuống nước 8 lần đấu chung kết, giành 3 HC vàng, 2 bạc, 1 đồng và phá 2 kỷ lục, Ánh Viên là VĐV Việt Nam giàu thành tích nhất SEA Games. Thành tích vượt trội của cô gái 17 tuổi trong những ngày thi đấu cuối năm là cơ sở để giới chuyên môn tin vào một cuộc đột phá tại các đấu trường châu lục trong tương lai gần.
Arsenal khuấy động mùa hè Việt Nam
Ngày 16/7, khoảng 25.000 khán giả, con số kỷ lục cho một buổi tập, nô nức kéo về sân Mỹ Đình để tận mắt chứng kiến thầy trò HLV Arsene Wenger bằng xương bằng thịt. Trong trận giao hữu sau đó lượng khán giả lên đến 40.000. Những con số hiếm có trong đời sống bóng đá Việt cứ liên tục xuất hiện hoàn toàn nhờ sự có mặt của các cầu thủ Arsenal, đội bóng Ngoại hạng Anh đầu tiên đến Việt Nam du đấu.
Không chỉ tạo ra những làn sóng người trên sân cỏ, thầy trò HLV Wenger còn gây một “cơn bão” trên các phương tiện truyền thông và cả những nơi họ đi qua. Hàng trăm cơ quan báo chí, trong đó có những tờ báo bán chạy hàng đầu Anh quốc như Daily Mail, Mirror, Sun, cập nhật tin tức thường xuyên về hoạt động của Arsenal. Xe chở đội tham quan Hà Nội thì trở thành mục tiêu săn đón của hàng nghìn CĐV mỗi ngày.
Chuyến du đấu trở nên thú vị hơn nhờ câu chuyện cổ tích mang tiêu đề "Running Man" Vũ Xuân Tiến. Chàng trai Hải Dương chạy theo xe chở đội suốt 5 km, xuyên qua các con phố đông đúc của Hà Nội, qua đó trở thành một biểu tượng về tình yêu bóng đá.
Bayern giành cú ăn ba bóng đá
Trong khi các thế lực cũ suy thoái, Bayern đang trỗi dậy tìm lại vị thế thống trị trên đấu trường châu Âu. Danh sách các đội giành cú ăn ba, nơi vốn chỉ dành cho Barca, Man Utd, Inter, Ajax, PSV và Celtic, nay có thêm một cái tên đến từ Bundesliga. Bayern, dưới sự dẫn dắt của Jupp Heynckes, như một cơn lốc cuốn phăng mọi đối thủ trên con đường chinh phục. Trong đó riêng Barca phải nhận 7 bàn thua trong hai lượt trận bán kết Champions League.
Chiến thắng vang dội của Bayern là một minh chứng cho thấy chất lượng và cách làm bóng đá hiệu quả của các đội bóng Đức. Mức đầu tư vào thị trường chuyển nhượng tại Bundesliga chỉ bằng 50% so với Premier League hoặc La Liga. Lấy lối chơi tập thể, kỷ luật chiến thuật bù đắp cho chênh lệch về ngôi sao, Bayern và Dortmund đã chung tay làm nên trận chung kết Champions League toàn Đức đầu tiên.
Sir Alex nghỉ hưu
Không lâu sau khi Man Utd giành chức vô địch Premier League thứ 13, cả thế giới bóng đá bất ngờ khi HLV Alex Ferguson tuyên bố giải nghệ. Nhà cầm quân 71 tuổi cảm thấy không còn đủ sức khỏe dẫn dắt Quỷ đỏ và muốn dành thời gian vui thú điền viên.
Như bình luận của tờ Guardian, quyết định chia tay của Sir Alex đã chấm dứt một kỷ nguyên thành công. Trong 27 năm dẫn dắt Man Utd, ông giành được cả thảy 38 danh hiệu, với đỉnh cao là hai chức vô địch Champions League.
Sự ra đi của Sir Alex là một tổn thất lớn cho giới chuyên môn và người hâm mộ. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu Michel Platini và Thủ tướng Anh David Cameron không tiếc lời ca ngợi chiến lược gia Scotland như một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử bóng đá. Sự kiện chia tay HLV sau 27 năm cũng tác động xấu lên Man Utd. Dưới sự dẫn dắt của người kế nhiệm David Moyes, Quỷ đỏ có thời điểm kém Arsenal 12 điểm và hiện đứng ngoài top 4 giải Ngoại hạng Anh.
Gareth Bale phá kỷ lục chuyển nhượng bóng đá
10 cầu thủ đắt giá nhất thế giới.
Cuộc chạy đua giành chữ ký cầu thủ xứ Wales giữa Real Madrid và Man Utd đã đẩy giá chuyển nhượng lên một nấc thang mới là 100 triệu euro, cao hơn kỷ lục cũ của Cristiano Ronaldo năm 2009 khoảng 6 triệu. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha muốn có một cầu thủ đắt giá nhằm đáp lại vụ Barca mua Neymar, và Gareth Bale là cái tên phù hợp.
Như nắm được điểm yếu của cả Real Madrid lẫn Man Utd, Tottenham cố tình trì hoãn vụ chuyển nhượng đến thời hạn chót là ngày 1/9. Chiêu bài này tỏ ra hiệu quả, để rồi đại gia thành Madrid phải bấm bụng chi số tiền mà “gà trống” yêu cầu. Giá của Bale cao gần gấp đôi so với Neymar (57 triệu) và gấp bốn lần so với Ronaldo béo năm 1997.
Để có được ngôi sao xứ Wales, Real đã phải hy sinh không ít. Chủ tịch Florentino Perez bất đắc dĩ phải bán cả Mesut Ozil, Gonzalo Higuain lẫn Jose Callejon trong nỗ lực huy động tài chính cho thương vụ thế kỷ. Sự ổn định của Real vì thế cũng bị ảnh hưởng, mà bằng chứng là họ chỉ xếp thứ ba sau 16 vòng đầu La Liga mùa này.
Nadal tái chiếm ngôi đầu làng quần vợt
Ngày 5/10, Rafael Nadal trở lại vị trí số một bảng tổng sắp ATP sau hai năm ba tháng bị phế truất. Đây là một kỳ tích bởi chỉ 10 tháng trước đó, tay vợt Tây Ban Nha còn đứng ngoài top 5 lần đầu tiên kể từ năm 2005 và mới kết thúc quá trình điều trị chấn thương kéo dài 6 tháng.
Tái xuất từ giải Chile mở rộng hồi tháng 2, Nadal bắt đầu một cuộc ngược dòng ngoạn mục đáng nhớ. Tổng cộng anh giành 10 danh hiệu, trong đó có hai chức vô địch Grand Slam Roland Garros và Mỹ mở rộng.
Sự trở lại của Nadal như muốn chứng minh rằng top 4 bảng tổng sắp ATP luôn tiềm ẩn bất ngờ. Novak Djokovic tưởng như sẽ giữ chắc ngôi số một thế giới với thành tích lọt vào chung kết ba giải Grand Slam khác nhau năm thứ ba liên tiếp. Trong trận chung kết Mỹ mở rộng, tay vợt này thua chính Nadal với tỷ số 1-3.
Một năm sau khi phải nghỉ thi đấu liên tục, Nadal còn khôi phục vị trí tay vợt kiếm được nhiều tiền thưởng nhất. Tổng cộng năm 2013 anh mang về 14,57 triệu USD từ các trận đấu, vượt xa kỷ lục cũ 12,8 triệu của Djokovic năm ngoái cũng như thành tích tốt nhất của Roger Federer năm 2007 là 10,13 triệu.
Magnus Carlsen soán ngôi vua cờ của Anand
6 năm sau khi giành chức vô địch thế giới cờ tiêu chuẩn, Viswanathan Anand cuối cùng cũng gặp “khắc tinh”. Kỳ thủ 22 tuổi Magnus Carlsen chỉ cần 10 ván để đánh bại đương kim vô địch với tỷ số cách biệt 6,5 - 3,5.
Trận tranh vương miện cờ vua 2013 là một bằng chứng cho thấy kinh nghiệm chỉ đóng góp một phần nhỏ cho thành công. Anand có số tuổi nhiều gần gấp đôi cùng sự từng trải qua ba lần bảo vệ chức vô địch, rốt cuộc phải chịu thua chóng vánh. Thể hiện tâm lý vững vàng và cách chơi sáng tạo, Carlsen đã làm cả thế giới thay đổi cái nhìn về những kỳ thủ trẻ.
Chiến thắng của Carlsen đã chấm dứt giai đoạn thống trị cờ vua lâu nhất kể từ thời huyền thoại Garry Kasparov. Trước đó các nhà vô địch thường giữ vương miện trong một thời gian dài, cá biệt lên đến 27 năm như Emanuel Lasker.