1. Từ tháng 12/2013 tới ngày 7/8, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1.600 trường hợp nhiễm bệnh và gần 1.000 người tử vong tại 4 nước Tây Phi. Các trường hợp nhiễm bệnh virus Ebola được phát hiện tại Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone. Số người tử vong đông nhất tại Guinea, với 358 người trên tổng số 485 ca nhiễm bệnh.
2. Bệnh Ebola (trước đây gọi là bệnh sốt xuất huyết Ebola) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Nghĩa là, cứ 10 người mắc bệnh thì có tới 9 người tử vong. 3. Dịch Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại một ngôi làng gần sông Ebola ở Congo và một ngôi làng khác ở vùng hẻo lánh thuộc Sudan. Tên virus này được đặt theo tên của con sông nơi phát hiện lần đầu.
4. Nguồn gốc của virus Ebola chưa được xác định rõ, song loài dơi ăn quả Pteropodidae được coi là vật chủ tự nhiên của virus này. Ngoài ra, các loài động vật khác như khỉ đột, vượn, lợn cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh.
5. Virus Ebola lây qua tiếp xúc gần với máu, dịch tiết hoặc các dịch cơ thể khác. Tại châu Phi, việc lây nhiễm diễn ra do người dân tiếp xúc với những con vật trung gian truyền bệnh như tinh tinh, khỉ đột, dơi, khỉ, linh dương thậm chí cả nhím. Khi một người tiếp xúc với con vật có virus Ebola, virus này có thể lây qua những người khác do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất dịch cơ thể khác hoặc dịch tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch).
6. Những người có nguy cơ cao với việc nhiễm virus Ebola bao gồm: các nhân viên y tế; người nhà hoặc những người tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh; người tiếp xúc trực tiếp với thi thể nạn nhân trong các đám ma. Ngoài ra, những người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola tại các khu rừng nhiệt đới cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh, theo WHO.
7. Các triệu chứng của Ebola là gì? Theo WHO, sốt đột ngột, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu và đau cổ họng là những triệu chứng điển hình của dịch Ebola. Ói mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận và gan và trong một số trường hợp là chảy máu cả bên trong lẫn bên ngoài (Ebola cũng có thể gây ra chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng và trực tràng) là những triệu chứng tiếp theo.
Thời gian ủ bệnh của virus Ebola khoảng từ 2 đến 21 ngày, kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh cho tới khi có những triệu chứng bệnh đầu tiên. Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, tế bào máu và số lượng tiểu cầu những người nhiễm virus Ebola thấp trong khi đó men gan cao hơn bình thường. Cũng theo WHO, các bệnh nhân sẽ dễ lây bệnh cho người khác khi họ bắt đầu có triệu chứng. Trong thời gian ủ bệnh, họ không có khả năng lây lan.
8. Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa virus Ebola. Một số loại vắc-xin đang được thử nghiệm song chưa có bất kỳ loại nào sẵn sàng cho việc sử dụng đại trà. Cũng theo WHO, thuốc đặc trị căn bệnh này chưa được tìm ra. Các loại thuốc vẫn đang trong quá trình đánh giá.
9. Mặc dù nguy cơ với khách du lịch là không cao do cơ chế lây truyền từ người sang người là tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể hoặc dịch tiết (nước bọt, nước tiểu, tinh trùng, phân) của người bệnh. Tuy nhiên, WHO vẫn khuyến cáo hạn chế thương mại và du lịch tới những vùng dịch bệnh đang bùng phát.
10. Hiện tại, WHO chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về nguy bùng phát dịch Ebola trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, dịch Ebola tại Tây Phi đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát và nhiều quốc gia đã lên kế hoạch để chủ động đối phó với dịch bệnh này khi nó xuất hiện. Theo WHO, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thuộc phạm vi phân bố của họ hàng loài dơi ăn quả Pteropodidae, vật chủ tự nhiên của virus nguy hiểm này.
Tại Việt Nam, từ 31/7, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cung cấp thông tin và khuyến cáo một số biện pháp phòng, chống dịch Ebola để người dân chủ động phòng chống. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch.