Gong Ji-Young là một tác giả nổi danh tại Hàn Quốc. Bắt đầu sáng tác từ năm 1988, cho đến nay bà đã đoạt không ít giải thưởng văn học quan trọng tại Hàn Quốc trong đó có Giải thưởng văn học thế kỉ 21, Giải thưởng văn học của Hiệp hội tiểu thuyết gia Hàn Quốc.
Vào một ngày cuối năm, khi đang đi trên một chuyến xe taxi để chuẩn bị trở về nhà sum họp sau một năm thành công và hạnh phúc, bà nghe tiếng cô phát thanh viên nói trên chiếc radio. “Hôm nay, lúc mười giờ sáng, các trại giam trong cả nước đã tiến hành thi hành án tử hình với hai mươi ba tù nhân - một con số có thể nói là nhiều nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây”.
Khi nghe tin đó, bà đã nghẹn lại nơi cổ họng. Và bắt đầu nghĩ về một cuốn tiểu thuyết với đề tài khó khăn, tìm đến với những người tử tù và tìm hiểu xem họ thực sự là ai sau những bài báo về những vụ án kinh hoàng.
Theo lời của Gong Ji-Young thuật lại trong cuốn sách, những người tử tù ở Hàn Quốc thường được tiếp xúc với các cha xứ và các vị sơ. Họ đến thăm những người tù 3 tiếng một tuần vào một khoảng thời gian cố định, đưa cho họ sách để họ đọc, mang bánh trái cho họ và trò chuyện với họ. Từ khi bắt đầu viết tiểu thuyết "Yêu người tử tù", Gong Ji-Young bắt đầu chạy bộ và cầu nguyện để tinh thần và thể chất luôn ở trạng thái tốt nhất. Bà muốn viết một cách cẩn trọng. Và khi thực sự tiếp xúc với những người tử tù, bà thấy kinh ngạc.
So với tình tiết của những vụ án và hồ sơ kinh hoàng mà bà đọc được trên báo, những kẻ phạm tội giết người trở nên trông giống con người hơn rất nhiều lần so với bà tưởng tượng.
"Tôi đã gặp họ. Và đáng lẽ ra, lúc gặp họ tôi phải cảm thấy sợ hãi hoặc chí ít là phải có chút ác cảm gì đó, nhưng không, tôi đã không hề có những cảm giác ấy. Ngược lại, tôi lại tự hỏi: Tại sao họ lại có một khuôn mặt rạng rỡ và thánh thiện đến thế. Khuôn mặt họ trông đẹp như khuôn mặt của những nhà tu đạo, dù đôi lúc tôi thấy trong ánh mắt ấy có thoáng một chút u tối, một chút bất an, một chút muộn phiền về số phận và về tương lai nhưng so với những khuôn mặt tôi đã từng gặp ở ngoài đời, tôi thấy khuôn mặt của họ còn đẹp đẽ hơn, rạng rỡ hơn gấp nhiều lần. Họ làm tôi phải tự hỏi lại bản thân mình, rằng có thực sự là tôi thiện hơn - à không - tôi ít tội hơn họ hay không?
Và rất lạ, cứ hôm nào tôi đi gặp những người tử tù đó về, đêm hôm đó tôi lại ngủ rất ngon. Trước đây, khi gặp những người bình thường, tôi luôn cảm thấy lạnh lùng, thậm chí thấy vô cảm và buốt giá còn hơn cả những cơn gió mùa đông, vậy mà khi đi gặp những người tử tù đó tôi lại thấy lòng mình bình thản và ấm áp vô cùng. Phải chăng là hơi ấm của những con người đã hoàn toàn biết hối cải, hay đó là biểu trưng của sự chiến thắng trong việc giáo hóa nhân cách con người, hay đó là sự ban ơn cứu rỗi của Chúa? Nếu tất cả những điều trên đều không đúng, chỉ còn duy nhất một khả năng, đó chính là sự minh chứng cho bản chất tồn tại của con người - yêu và được yêu!"
Và bà đã bắt tay vào viết một trong những cuốn tiểu thuyết quan trọng và cảm động nhất của mình. Với những câu chuyện bất hạnh cùng cực về việc con người - đặc biệt là những đứa trẻ đã bị đối xử nhẫn tâm tới mức nào và vì sao chúng biến thành quái vật. Tác phẩm của bà có 3 nhân vật chính xuyên suốt: người tử tù trẻ tuổi Yoon Soo; sơ Mônica - người đều đặn đến thăm những người tù bất kể gió bão trong suốt 30 năm, nhân vật đại diện cho tình yêu cho đi vô điều kiện, luôn tìm kiếm phần người thánh thiện từ phía những người tử tù một cách bền bỉ, kiên tâm mà không đòi hỏi điều gì đáp lại; và cô cháu gái Yoo Jeong của sơ - một người phụ nữ thành đạt nhưng chất chứa trong lòng mình những mặc cảm và bất hạnh.
Tác phẩm "Yêu người tử tù", ra mắt bản tiếng Việt 8/2014
"Tôi muốn bắt đầu kể câu chuyện ấy bây giờ. Câu chuyện kể về một gia đình không có gì khác ngoài sự đau khổ, một gia đình mà cuộc sống thường nhật chỉ toàn nghe thấy tiếng chửi rủa, tiếng roi gậy hay tiếng kêu thét. Đó cũng là câu chuyện về một con người luôn cho rằng mình là kẻ bất hạnh nhất trên thế gian này, câu chuyện đó - câu chuyện của chính tôi".
Tác phẩm đã mở đầu như vậy. Người tử tù Yoon Soo còn rất trẻ, anh mới 27 tuổi và bị kết án trước đó hơn 1 năm, tội giết 3 người và cưỡng hiếp một cô bé 17 tuổi. Đó là một tội ác đáng ghê tởm, nhưng thực sự Yoon Soo có mắc tội không?
Câu trả lời là có và không. Anh đã giết 1 trong số 3 người đó, nhưng cô bé 17 tuổi không phải do anh cưỡng hiếp và giết chết, mà là người đồng phạm. Anh ta đã nhanh chân tự thú và thuê luật sư đổ hết mọi tội lỗi cho anh.
Yoon Soo quá nghèo. Ở một đất nước giàu có và mang nặng tư tưởng phân biệt, người ta không còn tin người nghèo nữa. Từ khi sinh ra anh đã là một đứa trẻ bất hạnh. Mẹ anh thường xuyên bị cha anh - người chồng nát rượu của bà - đánh đập tàn nhẫn và dã man. Anh có một cậu em trai nhỏ tuổi bị mù, và cậu bé bị những đứa trẻ khác hành hạ ở khắp nơi. Mẹ anh và em trai anh là điển hình cho những người không thể tự bảo vệ mình và chống trả khi bị người khác ức hiếp.
Yoon Soo lớn lên trong bạo lực, dù anh có cố sức thế nào cũng không thể bảo vệ được mẹ và em trước cái nghèo, sự hành hạ dã man và sự khinh rẻ của người khác. Khi đất nước Hàn Quốc của anh ngày càng trở nên giàu có và phát triển, thì hố sâu giàu nghèo cứ doãng rộng mãi ra. Một tầng lớp những người đứa trẻ như anh và em trai lớn lên chịu đựng bạo lực và thường xuyên chịu đói, không hề nhận được một chút hơi ấm của cả mẹ lẫn cha, lẫn bất cứ ai ngoài xã hội.
Tâm lý học tội phạm cho rằng: "Nếu đối xử với người khác như quái vật thì sẽ trở thành quái vật". Yoon Soo và đứa em trai nhỏ của anh đã bị những người khác đối xử như quái vật. Sự căm hận và tâm lý trả thù bắt đầu tích tụ trong anh, đến lượt anh cũng tiếp tục nhìn cuộc đời bằng trái tim chất chứa hận thù.
Cô cháu gái Yoo Jeong lại là một trường hợp bất hạnh khác. Yoo Jeong bị người anh họ con ông bác giàu có cưỡng hiếp khi cô 15 tuổi. Nhưng cả nhà chẳng ai bênh vực cho cô bởi ông bác quyền lực trong Quốc hội chính là người nâng đỡ việc buôn bán của gia đình. Yoo Jeong không bao giờ còn là chính mình nữa, cô đã 3 lần tự tử mà không thành, cha mẹ mua cho cô bằng đại học danh giá ở Pháp để cô trở về Hàn Quốc với tư cách là một người có địa vị cao trong xã hội.
Người đã cứu rỗi cả hai linh hồn đó và khiến họ gặp nhau là sơ Mônica - một bà sơ hơn 70 tuổi, nhỏ thó và không có con cái. Người đã liên tục cho đi tình yêu và sự động viên vô điều kiện. Người đã luôn cố gắng đánh thức tình yêu trong tim người khác bằng cách cho đi tình yêu và sự chăm sóc qua từng lời thăm hỏi động viên, từng chiếc chăn ấm và từng chiếc bánh ngọt mang cho những người tù. Bà đã yêu thương anh cải hóa được anh thành một thiên thần, dù chỉ để sau đó chẳng thay đổi được kết quả đã định trước, người tử tù trẻ tuổi Yoon Soo vẫn phải chấp nhận cái chết đến với mình như hình phạt đã tuyên.
"Tôi muốn dành tặng cuốn sách này cho những người tử tù - những người anh em bằng hữu của tôi, những người đã cùng tôi ăn bánh mì sau mỗi buổi lễ cầu nguyện, những người đã làm cho tôi xúc động và khóc rất nhiều, những người đã dạy cho tôi biết rằng dù là người tử tù, dù là người viết truyện, dù là những đứa trẻ nhỏ hay dù là những ông thẩm phán tòa án... - đã là con người thì ai ai cũng đều có một điểm chung, đó là muốn được yêu thương và muốn được công nhận. Cũng chính họ đã dạy cho tôi biết rằng, ngoài việc chia sẻ tình yêu thương và lòng nhân ái với những người xung quanh, tất cả những cái khác chỉ là những tiếng ồn đã được vỡ ra thành sự phẫn nộ... Họ thậm chí đã rất lo lắng cho tôi vì họ sợ sau khi cuốn sách này được xuất bản, tôi sẽ phải gánh chịu nhiều phản ứng trái chiều từ phía những gia đình có người bị hại... Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho tất cả họ cũng như cho những người sau này sẽ trở thành tro bụi bay về thế giới bên kia. Tôi đã hiểu ra một điều rằng, bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng đều không được làm ngơ trước những nỗi đau đớn và những nỗi thống khổ của những con người ấy. Đó là sự thật! Mà chính nhờ có họ, tôi đã hiểu được điều đó". (Lời bạt của Gong Ji-Young cho tác phẩm) |