Gọi là ngũ quả nhưng không có quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả trong ngày Tết.
Theo quan niệm dân gian, 5 sắc màu trong mâm ngũ quả tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Còn theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí.
Miền Bắc thường bày 5 loại quả có 5 màu khác nhau như: chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen.
Do trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.
Ở miền Nam, mâm ngũ quả thường thấy các loại mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm… đọc chệch thành các tên "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung", kiêng kỵ những trái cây mang ý nghĩa xui rủi như chuối (chúi nhủi), lê (lê lết), cam (cam chịu)...
Ý nghĩa cụ thể một số loại trái cây trong mâm ngũ quả:
Chuối: Bình an, phúc lộc
Bưởi: Phúc lộc viên mãn
Dưa Hấu: Tốt đẹp, viên mãn, trung thực
Đu đủ: No đủ, sung túc, thịnh vượng
Mãng cầu: Mọi điều như ý
Dứa (Thơm): Thơm tha, nhiều phúc lộc
Dừa: No đủ, không thiếu thốn
Quất: Sung túc, đa lộc