Xung quanh những vụ bạo lực tại Cúp Quốc gia 2012: Điếc không sợ súng!

Những vụ lùm xùm bạo lực ở tứ kết Cúp Quốc gia 2012 khiến dư luận như sôi lên. Dẫu vậy, nếu cứ theo đà “cải tiến” của VPF và Ban kỷ luật, SLNA, Thanh Hóa và Ninh Bình có gì phải ngán…

Nghỉ Cup, không nghỉ Super League

Trước loạt trận tứ kết Cúp Quốc gia 2012, tiền đạo Samson Kayode dính án phạt nguội, treo giò 2 trận. Tuy nhiên, đến trận tứ kết Cúp Quốc gia gặp SQC.Bình Định, chân sút người Nigeria vẫn ra sân. Lý do đơn giản: tiền đạo của Hà Nội T&T chỉ bị phạt treo giò ở Super League, còn Cúp Quốc gia thì… vô tư.

Trái ngược với tình cảnh của Samson, Timothy và Hoàng Vissai đã đối đáp với nhau bằng chân tay ở vòng 1/16 Cúp Quốc gia 2012. Tuy nhiên, Ban kỷ luật cũng chỉ xử treo giò 2 trận và giới hạn chịu thi hành án chỉ nằm ở Cúp Quốc gia. Có nghĩa như Timothy, nếu còn chơi bóng ở Việt Nam thì đến mùa 2013, tiền đạo người Nigieria mới chịu án treo giò ở sân chơi này. Còn tại Super League, tiền đạo của đội bóng do bầu Kiên sở hữu cứ ung dung chơi bóng.

Việc VPF và Ban kỷ luật chỉ xử lý kỷ luật cầu thủ giới hạn trong từng giải đấu - kẽ hở cho các đội bóng không hề ngán ngại. Ảnh: Khánh Hòa

Việc xử lý kỷ luật chỉ giới hạn trong từng giải đấu được Tổng Giám đốc kiêm Trưởng BTC Cúp Quốc gia 2012 VPF Phạm Ngọc Viễn gọi là “một bước cải tiến trong điều hành, quản lý giải đấu”. Ông Viễn cũng phủ nhận những tiền lệ trong quá khứ, kiểu Hải Phòng vi phạm ở V-League nhưng bị treo sân, thi hành án ở Cúp Quốc gia. Bởi ông Viễn cho rằng, xử lý kỷ luật kiểu vậy là bất hợp lý và Ban kỷ luật phải cải tiến theo hướng án giải nào, chịu giải đó.

Tất nhiên, trường hợp thẻ đỏ của Hoàng Thịnh, Đức Huy (trận SLNA - Ninh Bình) hay vụ tẩn nhau giữa Sunday và Kesley (Sài Gòn FC - Thanh Hóa) chưa đến mức độ đặc biệt nhạy cảm. Chính vì vậy, người ta cũng sẽ mường tượng ra cảnh, tất cả những cầu thủ này bị treo giò ở Cúp Quốc gia. Nếu vậy, trừ những cầu thủ thuộc đội bóng lọt vào đến bán kết, số còn lại… vô tư, dưỡng sức cho Super League.

 Ngán gì?

Câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý Super League, Cúp Quốc gia là: Cách nào cho những cầu thủ vừa gây hấn, chơi bạo lực ở tứ kết Cúp Quốc gia hướng thiện? Rõ ràng, với tiền lệ sẵn có, chắc chắn Ban kỷ luật không dám phá đổ thành quả “cải tiến” mà họ vừa đưa ở vòng đấu trước của Cúp Quốc gia. Chỉ có thực tế, Thanh Hóa, SLNA hay Sài Gòn FC, dẫu có lùm xùm tranh cãi thì cũng đâu quá ngán, khi án chỉ nằm ở Cúp Quốc gia.

Thật ra, các nhà tổ chức cố gắng không phân biệt đẳng cấp của Super League và Cúp Quốc gia. Nhưng bao mùa nay, kể cả khi Cúp Quốc gia nóng như lửa vì những pha đấu võ tay chân, Cúp Quốc gia cũng chỉ là sân chơi hạng 2 của bóng đá Việt Nam. Vì vậy, nếu án phạt của Ban kỷ luật có nặng đến cỡ nào, chỉ giới hạn trong khuôn khổ Cúp Quốc gia mà không ảnh hưởng đến sức mạnh ở Super Cup thì không có đội bóng nào ngán ngẩm.

VPF và Ban kỷ luật đang ngắm và thực hiện những cải tiến trong cung cách điều hành, tổ chức giải. Nhưng càng cải tiến, dấu hiệu thành công lại tít mù. Nói đúng hơn, chính VPF và Ban kỷ luật đang vô tình biến các đội bóng vào thế bịt tai mà chơi.

Điếc thì có bao giờ sợ súng?!