“Anh chị cho em suy nghĩ một lúc”
Từ đầu đến cuối câu chuyện với chúng tôi, Lê Văn Luyện thường cúi mặt xuống, chắp hai tay trước bàn. Khi cuộc nói chuyện đã trở lên cởi mở, Luyện bất ngờ ngẩng đầu lên, đặt câu hỏi ngược lại: “Anh chị đi nhiều, có nghe tin gì về bố em không?”. Đáp lại ánh mắt mong đợi từ phía Luyện, tôi bảo: “Bố em vẫn khỏe, hiện đang cải tạo tại trại giam Tân Lập của bộ Công an”. Nghe xong, hắn cụp mắt xuống, giọng buồn rầu: “Em ân hận lắm!”.
Tôi ngỏ ý dò xét: “Người ta ví em như “sát thủ máu lạnh” và không biết khóc bao giờ? Em nghĩ sao về điều đó?”. Vẫn chất giọng đều đều, đôi chút xen lẫn sự run rẩy, dù điều đó là rất khẽ nhưng người đối diện cũng phần nào cảm nhận được từ cử chỉ của hắn. Luyện thừa nhận: “Đúng là ngày trước thì em không khóc, nhưng sau lần dự phiên tòa xét xử bố em và nhiều người thân trong gia đình về hành vi che giấu và không tố giác tội phạm, em đã khóc. Giờ nhiều đêm suy nghĩ, em vẫn khóc vì thương mọi người. Tại em mà họ phải đi tù. Rồi cả lần mẹ em, cậu, bà và những người thân khác vào đây “tiễn em về trại mới”. Mẹ cũng khóc rất nhiều và động viên em cải tạo cho tốt để sớm được trở về với gia đình. Lúc đó, em cũng hứa với mẹ như thế, nói mẹ và gia đình giữ gìn sức khỏe, rồi chào mọi người. Tuy nhiên, khi mẹ và cả nhà về rồi em mới khóc”.
“Có khi nào Luyện khóc nữa không?” tôi hỏi– “Cũng có nhưng ít thôi vì trong phòng giam có nhiều người. Em không muốn họ biết. Thỉnh thoảng em suy nghĩ miên man rồi khóc, nhưng thường là vào ban đêm...”.
Có ai đó từng nói “con người ta dù lì lợm, cứng cổ đến đâu nhưng cũng dễ bị xúc động bởi tình thân, máu mủ”, có lẽ với Lê Văn Luyện cũng không là ngoại lệ.
Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi nhìn thẳng vào ánh mắt Luyện gợi ý: “Em có muốn gửi vài dòng thư đến cho người thân không?”. Hắn giãi bày: “Từ bé đến lớn, em chưa từng nhận được thư và cũng chưa viết thư cho ai bao giờ!”.
Chúng tôi động viên: “Có những điều mình suy nghĩ nhiều, nhưng không nói ra được thì sẽ dễ u buồn, nhưng khi nói được ra rồi, chia sẻ với mọi người rồi, sẽ cảm thấy thanh thản hơn rất nhiều. Em cứ thử viết vài dòng tâm tư của mình, gửi cho gia đình, biết đâu sẽ nhẹ lòng hơn để an tâm cải tạo!”. Trước lời động viên của chúng tôi, Luyện tỏ ra ngập ngừng: “Vâng, thế anh chị cho em suy nghĩ một lúc nhé!”.
Rồi, Luyện nói tiếp: “Em vào đây, được Ban Giám thị và cán bộ quản giáo trại giam tiếp xúc, động viên nhiều nên cũng an tâm hơn để cải tạo. Ngày mới vào, em ít nói, không muốn chia sẻ tâm sự với ai nhưng giờ khác rồi, hay nói chuyện hơn”.
Trước khi chia tay chúng tôi để trở về nơi cải tạo, Lê Văn Luyện cứ ngập ngừng chưa muốn đi. Hắn đứng giữa phòng, nhìn chúng tôi, rồi lại cúi mặt xuống, vẻ chần chừ. Tôi cố tình nán lại để nghe xem hắn muốn nói điều gì... Cuối cùng, Luyện tỏ vẻ quyết định chìa tay ra đề nghị: “Cho em xin tờ giấy và một cái bút. Em muốn viết mấy dòng thăm hỏi, chút nữa nhờ anh chị nhà báo chuyển giúp cho bố em và gia đình”.
Chúng tôi hỏi ý kiến cán bộ trại giam và đưa cho Luyện mấy tờ giấy kẻ ngang cùng một cái bút. Hắn cảm ơn rồi vớ lấy chiếc mũ lá, bước lững thững dưới trời mưa phùn, theo chân cán bộ trở về khu sản xuất.
Quả thực, chúng tôi cũng có cảm giác hồi hộp, không hiểu lần đầu tiên đặt bút viết thư, Lê Văn Luyện sẽ nhắn gửi điều gì về gia đình.
“Tâm thư” của “đứa con bất hiếu”
Chuyến công tác của chúng tôi cũng đã đến lúc kết thúc, gần quá trưa, khi PV chào cán bộ trại giam để chuẩn bị ra về thì một cán bộ quản giáo đến đưa lá thư với những dòng chữ viết vội của Lê Văn Luyện. Nội dung lá thư cũng được báo cáo qua ban giám thị trại giam.
Nhìn nét chữ xiêu vẹo, nhưng sạch sẽ của người viết, chúng tôi phần nào nhận thấy, Lê Văn Luyện đã cố gắng viết những lời tâm sự, động viên với mong muốn gửi được cho cả bố và những người thân khác trong gia đình. Hắn viết gửi bố một đoạn riêng; gửi ông bà, mẹ và gia đình một đoạn khác. Cuối mỗi đoạn thư đều có ký tên cùng dòng chữ: “Con bất hiếu!”.
Chúng tôi xin được giới thiệu với bạn đọc nguyên văn nội dung bức thư Lê Văn Luyện gửi cho gia đình mình.
“Tôi, phạm nhân: Lê Văn Luyện. K1, trại 3. Xin nhờ cán bộ trại giam và anh chị nhà báo chuyển giúp lá thư đến gia đình và bố (Lê Văn Miên đang ở trại giam Tân Lập).
Bố ơi! Bố có khỏe không Bố? Con ở dưới này thương nhớ Bố nhiều lắm Bố ạ! Bố ở trên đó cố gắng cải tạo và giữ gìn sức khỏe Bố nhớ! Mấy hôm nay trời lạnh rồi, Bố nhớ mặc ấm vào Bố nha! Con thương và nhớ Bố. Ký tên: Con bất hiếu: Luyện.
Ông, Bà, Mẹ và gia đình vẫn khỏe chứ ạ! Con ở trong này vẫn khỏe và vẫn luôn nhớ về mọi người. Gia đình ở nhà cứ yên tâm không cần lo lắng cho con đâu. Con ở đây được Ban Giám thị và cán bộ quan tâm nên con sẽ cố gắng cải tạo để chuộc lại lỗi lầm của con và sớm về đoàn tụ với gia đình. Mọi người ở nhà cố gắng và giữ gìn sức khỏe nhớ. Con thương mọi người nhiều lắm. Thời gian ngắn, con viết được vậy thôi. Con chào mọi người. Ký tên: Con bất hiếu: Luyện.
Anh chị nhà báo chuyển giúp về gia đình cho em với nha. Em cảm ơn mọi người nhiều lắm!”.
Bố Lê Văn Luyện nói gì khi đọc thư con? “Xin giới trẻ đừng tạo trào lưu xấu như thằng Luyện” Sau khi gặp và trò chuyện cùng phạm nhân Lê Văn Luyện ở trại giam số 3 – bộ Công an (đóng tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), PV tiếp tục có chuyến đi ngược lên Tây Bắc, tới trại giam Tân Lập (thuộc Tổng cục VIII – bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ), để gặp bố của Lê Văn Luyện, phạm nhân Lê Văn Miên. Trong lần gặp gỡ này, lần đầu tiên, phạm nhân Miên thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau. Ông này có vẻ gầy hơn nhiều so với ngày hầu tòa về tội danh che giấu và không tố giác tội phạm. Ngay sau khi cầm lá thư của con trai gửi với những lời nhắn ngắn gọn: “Bố giữ gìn sức khỏe, trời lạnh Bố nhớ mặc ấm...”, phạm nhân Miên bật khóc rồi bảo: “Đúng chữ thằng Luyện đây mà!”. Rồi, người đàn ông khắc khổ nghẹn ngào, cầm lá thư của con đọc đi đọc lại. Đi quá nửa đời người và từng đứng trước những lời phê phán, chỉ trích của dư luận, lần đầu tiên Lê Văn Miên cảm nhận được sự hối lỗi và có phần trưởng thành hơn của đứa con trai cả Lê Văn Luyện. “Hôm gần Tết vừa rồi, tôi nghe người ta nói phong thanh rằng, thằng Luyện lại dính líu vào chuyện liên quan đến ma túy, và bị kết án thêm 4 năm tù (?!), tôi lo lắng quá chẳng buồn ăn, đêm nào cũng suy nghĩ lo cho con. Từ khi vào trại đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi nhận được thư và biết tin thằng con trai cả sống chết thế nào. Thú thực, nó có tội lỗi như thế nào thì cũng là con mình, trách thì trách chứ không bỏ được. Tôi chỉ mong cải tạo tốt để sớm được về với gia đình và có cơ hội vào trong Nghệ An thăm, động viên nó”, phạm nhân Miên mắt đỏ hoe nói như vậy trước khi trò chuyện với chúng tôi. |