Hạnh phúc mong manh
Đó là hoàn cảnh của gia đình anh Lê Xuân Kỳ, chị Lê Thị Huệ ở xã Xuân Quang – Huyện Thọ Xuân – Tỉnh Thanh Hóa.
Được một người bạn kể về hoàn cảnh của gia đình anh, tôi vội vàng đến Bệnh viện Bạch Mai cho kịp giờ vào thăm. Trong căn phòng đậm mùi thuốc sát trùng ấy, cả người chăm sóc lẫn người bệnh đều toát lên vẻ khổ sở, còm cõi vì mỏi mòn chiến đấu với căn bệnh nan y. Anh Kỳ dáng người nhỏ bé, gầy gò, những đường gân hằn lên xanh lét, râu tóc bù xù vì đã lâu chưa một lần được cắt. Cả khuôn mặt chỉ rõ... đôi mắt thâm quầng trên sự hốc hác của da bọc xương.
Suốt 5 năm qua, ngoài thời gian chăm sóc khi vợ bệnh, anh lại một mình đơn độc nơi Hà thành làm việc quần quật để có chút tiền tích góp đem đi trả nợ. Để rồi khi đêm xuống, thay vì ngả lưng sau một ngày lao động vất vả, anh lại chập chờn trong giấc ngủ xen lẫn lo toan.
Vừa nói chuyện, anh vừa đưa mắt về phía giường bệnh, nơi có người vợ của anh đang thiếp đi vì mệt.
Dừng lại một lúc, anh nói trong nghẹn ngào: “Vợ mình đấy, cô ấy bị nhược cơ đã 5 năm. Bác sĩ nói, bệnh này hiện tại y học chưa chữa trị dứt điểm được. Thông thường chu kỳ phát bệnh là khoảng 3-5 tháng một lần. Mỗi lần như vậy đều phải mang ra Bạch Mai để lọc máu. Sau khi lọc máu, cơ thể sẽ khá lên một chút nhưng chỉ sau 2,3 tháng người sẽ yếu dần đi. Chi phí để tiến hành lọc máu từ 35-50 triệu đồng kèm theo thuốc uống để duy trì là cứ 4 tiếng/1 lần mỗi ngày”.
Anh ngậm ngùi: “Bệnh nhược cơ là một bệnh lý thần kinh – cơ tự miễn, dẫn đến yếu cơ hoặc suy nhược cơ từng đợt. Yếu cơ trong bệnh nhược cơ chủ yếu là các cơ do các dây thần kinh sọ chi phối. Mỗi khi phát bệnh, vợ mình không thở được, không nói được, ăn uống khó khăn, mình phải cho ăn qua ống thông. Thương nhất là mi mắt không nhắm lại được, nên mắt lúc nào cũng mở”. Nuốt giọt nước mắt vào trong, anh nhìn sang phía người vợ thì thầm: “Cố lên em, đừng buông tay, đừng bỏ anh và các con”.
Của cải trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi
Vợ bệnh tật, gia đình lại thuộc diện nghèo của xã, anh Kỳ trở thành lao động chính trong nhà. Bản thân làm công nhân, tằn tiện tích góp cũng chỉ đủ chút ít gửi về quê cho gia đình. Đấy là chưa nói đến thời gian chị nằm viện, anh phải thường xuyên xin nghỉ để chăm sóc cho vợ. Ở nhà, hai đứa con nheo nhóc, anh cũng đành gửi cho ông bà để ra Hà Nội chăm sóc cho vợ.
Dù bố mẹ thường xuyên vắng nhà nhưng cháu lớn con anh Kỳ rất ngoan và chăm học
“Cháu thứ hai, khi sinh do thiếu tháng nên lúc đó, con nằm trong lồng kính tại bệnh viện Thanh Hóa thì bố phải đưa mẹ ra Bạch Mai lọc máu. Giờ cháu hơn 1 tuổi rồi mà chẳng mấy khi được ngậm bầu sữa mẹ và nhận sự chăm sóc đủ đầy của cha” - anh kể.
Để chiến đấu với bênh tật, giành giật sự sống cho người vợ thân yêu của mình, bao nhiêu của cải trong nhà anh đều đem đi bán. Hết vay ngân hàng, vay nóng lãi suất cao, giờ đây, có cái xe máy là phương tiện đi lại, anh cũng đem cầm cố.
“Ngoài tiền mượn ngân hàng ra, bạn bè, những ai có thể mượn được mình cũng mượn hết rồi. Có cái xe máy là phương tiện đi lại, mình cũng đem cầm cố lấy tiền cho vợ nhập viện. Lắm lúc bí quá, đành đi vay nóng. Giờ đây, mình chẳng còn gì để cầm cố cả”, anh Kỳ nói trong nghẹn ngào.
Căn nhà đã xuống cấp là nơi ở của gia đình anh Kỳ
Khó khăn là thế nhưng cứ nghĩ đến những đau đớn mà vợ anh đang chịu đựng, thương đàn con còn quá nhỏ dại, anh lại gồng mình lên để làm việc những mong có thêm chút tiền đưa vợ đi chữa bệnh. Mỗi một lần đi viện, với anh lại là một niềm hi vọng, lại khát khao cầu mong may mắn mỉm cười với gia đình nhỏ bé của mình. Anh bảo: “Mình chỉ ước mong duy nhất là căn bệnh này sẽ sớm có phương pháp chữa trị hiệu quả. Tốn kém đến đâu mình cũng không bỏ cuộc. Mình thường động viên bà xã rằng, chỉ cần em không buông tay, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua tất cả".
Chào từ biệt hai vợ chồng, tôi ra về mà thấy lòng lặng trĩu một nỗi niềm khó tả. Chỉ mong sao vợ anh sớm khỏe mạnh để tiếng cười lại được vang lên trong ngôi nhà của những người thèm khát một tiếng cười đấy.