Trong ngày 5/8, chúng tôi đã tiếp cận được bản tường trình của ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc nhà máy sản xuất ống thép dầu khí thuộc PV Pipe.
Ông Phước là một trong những người biết rất sớm vụ chìm canô. Lần theo bản tường trình này, chúng tôi phát hiện tình tiết mới, không xuất hiện trong những ngày qua.
8h30 sáng 5/8, tàu cứu nạn SAR 413 đưa thi thể nạn nhân Nguyễn Bá Đức vào bờ. Trước đó, thi thể nạn nhân Đào Mạnh Cường cũng được đưa vào bờ. Sau hơn 60 giờ làm việc liên tục, công cuộc cứu nạn canô chìm trên biển Cần Giờ (TP.HCM) kết thúc.
Lần theo lời khai của người trong cuộc
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dương (28 tuổi, thợ máy của canô bị nạn, người đầu tiên rơi xuống biển khi canô lật) cho biết nếu được cứu nạn kịp thời thì chắc rằng vụ tai nạn không đến nỗi quá bi thảm.
Theo anh Dương, sau khi canô bị chìm khoảng một giờ thì có một canô đi ngang và dừng lại nhưng chỉ chạy lòng vòng, pha đèn rồi bỏ đi.
Trong khi nổi trên biển, anh Dương cùng nhiều người khác đã che chắn, bao quanh anh Nguyễn Văn Cương - người có điện thoại duy nhất trên canô - để anh này khỏi rơi xuống biển, giữ cho điện thoại khỏi bị ướt.
Anh Dương cho biết có nghe anh Cương gọi điện báo sự cố cho sếp. “Nếu tàu cứu hộ đến sớm hai tiếng thì sẽ ít người chết. Đằng này đến sáu tiếng mới tới nên nhiều người không còn sức để bám vào canô”, anh Dương nói.
Bản tường trình của ông Hà Ngọc Phước cho thấy, ông Phước có mặt trên một trong ba chiếc canô chở người đi dự đám cưới và có nhận được tin canô bị nạn, sau đó báo tin cho những người có trách nhiệm của công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc (gọi tắt là Việt - Séc) và công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina (gọi tắt là Vũng Tàu Marina).
Bản tường trình nêu rõ: Khoảng 17h40 ngày 2/8, chiếc canô bị nạn xuất phát từ Gò Công Đông đi Vũng Tàu. Hai canô còn lại xuất phát khoảng 18h45 cùng ngày. Trên đường đi, đến khoảng 20h10, ông Phước có nhận một cuộc điện thoại từ số máy của anh Nguyễn Văn Cương nhưng không nghe rõ, ông Phước có liên lạc lại thì nhận được tin tàu bị nạn.
Theo ông Phước, ngay sau khi biết tin tai nạn, ông có liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều ở Vũng Tàu Marina) để báo tin tai nạn, gọi cứu hộ. Hai người này xác nhận với ông Phước tàu cứu hộ đã rời Vũng Tàu và ông Sơn đi cùng tàu.
Đến 21h34 ngày 2/8, ông Phước lại nhận được tin nhắn của anh Cương với nội dung “có chiếc canô thấy tụi em mà nó không ghé”. Ông Phước có nhắn lại “tụi em thử coi đúng không”, “tàu anh đi đang gặp nguy, tài công nói quay lại là sẽ bị chìm luôn, trấn an anh em đi tàu bị nạn bình tĩnh, tàu cứu hộ đang ra”.
Sau đó, anh Cương nhắn lại trả lời “OK”. Đáng chú ý, ngay khi biết được canô bị nạn lúc hơn 20h và nhận tin nhắn trên, ông Phước có yêu cầu canô quay đầu lại để cứu người nhưng người lái không đồng ý. Canô của ông Phước về đến khu công nghiệp Đông Xuyên vào lúc hơn 23h cùng ngày.
Trong khi đó, ông Phạm Hiển, Giám đốc trung tâm phối hợp cứu nạn tìm kiếm khu vực 3 (Trung tâm 3), cho biết lúc 21h trung tâm này mới nhận được điện báo từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Vũng Tàu Marina) và 20 phút sau ông Tuấn đến trung tâm trình báo sự việc bằng đơn viết tay.
Sau khi xác minh thông tin, lúc 22h10, Trung tâm 3 điều tàu SAR 272 ra hiện trường. Vậy câu hỏi đặt ra là có không một chiếc tàu cứu nạn đã ra hiện trường trước khi tin xấu được báo cho cơ quan chức năng?
Có tàu ra cứu rất sớm
Trao đổi với chúng tôi về nghi vấn có tàu xuất bến đi tìm canô bị chìm trước khi thông báo cho cơ quan chức năng về vụ tai nạn, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Việt - Séc, xác nhận: “Chuyện đó là đúng.
Chính tôi là người đề nghị biên phòng cửa khẩu Vũng Tàu cho xuất bến tàu cứu nạn và tàu xuất bến khoảng 19h30 tối 2/8. Cùng đi còn có ông Tạ Thanh Sơn, người của Việt - Séc”.
Ông Đảo cho biết ông cũng là người đi trên chuyến canô cùng với ông Hà Ngọc Phước. Trên đường đi từ Gò Công Đông về Vũng Tàu, vào lúc hơn 19h thấy thời tiết bất thường và lo ngại cho chiếc canô đi trước (tức canô bị nạn), nên ông đã điện về cho ông Sơn, yêu cầu ông này nhờ bộ đội biên phòng cho một tàu đi ra để phòng ngừa tình huống xấu nhất.
Ông Sơn điện lại cho ông Đảo nói phải điện cho chỉ huy trưởng thì mới được điều tàu đi.
Ông Đảo điện cho Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu Vũng Tàu - nhờ cho tàu đi và được ông Quỳnh đồng ý. Lúc này vào khoảng 19h30, ông Sơn cùng lên tàu của biên phòng đi với bộ đội biên phòng.
Tuy nhiên tàu của biên phòng không tìm thấy canô bị nạn vì không biết tọa độ. “Thấy thời tiết quá xấu và nguy hiểm nên tôi chỉ yêu cầu tàu ra để đề phòng trường hợp xấu nhất. Lúc đó, tôi hoàn toàn không biết canô đã bị chìm”, ông Đảo nói.
Ông Đảo chính thức biết tin canô bị chìm từ ông Hà Ngọc Phước. Ông Đảo kể thấy ông Hà Ngọc Phước lo lắng, ông đã hỏi cụ thể thì ông Phước mới nói canô bị chìm. Lúc này là 20h26. Ngay sau đó, ông Đảo điện tiếp cho Thượng tá Quỳnh nói chính thức là canô bị chìm, cần khẩn cấp cứu nạn nhanh hơn nữa.
21h ngày 5/8, chúng tôi có điện thoại và thông báo về những những lời kể của ông Vũ Văn Đảo cho Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh biết. Thượng tá Quỳnh nghe câu chuyện rồi chỉ nói: “Để kiểm tra lại”.
Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu nói gì?
Trước đó sáng cùng ngày, Đại tá Đào Quang Hiển, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định trong ba canô chở người đi đám cưới có hai canô của đơn vị này đang sửa chữa ở công ty Việt - Séc và bị lấy ra ngoài chở khách.
Trả lời câu hỏi tại sao bộ đội biên phòng không biết công ty Việc - Séc tùy tiện đưa tàu ra hoạt động ngay trên vùng biển thuộc quyền tuần tra của đơn vị này mà không bị phát hiện, ông Hiển nói: “Cái này công ty Việt - Séc xác minh chứ hỏi như thế làm sao chúng tôi trả lời được. Biển thì rộng bao la như thế...”.
- Nhưng thưa ông, hai chiếc canô này khi xuất bến phải đi ngang đồn biên phòng?
- Có nhiều đường lắm. Phương tiện này do công ty đang sửa chữa, tự ý lấy đi, tránh khu vực kiểm soát của bộ đội biên phòng. Canô lại bị nạn trên vùng biển không thuộc chúng tôi quản lý, ngoài tầm kiểm soát.
- Hai canô còn lại trong đoàn (trong đó có một canô của biên phòng) có tải trọng yếu hơn canô bị nạn nhưng vẫn chở đến 38 người và về đến đảo Long Sơn, tức là đi sâu vào vùng kiểm soát của biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu, vậy mà vẫn không bị phát hiện?
- ... (im lặng)
- Người dân rất quan tâm và đợi câu trả lời?
- Cái này để chúng tôi kiểm tra, vì vừa rồi lo cứu nạn, phải xác minh chính xác mới trả lời được. Đành rằng trong quản lý nhà nước thì chúng tôi có trách nhiệm đó, nhưng riêng vụ tai nạn này thì chúng tôi phải xác minh lại canô xuất phát từ đâu và đi như thế nào.
- Có thông tin nói 20h ngày 2/8, biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được tin canô gặp nạn, điều tàu ra cứu nạn nhưng không phối hợp với Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và Trung tâm 3?
- Không phải, chúng tôi chỉ được thông tin từ Trung tâm 3, lúc đó gần 21h. Khi nhận được thông tin chúng tôi yêu cầu các lực lượng xuất phát ngay, vừa đi vừa cập nhật tọa độ...
Biên phòng Tiền Giang không biết canô vào sông Soài Rạp
Ngày 5/8, ông Phan Hồng Châu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Tiền Giang, cho biết về nguyên tắc, ba chiếc canô từ Vũng Tàu vào sông Soài Rạp thuộc địa phận xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông phải trình báo với trạm biên phòng tại cảng Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).
Tuy nhiên, các canô này không trình báo vào và cũng không trình báo khi trở ra nên bộ đội biên phòng không biết.
Theo ông Châu, sông Soài Rạp khu vực Vàm Láng rộng khoảng 3km. Nửa sông bên bờ nam do bộ đội biên phòng Tiền Giang quản lý, còn nửa bờ bắc do TP.HCM quản lý.
“Nếu tài công trình báo đúng quy định thì chắc chắn bộ đội biên phòng sẽ kiểm tra các loại giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, áo phao, thiết bị an toàn hàng hải...
Khi đó chắc chắn sẽ phát hiện canô chở quá số người quy định và sẽ không cho rời bến. Đằng này người ta cố tình né trạm kiểm soát nên làm sao biết mà xử lý, ngăn chặn?
Sẽ triệu tập người lái 2 canô còn lại
Ông Nguyễn Xuân Sang - Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP.HCM - cho biết những ngày qua Cảng vụ TP.HCM rất vất vả trong việc tìm ra ai là người lái hai chiếc canô còn lại trong đoàn canô chở công nhân của PV Pipe.
Sau nhiều lần liên hệ, đến sáng 5/8 công ty này mới cung cấp tên của hai tài công là Lục Văn Bảo (sinh năm 1989) và Lê Văn Hiếu (sinh năm 1988). Tuy nhiên, Việt - Séc vẫn không chịu cho số điện thoại và địa chỉ của hai tài công này.
Theo kế hoạch giữa Cảng vụ TP.HCM và Việt - Séc, chiều 5/8 Cảng vụ hàng hải TP.HCM làm việc với hai tài công này, trong đó sẽ xác định có hay không việc các tài công này thấy chiếc canô bị nạn nhưng không dừng lại để ứng cứu. Nhưng đến trưa 5/8, Việt - Séc lại cho biết hai tài công Bảo và Hiếu đang bị ốm, không thể làm việc được.
Trước tình huống này, ông Nguyễn Xuân Sang phải trao đổi với ông Lê Duy Chiến - Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu.
Hai bên sẽ phối hợp làm công văn triệu tập tài công Bảo và Hiếu lên Cảng vụ Vũng Tàu để làm việc. Theo ông Sang, nhất định hai tài công này sẽ phải làm việc với Cảng vụ TP.HCM để làm rõ các vấn đề về vụ tai nạn. Trường hợp cuối cùng, Cảng vụ TP.HCM sẽ đề nghị cơ quan công an hỗ trợ.
Bộ trưởng chỉ đạo lập tổ điều tra đặc biệt vụ ca nô chìm
“Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cần phải sớm điều tra làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan nhằm kịp thời rút kinh nghiệm để không xảy ra tai nạn tương tự”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đánh giá như vậy vào chiều 5/8, sau khi nghe báo cáo của các cơ quan chức năng, ý kiến của các đơn vị dự cuộc họp về công tác tìm kiếm cứu nạn và nguyên nhân vụ chìm canô trên vùng biển Cần Giờ, TP.HCM.
Ông Đinh La Thăng cũng quyết định thành lập ngay một tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công làm tổ trưởng, có sự tham gia của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải và các chuyên gia giỏi tham gia.
Ông Thăng yêu cầu các cơ quan phải báo cáo kiểm điểm trách nhiệm, cung cấp thông tin, chủ động điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn. Đồng thời, điều tra làm rõ trách nhiệm của hai lái tàu cùng xuất bến với tàu H29 BP khi biết có báo hiệu tàu H29 BP bị nạn mà không dừng lại cứu.